Kết thúc tuần giao dịch ngày 27/03 – 02/04, dầu thô đã ghi nhận tuần tăng giá mạnh nhất trong vòng 6 tháng qua trong bối cảnh những căng thẳng trên thị trường tài chính giảm bớt và một số lo ngại nguồn cung gián đoạn đã thúc đẩy lực mua. Giá dầu WTI trong tuần qua tăng 9,25% lên mức 75,67 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 3 tuần qua. Dầu Brent tăng 7,11% lên sát mức 80 USD/thùng.
Giá dầu đã bật tăng hơn 5% ngay từ phiên đầu tuần trước, sau khi Chính phủ và các Ngân hàng Trung ương có những động thái hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng đã gặp rủi ro trước đó, củng cố tâm lý chung của các nhà đầu tư và kéo dòng tiền quay trở lại thị trường dầu thô. Bên cạnh đó, điểm chính hỗ trợ mạnh mẽ cho đà tăng của giá dầu trong tuần qua là những rủi ro về phía nguồn cung. Hoạt động sản xuất dầu tại Pháp vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các cuộc biểu tình kéo dài. Ngoài ra, tranh chấp pháp lý giữa Iraq, khu vực bán tự trị Kurdistan và Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến dòng chảy xuất khẩu dầu lên tới 450.000 thùng/ngày phải dừng lại, tương đương với khoảng 0,5% nguồn cung toàn cầu. Điều này là nguyên nhân chính cho đà tăng đáng kể của giá dầu trong tuần qua. Tuy nhiên, vào cuối tuần, Chính phủ liên bang Iraq và Chính quyền khu vực Kurdistan (KRG) cũng đã đạt được thỏa thuận ban đầu để khởi động lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ ở phía Bắc.
Báo cáo của Cơ quan quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) trong tuần qua mặc dù cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm mạnh 7,5 triệu thùng, nhưng xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm lọc dầu ghi nhận mức giảm về lần lượt 4,58 triệu thùng và 6,04 triệu thùng đã khiến cho các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tiêu thụ tại các đối tác của Mỹ. Điều này đã hạn chế một phần đà tăng của giá dầu vào giữa tuần.
Về nguồn cung tại Mỹ, số lượng giàn khoan dầu khí, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã giảm 3 giàn xuống còn 755 giàn trong tuần tính đến ngày 31/3 theo báo cáo từ hãng khai thác Baker Hughes. Như vậy, số lượng đã ghi nhận quý giảm đầu tiên kể từ năm 2020, là yếu tố có thể sẽ hỗ trợ cho giá dầu trong dài hạn khi tốc độ khai thác chững lại.
Một lo ngại khác về yếu tố nguồn cung là sản lượng từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Theo dự báo từ hãng tin Reuters, OPEC đã sản xuất khoảng 28,90 triệu thùng/ngày trong tháng 3, giảm 70.000 thùng/ngày từ mức sản lượng trong tháng 2 và thấp hơn 700.000 thùng/ngày so với trong tháng 9/2022 với sự sụt giảm ở Angola và Iraq.
Trong bối cảnh nguồn cung vẫn đang có xu hướng hỗ trợ giá dầu, vào Chủ nhật ngày 02/04, Saudi Arabia và nhóm OPEC+ đã tuyên bố cắt giảm sản lượng tự nguyện thêm khoảng 1,15 triệu thùng/ngày. Đây là một động thái hoàn toàn bất ngờ do trước đó, các lãnh đạo nhóm cũng như nhiều chuyên gia nhận định OPEC+ sẽ chỉ tiếp tục duy trì mức cắt giảm 2 triệu thùng/ngày cho tới cuối năm nay. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng cho biết hôm Chủ nhật rằng Moscow sẽ gia hạn mức cắt giảm tự nguyện 500.000 thùng/ngày cho đến cuối năm 2023 thay vì chỉ 3 tháng như thông báo trước đó. Ngay lập tức, giá dầu đã mở cửa tăng vọt ngay phiên sáng đầu tuần, với dầu WTI đã tăng gần 8% so với mốc tham chiếu, tương đương với hơn 5 USD/thùng và chạm mức 81,6 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 1 tháng qua.
Quyết định cắt giảm sản lượng bất ngờ của nhóm OPEC+ đang được một số chuyên gia nhận định có thể đẩy giá dầu tăng 10 USD/thùng. Goldman Sachs (NYSE:GS) cũng đã nâng dự báo giá dầu Brent lên 95 USD/thùng vào cuối năm nay và lên 100 USD vào năm 2024. Tuy nhiên, quyết định này đang đặt ra mối lo ngại lớn cho lạm phát toàn cầu, chỉ vài ngày sau khi dữ liệu giá của Mỹ chậm lại thúc đẩy sự lạc quan của thị trường. Hợp đồng tương lai của quỹ Fed đang giảm bớt kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Công cụ theo dõi lãi suất Fed watch của CME Group cũng cho thấy ý kiến cho rằng Fed tăng 25 điểm cơ bản vào cuộc họp tháng Năm đã tăng lên 57% so với con số 48% vào thứ Sáu. Với động thái này, nguy cơ thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát tại nhiều nền kinh tế có thể được tiếp tục thúc đẩy, và sẽ gây áp lực tới nền kinh tế và nhu cầu dầu thô trong dài hạn.
Hôm nay, cuộc họp của nhóm OPEC+ sẽ diễn ra và những phát biểu của lãnh đạo các nhóm nước sẽ được quan tâm sau quyết định trên. Bên cạnh đó, động thái sắp tới từ nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ khi vẫn đang vật lộn với bài toán lạm phát, có thể sẽ khiến thị trường dầu gặp rung lắc mạnh.