I. Sự lựa chọn của dòng tiền
Thị trường tài chính toàn cầu bước vào tuần giao dịch thứ 2 của tháng 11 đầy biến động. Tâm điểm của thị trường sẽ hướng đến việc Mỹ sẽ công bố mức lạm phát vào cuối tuần này cũng như bài phát biểu của chủ tịch Fed để có thể hiểu được tâm lý của Fed trong thời gian sắp tới cũng như các chính sách của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới. Về lạm phát, đây là con số mà nhà đầu tư theo dõi sát sao trong thời gian tới. Nền kinh tế mở cửa trở lại khiến nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, trong khi đó việc chuỗi cung ứng đứt gãy đã khiến giá cả leo thang, đẩy mức lạm phát lên mức cao nhất trong vòng 13 năm trở lại, cũng như vượt qua hẳn con số lạm phát tham chiếu của ngân hàng trung ương các nước. Mặc dù phía nhà lập pháp tại các ngân hàng trung ương vẫn khẳng định rằng lạm phát sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, một khi vấn đề về chuỗi cung ứng được giải quyết, lạm phát sẽ quay trở lại mức ổn định mục tiêu ở 2%, nhà đầu tư vẫn rất hoài nghi về việc này trong bối cảnh giá năng lượng vẫn duy trì ở mức cao. Nếu lạm phát tiếp tục duy trì trong thời gian tới, ngân hàng trung ương các nước sẽ gặp phải áp lực không hề nhỏ và phải suy nghĩ tới việc giảm bớt các chính sách hỗ trợ thị trường. Phó chủ tịch Fed Richard Clarida ngày 8/11 cho biết Fed “rõ ràng vẫn còn cách xa việc cân nhắc tăng lãi suất” nhưng “các điều kiện cần thiết” có thể được thỏa mãn vào cuối năm 2022 nếu nền kinh tế tiến triển như dự báo. Điều này sẽ phụ thuộc vào hai yếu tốc chính là đó là lạm phát bắt đầu giảm và thị trường lao động quay trở lại mức như họ mong đợi.
Ở khu vực châu Á, Trung Quốc vừa công bố số liệu lạm phát với việc Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của nước này tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo tăng 1,4% từ giới phân tích. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 10 tăng 13,5%, vượt dự báo tăng 12,4%. Áp lực lạm phát rõ ràng tăng trên phạm vi toàn cầu. Đây sẽ là một trong những rủi ro lớn đối với thị trường. Bên cạnh đó, việc các công ty bất động sản tại Trung Quốc một lần nữa đứng trước nguy cơ vỡ nợ cho thấy thị trường chưa thật sự hết rủi ro bắt nguồn từ nhà phát triển bất động sản China Evergrande (HK:3333). Nhiều chuyên gia nhận định rằng, nhà đầu tư cần phải theo dõi sát sao diễn biến từ thị trường BĐS Trung Quốc bởi lẽ nó có thể sẽ lây lan ra toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu.
Thêm vào đó. Mỹ gia hạn lệnh cấm đầu tư vào các công ty Trung Quốc. Theo đó, sắc lệnh ban đầu nhằm ngăn các công ty đầu tư Mỹ, quỹ hưu trí và các tổ chức khác mua cổ phiếu công ty Trung Quốc được Lầu Năm Góc xác định là có liên quan quân đội Trung Quốc. Căng thẳng giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới sẽ là một rủi ro lớn đối với thị trường.
Trước các thông tin tiêu cực và rủi ro đối với thị trường, Nasdaq (NASDAQ:NDAQ) và S&P 500 kết thúc chuỗi lập đỉnh lịch sử 8 phiên liên tiếp. Dow Jones giảm 112,24 điểm, tương đương 0,31%, S&P 500 giảm 16,45 điểm, tương đương 0,35%, xuống 4.685,25 điểm, trong khi đó Nasdaq cũng ghi nhận giao dịch kém tích cực khi giảm 95,81 điểm, tương đương 0,6%. Thị trường Mỹ đã ghi nhận tăng mạnh và liên tục lập các đỉnh cao mới trong tuần trước, vì vậy các phiên điều chỉnh là cần thiết để thị trường có thể tiếp tục tăng trưởng.
Trong khi đó, các loại tài sản khác như vàng và Bitcoin (BitfinexUSD) cũng ghi nhận dòng tiền khá tốt. Tiền số Bitcoin ghi nhận lập đỉnh cao mới, Bicoin và Ether tiếp tục phá vỡ các kỷ lục cũ để xác lập những kỷ lục mới nhờ dòng tiền ‘ồ ạt’ chảy vào thị trường này trong bối cảnh lo ngại về lạm phát gia tăng làm thay đổi các dòng tiền đầu tư.
Xét về điểm dòng tiền, cổ phiếu và hàng hóa vẫn ghi nhận có điểm cao nhất. Tuy nhiên, chỉ số VIX phần nào đã tăng mạnh trong phiên vừa qua đến từ các thông tin vĩ mô không thật sự tích cực. Trong ngắn hạn, tâm lý giao dịch của nhà đầu tư có thể sẽ diễn biến tương đối tiêu cực.
Xem thêm nhận định Thị trường Việt Nam phiên ngày 10/11 tại Finashark.vn