Vietstock - Vị thủ tướng nhiều dấu ấn của Nhật Bản
Thủ tướng Shinzo Abe tạo nhiều dấu ấn trên chính trường Nhật Bản cũng như trên thế giới trong suốt thời gian tại vị.
* Abenomics sẽ về đâu khi Thủ tướng Nhật Bản từ chức?
* Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ chức
Tổng thống Trump, Thủ tướng Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị G20 ở Nhật vào năm 2019. Ảnh: CNN
|
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm qua 28.8 tuyên bố sẽ từ chức vì lý do sức khỏe sau gần 8 năm tại vị. Cách đây vài ngày, nhiều hãng truyền thông đồng loạt đưa tin ông Abe (66 tuổi) lập kỷ lục mới khi liên tục giữ cương vị thủ tướng Nhật Bản trong 2.799 ngày liên tục vào ngày 24.8, chính thức vượt kỷ lục của cựu Thủ tướng Eisaku Sato (cầm quyền từ năm 1964 - 1972). Trong suốt thời gian tại vị, Thủ tướng Abe đã để lại nhiều dấu ấn về đối nội và đối ngoại, kể cả thời gian cầm quyền trước đó từ tháng 7.2006 - 9.2007.
Quay lại làm Thủ tướng
Ngày 28.8, trả lời các câu hỏi PV liên quan đến việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố từ chức, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Ngài Shinzo Abe đã được nhân dân Nhật Bản tín nhiệm nhiều năm ở cương vị thủ tướng Nhật Bản, là nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước Nhật Bản và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ở khu vực và thế giới. Việt Nam đánh giá cao những đóng góp quan trọng của ngài thủ tướng đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực và quốc tế. Việt Nam chúc Thủ tướng Abe sức khỏe, hạnh phúc, tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước Nhật Bản cũng như quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản”. Vũ Hân |
Thuộc dòng dõi lừng danh Nhật Bản, ông Shinzo Abe thể hiện rất rõ sự kiên cường của những samurai Nhật. Ông có một xuất thân mà nhiều người mơ ước: ông nội là nghị sĩ Kan Abe đầy ảnh hưởng tại Nhật hồi thập niên 1930 và đầu những năm 1940, ông ngoại là cố Thủ tướng Nobusuke Kishi (nhiệm kỳ 1957 - 1960), cha là cố Ngoại trưởng Shintaro Abe (nhiệm kỳ 1982 - 1986). Với nền tảng danh gia vọng tộc, ông Abe tiến nhanh trong đảng Dân chủ tự do (LDP) trước khi thay ông Junichiro Koizumi vào năm 2006, trở thành thủ tướng trẻ nhất nước ở tuổi 52.
Sau một năm cầm quyền, Thủ tướng Abe từ chức vào năm 2007 vì lý do sức khỏe. Ban đầu, có người cho rằng sự nghiệp chính trị của ông Abe đã chấm dứt, nhưng ông một lần nữa quay lại đỉnh cao quyền lực vào năm 2012, và không ngừng gầy dựng hình ảnh một chính trị gia đủ sức lèo lái Nhật trở thành nước có ảnh hưởng về chính trị đối với thế giới, điều mà cha ông góp phần tạo dựng.
Lên tiếng về Biển Đông
Người tiên phong cho chiến lược Indo-Pacific Shinzo Abe là một trong những thủ tướng thành công nhất của Nhật. Trước Thủ tướng Abe, Nhật Bản suốt 20 năm qua gần như thay thủ tướng hằng năm (ngoại trừ thời kỳ Thủ tướng Junichiro Koizumi). Về đối nội, chính sách kinh tế dưới thời ông - thường được gọi là Abenomics - đã đạt nhiều thành tựu. Về đối ngoại, ông Abe đã đóng vai trò tiên phong cho chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) trong bài phát biểu trước quốc hội Nhật Bản vào năm 2007. Cùng năm 2007, dưới thời ông, cuộc tập trận 4 bên Nhật Bản - Mỹ - Ấn Độ - Úc cũng lần đầu diễn ra, đánh dấu “bộ tứ an ninh” của Indo-Pacific. Nên cả chiến lược Indo-Pacific lẫn “bộ tứ an ninh” đều có sự tiên phong của ông. TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) |
Ngay sau khi trở lại nắm ghế thủ tướng vào ngày 26.12.2012, ông Abe đã có những bước đi để hiện thực hóa chính sách đối ngoại của mình. Chỉ một ngày sau khi nhậm chức, chuyên trang Project Syndicate đăng bài viết của ông cảnh báo nguy cơ đến từ Trung Quốc và tuyên bố “Biển Đông đang ngày càng giống như ao nhà của Bắc Kinh”.
Ông khẳng định vấn đề biển Hoa Đông và Biển Đông sẽ là ưu tiên đối với chính sách của Nhật và tuyên bố Tokyo phải đóng vai trò lớn hơn ở các vùng biển thuộc khu vực, bên cạnh việc tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á, củng cố liên minh với Mỹ.
Dấu ấn tứ giác kim cương, CPTPP
Nhà lãnh đạo lão luyện Với đối nội, Thủ tướng Abe để lại nhiều thành công trong chính sách kinh tế lẫn nhiều vấn đề xã hội thông qua nhiều cải cách. Còn với chính trường quốc tế, ông là một nhà lãnh đạo lão luyện trong việc ứng xử và đối phó với các lãnh đạo khó tính và nhiều quyền lực như ông Donald Trump - Tổng thống Mỹ, Vladimir Putin - Tổng thống Nga, ông Tập Cận Bình - Chủ tịch nước Trung Quốc. Thủ tướng Abe “xoay trục” hiệu quả khi Mỹ rút khỏi TPP rồi cùng lèo lái để xây dựng nên CPTPP, rồi đạt nhiều hiệp ước kinh tế đa phương. Trong số các thủ tướng Nhật Bản từ sau Thế chiến 2 đến nay, ông là người có chính sách đối ngoại hiệu quả nhất. PGS (HN:PGS) Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) Ngô Minh Trí (thực hiện) |
Một trong những dấu ấn lớn mà ông Abe để lại được cho là nỗ lực nhằm định hình liên minh “tứ giác kim cương” với Ấn Độ, Úc và Mỹ để bảo vệ hoạt động hàng hải trải dài từ Ấn Độ Dương đến tây Thái Bình Dương. Khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) được ông Abe nhắc đến từ năm 2006, sau đó được đẩy mạnh sau khi ông đắc cử lần 2 và hiện là trọng tâm trong chính sách an ninh của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo chuyên san The Diplomat, Indo-Pacific là chiến lược nhằm sắp xếp lại bàn cờ địa chính trị, để giảm ảnh hưởng của Trung Quốc, phù hợp với lợi ích và định hướng chiến lược của cả 4 bên. Về đối ngoại, ông Abe còn thể hiện chính sách ngoại giao linh hoạt khi những buổi chơi golf với Tổng thống Trump giúp củng cố mối quan hệ giữa 2 nhà lãnh đạo cũng như giữa 2 nước.
Một điểm nhấn đáng chú ý khác, Thủ tướng Abe còn là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự hồi sinh của Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngay sau khi Mỹ rút, Thủ tướng Abe tuyên bố sẽ theo đuổi đến cùng và bày tỏ mong muốn đóng vai trò đầu tàu, giúp hình thành hiệp định CPTPP và giúp ông thêm một lần nữa khẳng định vai trò của mình trong bàn cờ khu vực.
Các ứng viên sáng giá thay thế Với việc Thủ tướng Abe từ chức, đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu chọn lãnh đạo đảng thay ông Abe. Theo Kyodo News, đảng LDP vào ngày 1.9 sẽ quyết định cách tổ chức cuộc bỏ phiếu chọn lãnh đạo mới. Sau cuộc bầu chọn trong nội bộ LDP, quốc hội Nhật sẽ bỏ phiếu bầu thủ tướng mới. Người được chọn làm lãnh đạo đảng LDP chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng mới của Nhật, vì đảng LDP chiếm đa số ở Hạ viện - nơi có tiếng nói quyết định trong việc bầu thủ tướng. Thủ tướng mới sẽ hoàn tất nhiệm kỳ còn lại của ông Abe đến tháng 9.2021. Một số ứng viên sáng giá thay ông Abe là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida. Ông Kishida (63 tuổi) làm ngoại trưởng từ năm 2012 - 2017 và từ lâu được coi là ứng viên tiềm năng cho việc kế nhiệm ông Abe. Tuy nhiên, ông Kishida có phong cách chính trị mềm mỏng, ôn hòa nên không được ủng hộ rộng rãi trong công chúng. Trong một cuộc khảo sát của Kyodo News mới đây, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ishiba (63 tuổi) là người được bỏ phiếu nhiều nhất cho việc thay thế Thủ tướng Abe (23%). Ông Ishiba là người có quan điểm “diều hâu” khi muốn gia tăng vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật và thậm chí cho rằng Nhật nên cân nhắc lại chính sách cấm vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ. Ông Ishiba được cử tri ủng hộ với chính sách khôi phục kinh tế các khu vực, nhưng lại không được giới nghị sĩ LDP ủng hộ mạnh mẽ vì từng rời khỏi đảng. Ông là ứng viên duy nhất tranh cử lãnh đạo LDP với ông Abe năm 2018 nhưng thất bại nặng nề. Theo giới quan sát, dù ai lên làm thủ tướng thì các chính sách về kinh tế của ông Abe sẽ vẫn được giữ nguyên trong thời gian này. Danh Toại |
Khánh An