Vietstock - Trung Quốc áp quy định mới về xuất khẩu công nghệ, ngăn ByteDance bán lại TikTok cho Mỹ?
Trung Quốc công bố các biện pháp giới hạn mới về hoạt động xuất khẩu công nghệ trí tuệ nhân tạo, qua đó có thể làm phức tạp việc bán lại mảng hoạt động tại Mỹ của TikTok, đồng thời gia tăng xung đột giữa hai siêu cường thế giới.
Ngày 28/08, các bộ phụ trách thương mại, khoa học và công nghệ đã đưa ra các ràng buộc mới, trong đó bao gồm các mảng như điện toán và công nghệ xử lý dữ liệu – như phân tích văn bản, khuyến nghị nội dung, nhận dạng giọng nói… Các công nghệ trong danh sách không được phép xuất khẩu mà không có giấy phép từ các cơ quan thương mại địa phương.
Các biện pháp giới hạn mới có thể gây khó khăn cho cuộc đàm phán giữa công ty ByteDance (Trung Quốc) và người mua tiềm năng, trong bối cảnh tổ chức sở hữu TikTok bị Nhà Trắng yêu cầu bán lại mảng hoạt động tại Mỹ hoặc sẽ phải đối mặt với lệnh cấm.
* Vì sao Walmart muốn mua TikTok
* Cuộc tranh giành tài sản TikTok tại Mỹ ngày càng chật chội
Ngày 29/08, Tân Hoa Xã dẫn lời một cố vấn thương mại của Chính phủ Trung Quốc rằng ByteDance nên nghiên cứu danh sách mới, “cẩn thận và nghiêm túc” xem xét xem có nên ngừng cuộc đàm phán bán lại mảng hoạt động tại Mỹ và các nước khác của TikTok hay không.
ByteDance có được thành công quốc tế nhờ vào sức mạnh công nghệ của Trung Quốc và cung cấp những cập nhật về thuật toán cho các công ty nước ngoài dưới dạng xuất khẩu công nghệ, vị cố vấn Cui Fan – Giảng viên của Đại học Kinh doanh Kinh tế Quốc tế – nói với Tân Hoa Xã. Điều này có nghĩa cho dù ai sẽ mua lại mảng hoạt động quốc tế của ByteDance thì nhiều khả năng sẽ có sự chuyển giao công nghệ, ông nói.
Microsoft (NASDAQ:MSFT), Walmart và Oracle đều thể hiện sự quan tâm đến ứng dụng TikTok. Gần đây nhất, Nhóm nhà đầu tư, dưới sự dẫn dắt của quỹ Centricus (ở London), sẽ chung tay với Triller (một ứng dụng mạng xã hội dựa trên video và âm nhạc ở Mỹ) để đấu thầu mua lại TikTok, dựa trên nguồn tin từ Bloomberg.
Thành công của ứng dụng này đến từ việc cung cấp những video gây nghiện và được chọn lựa dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo khuyến nghị nội dung của ByteDance. Gần đây
Danh sách cấm và hạn chế xuất khẩu công nghệ cũng bao gồm những hạn chế mới đối với công nghệ laser, mật mã, thiết kế chip và các danh mục công nghệ cao khác.
Lần gần nhất mà Trung Quốc thay đổi danh sách xuất khẩu công nghệ là vòa năm 2008, theo Bộ Thương mại Trung Quốc. Cơ quan này cho biết họ bắt buộc phải điều chỉnh danh sách khi xét tới sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, cũng như sự cải tiến liên tục của Trung Quốc về khả năng cạnh tranh công nghiệp.
Công nghệ bỗng trở thành trung tâm trong cuộc xung đột địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh TikTok, Nhà Trắng cũng nhắm tới hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc khác, chẳng hạn như gã khổng lồ viễn thông Huawei và Tencent Holdings.
Trong 2 năm qua, Chính phủ Mỹ lên chiến dịch thêm công nghệ 5G của Huawei vào danh sách đen vì lo ngại về rủi ro an ninh liên quan đến mối quan hệ giữa gã khổng lồ này và Chính phủ Trung Quốc. Chính quyền Trump cũng hạn chế khả năng tiếp cận của Huawei với những dòng chip được sản xuất ở nước ngoài, bóp nghẹt khả năng nhập nguồn linh kiện của ông lớn này.
Ứng dụng nhắn tin WeChat của Tencent – vốn đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa các doanh nghiệp Mỹ và thị trường Trung Quốc – đối mặt với lệnh cấm tương tự như TikTok, cũng vì lý do an ninh quốc gia.
Trong năm qua, Chính phủ Mỹ cũng áp giới hạn nghiêm ngặt với các công ty và cá nhân Trung Quốc mua công nghệ Mỹ. Hàng tá công ty và cá nhân bị thêm vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ kể từ tháng 10/2020. Họ không được mua một số công nghệ mà không có giấy phép từ Chính phủ.
* TikTok - 'Đế chế' vươn lên không đúng thời của Zhang Yiming
Vũ Hạo (Theo WSJ)