Vietstock - Tổng thống Donald Trump: Cơ hội, thách thức và giải pháp (Kỳ 3)
Chủ nghĩa biệt lập sẽ ảnh hưởng đến chính sách an ninh toàn cầu của Mỹ trong thời gian tới. Việc thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa các nhà lãnh đạo sẽ hữu ích vì lịch sử đã cho thấy rằng các quyết định của ông Trump có thể bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ với các nhà lãnh đạo khác.
Chính sách an ninh toàn cầu của Mỹ sẽ thay đổi dưới chính quyền Trump
Economist Intelligence Unit (EIU) đánh giá mức độ phụ thuộc của các quốc gia vào một chính sách đối ngoại theo hướng độc lập hơn, với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", thông qua chỉ số phụ thuộc an ninh. Chỉ số này bao gồm các yếu tố như sự phụ thuộc vào viện trợ quân sự của Mỹ và sự hiện diện của quân đội Mỹ tại các quốc gia.
Ông Trump được biết đến với quan điểm rằng các liên minh quốc phòng của Mỹ cần được tái cân bằng, trong đó các bên đối tác phải đóng góp nhiều hơn. Do đó, chi tiêu quốc phòng của một quốc gia (theo tỷ lệ phần trăm GDP) được coi là một yếu tố quan trọng trong chỉ số phụ này. EIU cũng xem xét các thương vụ bán vũ khí quân sự ra nước ngoài, với quan điểm rằng việc tăng cường chi tiêu cho vũ khí Mỹ sẽ giúp các quốc gia giảm thiểu rủi ro trước những thay đổi tiềm tàng về an ninh dưới thời ông Trump.
Các quốc gia chịu ảnh hưởng an ninh lớn nhất dưới thời Tổng thống Trump
Nguồn: Economist Intelligence Unit (EIU)
(*) Chú thích: Điểm càng cao thì sự ảnh hưởng càng lớn.
Một số đồng minh thân cận của Mỹ được đánh giá là có mức độ ảnh hưởng an ninh cao nhất
Các đồng minh NATO ở Đông Âu và Trung Âu, chẳng hạn như Bulgaria, Estonia và Latvia được xếp hạng cao. Điều này sẽ là một mối lo ngại, nhất là khi xét đến khả năng dễ bị tổn thương của họ nếu quan hệ giữa NATO và Nga xấu đi và dẫn đến xung đột toàn diện. Đức, quốc gia có lực lượng lớn quân đội Mỹ đồn trú và tỷ lệ chi tiêu quốc phòng trên GDP thấp, đứng ở vị trí thứ ba. Trong khi đó, mặc dù Nhật Bản có một số đặc điểm tương tự nhưng lại được đánh giá là ít bị ảnh hưởng hơn nhờ vào việc chi tiêu nhiều hơn cho vũ khí của Mỹ.
Một số quốc gia ở Mỹ Latinh, bao gồm Costa Rica và Panama, nhận viện trợ quân sự từ Mỹ nhưng không có hoặc chỉ có chi tiêu quốc phòng hạn chế, cũng nằm trong nhóm đầu của bảng xếp hạng.
Tỷ lệ chi tiêu quân sự trên GDP trung bình trong giai đoạn 2022-2023 của các quốc gia đồng minh của Mỹ
Nguồn: Economist Intelligence Unit (EIU)
Trong số các đồng minh chủ chốt của Mỹ, Úc, Phần Lan, Hy Lạp và Ba Lan được đánh giá là ít bị ảnh hưởng nhất, nhờ vào chi tiêu quốc phòng mạnh mẽ và việc mua vũ khí từ Mỹ. Oman và Ả Rập Xê Út là những đối tác quốc phòng quan trọng của Mỹ ở Trung Đông nhưng lại có mức độ phụ thuộc hạn chế với những thay đổi dưới thời chính quyền Trump.
Các quốc gia không liên kết như Ấn Độ và Singapore cũng có mức độ phụ thuộc khá thấp, mặc dù có mối quan hệ quân sự chặt chẽ và hợp tác với Mỹ vì họ phần lớn phụ thuộc vào nguồn lực quốc phòng của chính mình.
Chiến lược giảm thiểu rủi ro Trump
Các chính phủ và doanh nghiệp có thể cân nhắc các chiến lược nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến những thay đổi chính sách có thể xảy ra dưới thời ông Trump. Ví dụ, chính quyền Trump có thể sẽ nhìn nhận tích cực về cam kết gần đây của Đức và Nhật Bản trong việc tăng chi tiêu quốc phòng. Các biện pháp phòng ngừa có thể được thực hiện để giảm thiểu rủi ro thương mại. Các chính phủ phải kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn việc hàng hóa Trung Quốc “đội lốt” hàng nội địa của quốc gia mình xuất khẩu sang Mỹ. Việc mua các mặt hàng nông sản và năng lượng của Mỹ theo sự chỉ đạo của nhà nước có thể làm dịu bớt lo ngại về mất cân đối thương mại. Các công ty xuất khẩu những mặt hàng nhạy cảm về chính trị như thép sang Mỹ có thể cân nhắc việc đa dạng hóa thị trường để phòng ngừa rủi ro thuế quan cao hơn.
Việc thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa các nhà lãnh đạo cũng có thể hữu ích. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump đã cho thấy rằng quyết định của ông có thể bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ với các nhà lãnh đạo khác. Thủ tướng Nhật Bản khi đó, Abe Shinzo, đã có thể giành được những nhượng bộ thương mại cho đất nước mình thông qua việc khéo léo xây dựng mối quan hệ với ông Trump. Cũng có khả năng một số nhà lãnh đạo sẽ nhìn thấy ở ông Trump là một đồng minh về mặt tư tưởng mà họ có thể hợp tác kinh doanh và có thể mang lại lợi ích cho quốc gia của họ. Thủ tướng Hungary, Viktor Orban hoặc Tổng thống Argentina, Javier Milei, nổi bật như những "Trumpist" có khả năng ở những khu vực mà hầu hết các nhà lãnh đạo chính trị khác có thể có quan điểm tư tưởng khác biệt. Sự trở lại của ông Trump là rủi ro đối với một số quốc gia, nhưng không phải đối với tất cả.
Phòng Tư vấn Vietstock