Vietstock - Thị trường IPO Hồng Kông tụt dốc
Hai thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất trong năm của Hồng Kông hôm 29-9 được chờ đợi là tin mừng trong bối cảnh hiện nay. Nhưng cả hai đã không thể vượt qua trước tình trạng bất định toàn cầu và các chính sách chưa rõ ràng đã ngăn dòng vốn vào nơi từng là địa điểm IPO lớn nhất thế giới.
Mẫu xe C11 của hãng xe điện Leapmotor. Sự kiện Leapmotor lên sàn ngày 29-9 được xem là cú hích với thị trường IPO đang trì trệ ở Hồng Kông. Ảnh: Getty Images |
Giá trị dự kiến của thương vụ IPO của hãng sản xuất xe điện Leapmotor ở tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc được hy vọng có thể đạt 1,03 tỉ đô la. Con số này chưa đầy 20% đợt 6,23 tỉ đô la của hãng công nghệ Kuaishou của Trung Quốc năm 2021.
Tuy nhiên, cổ phiếu của Leapmotor đã trượt xuống mức 31,90 đô la Hồng Kông mỗi cổ phiếu, giảm 33,5% so với giá chào bán đầu ngày. Theo dữ liệu của Dealogic, trong các vụ IPO có giá trị trên 500 triệu đô la Mỹ ở thị trường xứ cảng, Leapmotor đã vượt qua kỷ lục IPO tệ hại của A-Living Services năm 2018 khi cổ phiếu tụt 23% trong ngày đầu lên sàn.
Ở thương vụ IPO lớn thứ hai, cổ phiếu của hãng dịch vụ bất động sản Onewo, hãng con của nhà thầu China Vanke ở đại lục, đạt 46 đô la Hồng Kông mỗi cổ phiếu, giảm 6,8% so với lúc khai trương. Onewo thu được 733 triệu đô la Mỹ.
Tính đến giữa tháng 9-2022, tổng giá trị thương vụ IPO ở Hồng Kông chỉ ở mức 7,77 tỉ đô la, thấp nhất kể từ năm 2013.
Tâm lý đang rất tệ
Cho đến cuối 2019, Hồng Kông vẫn giữ vị trí thị trường IPO hàng đầu thế giới. Mọi thứ đều trên đà trượt dốc. Đến giữa tháng 9 này, tổng giá trị các vụ IPO chỉ đạt 20% con số của cả năm 2021. Ít người tin rằng thị trường ở đây sẽ sớm trở lại mức trước dịch Covid.
Nhà kinh tế Gary Ng thuộc hãng phân tích Natixis tại Hồng Kông cho rằng: “Tôi nghĩ thách thức chính mà thị trường đang đối mặt lúc này là tâm lý rất tệ. Tính đến nay, chỉ số Hang Seng đã giảm hơn 20%, làm đánh mạnh vào niềm tin của nhà đầu tư”.
Sự sụt giảm của thị trường đang ngăn cản các công ty có kế hoạch lên sàn bởi mức định giá sẽ thấp hơn mức mong đợi của họ.
Hồng Kông không phải là thị trường duy nhất có khối lượng giảm đáng kể trong bối cảnh lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu. Nhưng thị trường IPO của Hồng Kông cũng đang bị ảnh hưởng trước kỳ Đại hội Đảng ở Bắc Kinh dự kiến kết thúc vào giữa tháng 10 tới, tức còn ít nhất là ba tuần nữa. Hồng Kông cũng đang cảm thấy hệ quả của các đợt đối đầu thương mại Mỹ – Trung, cùng tác động của chính sách zero Covid. Hôm 23-9, chính quyền đặc khu tuyên bố sẽ chấm dứt chính sách cách ly tại khách sạn đối với khách nhập cảnh, tạo thêm hy vọng cho các doanh nghiệp tại đây.
William Chow, Phó giám đốc điều hành của Văn phòng gia đình Raffles, có trụ sở tại Hồng Kông, nói rằng Raffles đã đầu tư vào các hãng công nghệ và xe điện ở đại lục trước khi các doanh nghiệp này IPO. Lợi nhuận mà Raffles nhận được trong giai đoạn tiền IPO gấp 5-6 lần lợi nhuận trong hai năm qua khi các doanh nghiệp này niêm yết ở tại Mỹ lẫn Hồng Kông.
Chow không mong đợi mức lợi nhuận tương tự khi một công ty khác mà họ đầu tư dự kiến lên sàn vào năm sau. Ông nói rằng tình trạng bất định toàn cầu do xung đột địa chính trị và sự thiếu rõ ràng trong việc mở cửa hoàn toàn của Hồng Kông là hai yếu tố chính tác động đến thị trường IPO tại đây.
Chỉ 8% trong số các vụ IPO ở Hồng Kông tính đến tháng 8 vừa rồi có số đăng ký hơn dự tính, so với 90% của cùng kỳ năm 2021. Báo cáo gần đây của hãng Deloitte nói rõ “sự quan tâm của nhà đầu tư giảm mạnh”.
Trong họp báo công bố kết quả của Sở giao dịch và chứng khoán Hồng Kông (HKEX) hồi tháng 8, CEO Nicolas Aguzin của HKEX dự báo tình hình địa chính trị, biến động thị trường và tình hình tăng lãi suất “sẽ tiếp tục diễn biến xấu”. Ông nói khối lượng giao dịch tiền mặt sẽ bị ảnh hưởng bởi tâm lý thị trường toàn cầu ”, giá trị giao dịch của sàn đã giảm 27% trong sáu tháng đầu năm.
Mẫu xe C11 của hãng xe điện Leapmotor. Sự kiện Leapmotor lên sàn ngày 29-9 được xem là cú hích với thị trường IPO đang trì trệ ở Hồng Kông. Ảnh: Getty Images |
Thị trường Hồng Kông có được lợi?
Liệu các công ty Trung Quốc bị hủy niêm yết tại Mỹ sẽ quay trở về đại lục trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington về kiểm toán vẫn tiếp diễn? Sự trở về của họ được xem là có lợi cho thị trường chứng khoán Hồng Kông. Nhưng mọi chuyện không thể đơn giản như thế.
Một nhóm các chuyên gia kiểm toán từ Washington hiện đang ở Hồng Kông để thanh tra hoạt động của các hãng kiểm toán lớn, như PwC và KPMG, thực hiện công việc sổ sách cho khoảng 130 công ty đại lục đang niêm yết tại Mỹ. Nếu các thanh tra không hài lòng với những gì họ tìm thấy, các tập đoàn Trung Quốc này có thể bị buộc phải hủy niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ.
Lyndon Chao, người đứng đầu bộ phận cổ phiếu tại Hiệp hội Thị trường tài chính & công nghiệp chứng khoán châu Á (ASIFMA), cho biết cuộc kiểm toán có thể ảnh hưởng đến cách các tổ chức phát hành đang xem Hồng Kông là điểm đến. Nếu có vấn đề, điều đó có thể không tốt cho Hồng Kông. “Tôi nghĩ rằng căng thẳng Mỹ – Trung có thể thêm trầm trọng, bởi mọi chuyện có thể được nhìn nhận rất nhiều qua lăng kính chính trị”, Chao nói.
Còn Gary Ng của Natixis cho rằng các hãng bị hủy niêm yết có thể không nhất thiết phải tìm về Hồng Kông như một giải pháp thay thế trong kế hoạch B, vì họ không hoàn toàn miễn nhiễm với những căng thẳng địa chính trị. Các công ty này cũng có thể sẽ phải đối mặt với việc một phần số tiền của các nhà đầu tư tại Mỹ do các hạn chế đầu tư. “Điều này có thể ảnh hưởng đến việc định giá”, Ng nói.
Thomas Fung, Giám đốc công nghệ thông tin của hãng Rise Securities Asset Management tại Trung Quốc, cho biết các nhà đầu tư Mỹ có thể suy nghĩ kỹ về việc đầu tư vào các công ty bị hủy niêm yết và trở về Hồng Kông. Một số quỹ đặt ra hạn chế đầu tư vào cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc niêm yết cũng sẽ hành động tương tự. Bởi họ sẽ không đổ tiền vào cổ phiếu bị Quốc hội Mỹ phủ quyết, không chấp nhận.
Các nhà đầu tư ở Hồng Kông đang hướng vào Đại hội Đảng sắp tới để tìm bất kỳ dấu hiệu nào mang cho họ niềm hy vọng. Theo Dealogic, đó có thể là sự thay đổi chính sách ở mảng công nghệ và bất động sản của Trung Quốc, vốn vẫn nằm trong top 5 theo khối lượng giao dịch trong năm năm qua trong các đợt IPO ở Hồng Kông.
“Các nhà đầu tư đang chờ đợi sự rõ ràng xung quanh các quy định chính quan trọng đối với việc niêm yết ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc, chẳng hạn như chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới”, Gary Ng nhận xét.
Ricky Hồ