Vietstock - Thị trường điện châu Âu và rủi ro từ sự mất cân bằng
Các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời đang bùng nổ mạnh mẽ tại châu Âu, giúp giảm giá điện và hạn chế khí thải. Tuy nhiên, điều này cũng khiến hệ thống điện khu vực trở nên mất ổn định hơn.
Năng lượng tái tạo giúp hạ giá điện tại châu Âu
Hôm 2-1-2025, giá điện trong ngày tại Đức đã giảm xuống dưới 0 trong vòng bốn tiếng, khi sản lượng điện gió tăng vọt lên 40 gigawatt, vượt xa nhu cầu. Đây đã không còn là chuyện hiếm tại Đức, nơi giá điện đã giảm xuống mức âm trong tổng cộng 468 giờ trong năm ngoái, tăng hơn 60% so với mức 292 giờ của năm 2023.
Không chỉ Đức, Vương quốc Anh cũng ghi nhận số giờ điện âm tăng 70% trong năm 2024. Tại Pháp, thời gian giá điện âm tăng gấp đôi lên 356 giờ, khiến một số nhà máy điện hạt nhân phải ngừng hoạt động hồi tháng 6-2024. Tây Ban Nha cũng lần đầu tiên ghi nhận tình trạng này trong năm ngoái, và có tổng cộng 247 giờ giá điện âm.
Về cơ bản, giá điện âm không đồng nghĩa với việc các hộ gia đình sẽ được trả thêm tiền khi dùng điện, bởi giá điện tiêu dùng đã được thỏa thuận từ trước. Nhưng điều này sẽ có lợi cho các nhà sản xuất vì họ thường đấu giá năng lượng thô trước một ngày.
Xu hướng này ngày càng phổ biến khi năng lượng tái tạo được mở rộng khắp châu Âu trong những năm gần đây, với hàng loạt dự án điện mặt trời và điện gió. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tổng đầu tư vào năng lượng tái tạo của Liên minh châu Âu (EU) năm 2023 đạt gần 110 tỉ đô la, tăng hơn 6% so với năm 2022.
Dữ liệu của Eurelectric cho thấy, nhờ sự bùng nổ của điện tái tạo, trong năm 2024 ngành điện châu Âu đã đạt được hỗn hợp sản xuất điện sạch lớn nhất từ trước tới nay, với điện tái tạo chiếm 48% sản lượng điện toàn khối, tiếp đó là điện hạt nhân (24%) và nhiên liệu hóa thạch (28% - mức thấp nhất từ trước tới nay).
Theo Eurelectric, sự đầu tư mạnh mẽ này đang tạo ra nhiều tác động tích cực, giúp châu Âu tiến gần hơn đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Về giá cả, trong năm ngoái giá điện bán buôn trung bình theo ngày của EU đã giảm 16% so với năm 2023 (từ 97 xuống 82 euro/megawatt giờ). Giá điện âm đã thiết lập những kỷ lục mới, xảy ra 1.480 lần và được ghi nhận trong 17% thời gian ở ít nhất một khu vực đấu thầu.
Giá điện biến động khó lường vì thời tiết
Tuy nhiên, bên cạnh những ngày giá điện âm, ngành điện châu Âu cũng phải đối mặt với những ngày giá điện tăng đột biến khi các rủi ro thời tiết làm đảo lộn thị trường. Hiện tượng thời tiết, được gọi là Dunkelflaute, đang trở thành nguồn cơn làm đau đầu các quan chức, và cản trở các nỗ lực thúc đẩy năng lượng sạch của châu Âu.
Dunkelflaute trong tiếng Đức có nghĩa là “thời tiết ảm đạm” - một thuật ngữ ám chỉ những ngày thời tiết u ám và rất lạnh, khi những đám mây dày đặc tràn xuống khu vực phía Bắc châu Âu. Kiểu thời tiết này có thể xảy ra từ 2-10 lần một năm, thường là vào mùa thu và mùa đông. Mỗi lần có thể kéo dài 24 giờ hoặc lâu hơn.
Trước đây, những khoảng thời gian thời tiết u ám này sẽ không tạo ra ảnh hưởng quá lớn đối với thị trường năng lượng châu Âu vốn dựa vào dòng năng lượng ổn định, có thể dự đoán được từ các nhà máy điện hạt nhân và nhiên liệu hóa thạch. Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi trong những năm gần đây, khi các quốc gia giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn.
Trong điều kiện thời tiết ảm đạm, các tấm pin mặt trời chỉ có thể tạo ra lượng điện rất ít, trong khi các turbine gió gần như không chuyển động. Nếu không có hai trụ cột năng lượng tái tạo này, lưới điện sẽ phải dựa vào các nhà máy phát điện chạy bằng khí đốt dự phòng, đẩy giá điện tăng cao.
Ông Steve Moody, Giám đốc giao dịch tại Conrad Energy, một công ty mua bán điện tại Abingdon (Anh), cho biết chi phí vận hành các nhà máy điện này cao hơn, làm tăng giá điện khi nguồn cung điện tái tạo không đủ. “Giá sẽ tăng cao trong thời kỳ khan hiếm”.
Các dữ liệu từ trang web theo dõi giá điện Drax Electric Insights cho thấy, hồi giữa tháng 12-2024, trong một đợt gió yếu, giá điện tại Anh đã tăng vọt lên 485 bảng/megawatt giờ, cao gấp gần 9 lần so với mức trung bình khoảng 70 bảng Anh của cả năm 2024.
Còn tại Đức, trong năm ngoái, mùa thu và mùa đông đặc biệt ảm đạm, khiến sản lượng điện giảm hơn 5% so với cùng kỳ năm trước. Thời tiết u ám hồi giữa tháng 12-2024 đã khiến giá điện tăng vọt, cao gấp 14 lần so với mức trung bình.
Thách thức lớn đối với ngành điện
Vì hiện tượng thời tiết ảm đạm có thể bao phủ nhiều quốc gia cùng một lúc nên tác động của nó có thể lan rộng khắp Bắc Âu, gây áp lực lên các hệ thống điện. Một đợt Dunkelflaute hồi đầu tháng 11 năm ngoái đã khiến giá điện tăng vọt ở Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ và Anh.
Việc số giờ giá điện âm gia tăng mạnh đã khiến các quan chức Đức muốn cắt giảm trợ cấp cho các nhà sản xuất điện mặt trời. Theo dự thảo được Bộ Kinh tế Đức đưa ra hồi tháng 10-2024, các nhà sản xuất vượt quá một mức công suất nhất định sẽ không nhận được mức giá ưu đãi của Nhà nước.
Dự thảo luật cũng bao gồm việc hủy thanh toán cho các dự án năng lượng tái tạo quy mô vừa và lớn nếu giá điện giảm xuống dưới 0. Đây sẽ là yếu tố cản trở các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động sản xuất điện, bởi họ chắc chắn không thể hài lòng với mức lợi nhuận thấp hơn dự kiến.
Một giải pháp được đưa ra là cần tăng cường khả năng lưu trữ năng lượng. Hiện nay, việc thiếu công nghệ pin để lưu trữ điện là một khó khăn đáng kể với ngành điện châu Âu. Bởi điều này đồng nghĩa với việc điện sẽ cần phải được tiêu thụ ngay khi sản xuất ra, thay vì lưu trữ để sử dụng trong những giai đoạn nguồn cung thiếu hụt.
Áp lực được dự báo sẽ càng lớn hơn nữa, trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu qua Ukraine đã bị khóa van kể từ đầu năm nay - một diễn biến có thể khiến giá năng lượng tiếp tục tăng cao. Hiện nhiều nước châu Âu đang xem xét khôi phục ngành điện hạt nhân, để giảm thiểu sự phụ thuộc quá mức vào năng lượng tái tạo.
Những rạn nứt giữa các nước châu Âu
Gần đây, sự chú ý đã tập trung vào một vấn đề khác, cụ thể là giá điện cao ở các quốc gia như Đức và Đan Mạch có thể lan sang các thị trường như Na Uy và Thụy Điển, gây căng thẳng trong mối quan hệ giữa các quốc gia láng giềng.
Để giúp ngăn chặn các sự kiện như Dunkelflaute, các nước láng giềng tại châu Âu đã liên kết lưới điện của họ thông qua một mạng lưới cáp, thường được đặt dưới Biển Bắc và Biển Baltic. Các hệ thống này nhằm mục đích chia sẻ lượng điện dư thừa, giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt của khu vực và ổn định giá cả.
Ví dụ như, hồi đầu thập niên này, một tuyến cáp đã được xây dựng để đưa thủy điện từ Na Uy tới Anh trong thời gian gió lặng, đồng thời gửi điện gió theo chiều ngược lại. Theo các chuyên gia, châu Âu sẽ cần phát triển thêm nhiều mạng lưới điện như vậy.
Tuy nhiên, những chiến lược chia sẻ điện năng như vậy đang đối mặt với thách thức lớn. Khi một quốc gia khát điện như Đức hút một lượng lớn điện từ các nước láng giềng Scandinavia, hệ thống kết nối này có thể đẩy giá điện tăng cao ở các nước xuất khẩu, khiến người tiêu dùng tức giận.
“Khi không có gió, chúng ta phải trả giá điện cao với hệ thống điện thất bại này”, Bộ trưởng Kinh tế Thụy Điển, Ebba Busch, viết trong một bài đăng trên mạng xã hội. Bà Busch cũng đổ lỗi cho quyết định đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân của Berlin vào năm 2024, bất chấp tình trạng thiếu điện và giá điện cao ở Đức.
Một số quốc gia xuất khẩu điện đã đe dọa sẽ áp dụng các chính sách bảo hộ để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Giới chức Na Uy đã bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng tiếp tục vận hành các tuyến cáp đưa điện đến Đan Mạch, trong khi Thụy Điển đã hoãn xây dựng tuyến cáp thứ hai đến Đức. Tại Pháp, đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia đã đề xuất hạn chế xuất khẩu điện từ các nhà máy điện hạt nhân của nước này.
Ông Amund Vik, cựu Thứ trưởng năng lượng Na Uy và hiện là cố vấn cấp cao của Eurasia Group, nhận định giá điện cao gần đây đã tạo ra phản ứng dữ dội về mặt chính trị đối với các hệ thống kết nối điện tại châu Âu. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng, hệ thống năng lượng châu Âu cần sự hội nhập như vậy để bảo đảm an toàn, giống như quá trình chuyển đổi năng lượng.
Các nhà phân tích như ông Vik tỏ ra nghi ngờ rằng về khả năng có nước thoái lui khỏi thị trường điện châu Âu vốn đã kết nối chặt chẽ trong nhiều thập niên qua. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thừa nhận, những căng thẳng quá mức có thể khiến quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch trở nên phức tạp hơn.
Lạc Diệp (Nguồn: New York Times, Eurelectric, DW, Bloomberg, Business Insider)