🌎 Tham gia cộng đồng hơn 150K nhà đ.tư ở hơn 35 nước & dùng công cụ chọn CP bằng AI để đạt lợi nhuận hàng đầu thị trườngMở Khóa Ngay

Quyền lực của những NĐT 'bị nhốt trong nhà'

Ngày đăng 03:40 11/06/2020
Quyền lực của những NĐT 'bị nhốt trong nhà'

Vietstock - Quyền lực của những NĐT 'bị nhốt trong nhà'

Trong tuần lễ giao dịch từ ngày 1 đến 5-6, thị trường Mỹ chứng kiến một sự đột phá của các cổ phiếu (CP) ngành hàng không. Trong đó đáng chú ý là CP của hãng máy bay American Airlines, hãng hàng không có đội bay lớn nhất thế giới, đã tăng đến 77%. Ai đã đổ tiền vào mã CP này?

“NĐT bị nhốt” là ai?

Điều thú vị là nhiều hãng tin cho rằng đợt tăng giá lần này của CP ngành hàng không được thúc đẩy không phải chủ yếu bởi dòng tiền của quỹ đầu tư lớn, mà của những nhà đầu tư (NĐT) sinh vào đầu thiên niên kỷ (mà báo chí phương Tây thường gọi là các Millennials), là những kẻ tay ngang và đang “bị nhốt trong nhà”.

Hãng tin Bloomberg kể rằng, có một quỹ đầu tư ETF (exchange-traded funds) ít tên tuổi, mã giao dịch là JETS, chuyên đầu tư vào ngành hàng không, đã nhận được dòng vốn vào trong 64 ngày liên tiếp, một kỷ lục không bình thường. Và điều phá kỷ lục còn là mức độ tăng cực nhanh của dòng vốn đổ vào, lên đến 2.930%.

Frank Holmes, giám đốc điều hành của JETS không biết điều gì đang xảy ra và đi tìm hiểu ai đã bỏ vốn vào mình. Sau khi nói chuyện với một số người vừa bỏ tiền vào quỹ JETS, ông phát hiện rằng nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ thiên niên kỷ đang bị nhốt ở nhà đã quá buồn chán (nguyên văn của Bloomberg là “boredom of being stuck at home”), và vì vậy trở thành các NĐT CP bất đắc dĩ. Những NĐT CP này ngày thường phải bận rộn đi bar, đi chơi, tiêu tiền, nay không được làm thế thì bắt đầu mua đi bán lại để giết thời gian và kiếm tiền. 

CP của hãng máy bay American Airlines, hãng hàng không có đội bay lớn nhất thế giới, đã tăng đến 77%

Sàn giao dịch đình đám mới nổi của giới trẻ là Robinhood, vừa công bố số liệu cho biết số NĐT qua sàn này mua CP quỹ JETS tăng 30.000 người trong 1 tuần. Vào đầu tháng 3, chỉ có 500 NĐT giữ CP của quỹ JETS. Và số tiền mà quỹ này quản lý cũng theo đó mà tăng 2.930%. Lý do các NĐT trẻ, tay ngang và buồn chán này đầu tư vào quỹ JETS vì họ muốn bắt đáy CP ngành hàng không đang bị giảm mạnh. Một ngành khác cũng bị ảnh hưởng mạnh là ngành tàu du lịch (cruise), nhưng đó lại là một phương tiện được các gia đình và người lớn tuổi yêu thích hơn, không phải là hàng thời thượng với giới trẻ thuộc thế hệ này nên đã bị bỏ qua.

Vì American Airlines là một trong ba khoản sở hữu lớn nhất của quỹ JETS, nên không ngạc nhiên khi CP hãng này lên mạnh như vậy. Tất nhiên điều đó không đủ để giải thích vì sao American Airlines lên mạnh mà hai CP lớn còn lại là South West Airlines và United Airlines lại tăng thấp hơn, “chỉ” tăng khoảng 1,5-2 lần trong khi American Airlines tăng gần 3 lần từ ngày 14-5. Theo một số nhà phân tích, độ tăng nhanh và mạnh của American Airlines còn được thúc đẩy bởi nhiều lệnh bán khống và hợp đồng quyền chọn bán CP này bị đóng lại do tốc độ tăng quá nhanh của CP này.

Trước đợt tăng này, người ta lo ngại American Airlines sẽ bị phá sản vì nợ nần quá nhiều, khiến nhiều quỹ tăng bán khống CP này. Các NĐT thiên niên kỷ đã buộc họ cắt lỗ, đóng vị thế và do đó phải tăng mua CP này luôn. Điều này cho thấy các NĐT trẻ này “nguy hiểm” như thế nào, đã khiến những quỹ đầu tư chuyên nghiệp phải thua lỗ.

Tiền khôn, tiền dại?

Cách đây mấy tuần, một nhà quản lý quỹ đã phát biểu “tiền dại” (dumb money) đầy thị trường. Ý ông ta ám chỉ việc hàng trăm nghìn tài khoản đầu tư cá nhân được mở ở khắp các công ty môi giới và sàn giao dịch trên mạng ở Mỹ (và toàn cầu). Đây là những người nhảy vào bắt đáy CP từ giữa tháng 3, bị nhiều chuyên gia quản lý quỹ dè bỉu là “dumb money”. Và rất nhiều người trong số đó là những NĐT trẻ.

Ngay cả các NĐT cá nhân kỳ cựu cũng viết những bài trên mạng xã hội ám chỉ bọn trẻ này liều lĩnh và không hiểu biết gì cả. Tờ Financial Times và Bloomberg trích những câu chuyện như NĐT mới vào thị trường chạy đi mua CP nhầm CP Zoom Technologies (mã CP ZOOM), vì nghĩ rằng nó là công ty tạo ra nền tảng họp qua mạng Zoom đình đám. Mã đúng của CP công ty sở hữu Zoom là ZM! Đây không phải chuyện cười cho vui mà là có thật, và bản thân người viết từng giúp một bạn mình mới “tập” mua CP không rơi vào đúng tình trạng đó.

Thế nhưng, tính đến ngày 5-6, chính những dòng “tiền dại” này đã chiến thắng. Từ giữa tháng 3, CP Mỹ tăng hơn 40%. Trong khi nhiều quản lý quỹ đầu tư lớn bán CP, giảm sở hữu danh mục, những người trẻ bắt đáy đẩy mạnh tiền vào mua công ty hàng không, dầu khí. Họ đã đúng.

Hãng tin Bloomberg vào ngày 5-6 đã giật tít “Dòng tiền dại lại đang tỏ ra rất thông minh trong đợt tăng giá CP không ngừng nghỉ”, như một sự mỉa mai với các nhà quản lý quỹ đầu tư kỳ cựu. Mỉa mai hơn nữa, huyền thoại của giới đầu tư Warren Buffett vừa bán các CP hàng không thì nó bắt đầu lên 2-3 lần.

Những NĐT trẻ “quá nhanh”, “quá nguy hiểm”. Họ cho những bậc lão làng quản lý hàng trăm tỷ USD, hay những NĐT cá nhân đã tự đầu tư cho mình suốt 15-20 năm thấy “quyền lực” của thế hệ thiên niên kỷ là không thể xem thường.

Tất nhiên những phân tích của các NĐT kỳ cựu phải có lý của họ. Trong trung và dài hạn, rõ ràng ngành hàng không vẫn còn vô vàn khó khăn, và những đợt xin bảo hộ phá sản gần đây của hãng hàng không lớn nhất Nam Mỹ LATAM, hay Thái Airways. Hãng cho thuê xe lớn ở Mỹ là Hertz cũng xin bảo hộ phá sản. Điều này cho thấy việc các nhà quản lý quỹ kỳ cựu tránh xa các công ty có rắc rối là có lý của họ. Nhưng họ không mua, cũng không bán, thì tiền của NĐT trẻ đổ vào tự khắc đẩy giá công ty lên.

Không chỉ American Airlines, mà CP của công ty Hertz, sau khi xin bảo hộ phá sản, đã thu hút luôn các NĐT trẻ này. Nhờ dòng tiền từ các NĐT qua sàn giao dịch Robinhood, CP Hertz tăng... hơn 8 lần. Đáng chú ý là đợt tăng này chỉ diễn ra sau khi NĐT nổi tiếng Carl Icahn, người đầu tư dài hạn vào Hertz nhiều năm, vừa quyết định bán CP này với giá chỉ 72 xu, chấp nhận lỗ 1,8 tỷ USD. Ngay sau đó CP này giảm mạnh tiếp về gần 40 xu trước khi tăng lên đỉnh gần... 4USD rồi giảm lại xung quanh 3USD. Từ một CP gần như chỉ đáng vài xu, các NĐT thiên niên kỷ đã biến nó có giá gấp 8-10 lần chỉ sau vài ngày.

Dòng tiền bắt đáy lần này khôn hay dại thì chưa thể phân định. Nhưng các NĐT trẻ ở những nền tảng giao dịch mới nổi như Robinhood dường như đang khẳng định quyền lực của họ. Thứ nhất, bản thân nền tảng giao dịch mà họ lựa chọn không phải là những nền tảng giao dịch đắt đỏ của những ngân hàng và công ty môi giới hàng chục năm, hay thậm chí 5-10 năm tuổi.

Robinhood chỉ là một nền tảng fintech vài năm tuổi với tham vọng làm một cuộc cách mạng trong ngành tài chính, phá vỡ quy tắc cuộc chơi của những ngân hàng, công ty môi giới thu phí hoa hồng cao. Họ chọn một nền tảng giao dịch đại diện cho chính bản thân họ. Trẻ, tham vọng và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Thứ hai, đây cũng chính là thế hệ NĐT chạy theo cơn sốt bitcoin cách đây vài năm. Dòng tiền của họ không thể xem thường. Và càng đừng coi họ là dòng tiền dại.

Có thể họ thắng trong ngắn hạn ở thời điểm này, và thua lại trong vài tháng nữa khi mà các quỹ đầu tư tỏ ra đúng. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa họ là “dòng tiền dại”.

Coi thường và bỏ qua những động thái của dòng tiền này sẽ bỏ lỡ những đợt sóng lên như đợt lên giá CP từ tháng 3 lần này. Coi thường những mối quan tâm của các NĐT này sẽ bị trừng phạt. Đây không chỉ là những NĐT thích “bắt đáy” CP. Họ còn là những NĐT thích công nghệ mới, bảo vệ môi trường và theo chủ nghĩa xê dịch.

Muốn nắm bắt thành công dòng tiền trên thị trường CP, không thể không tìm hiểu một thế hệ NĐT mới này một cách thấu đáo, thay vì gọi họ một cách không tôn trọng. Nhưng coi trọng dòng tiền này mà quay sang coi thường những dòng tiền kỳ cựu như Warren Buffett hay Carl Icahn có thể cũng là một sai lầm lớn. Họ vẫn là những quỹ đầu tư trăm tỷ USD với lượng tiền mặt khổng lồ, vẫn là những tay chơi chính của thị trường.

TS. HỒ QUỐC TUẤN

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.