Vietstock - Quỹ mạo hiểm dồn vốn cho ASEAN và Ấn Độ, tìm hướng phát triển mới ở Trung Quốc
Các quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên rót vốn cho startup ở Đông Nam Á và Ấn Độ đang huy động vốn ở mức kỷ lục sau khi các nhà đầu tư chuyển hướng, thoái vốn ra khỏi thị trường Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, các quỹ này đã huy động được 3,1 tỉ đô la, gần bằng 3,5 tỉ đô la mà họ huy động trong cả năm 2021 – theo dữ liệu của hãng nghiên cứu Preqin.
Các quỹ đầu tư tập trung vào ASEAN và Ấn Độ gọi được 3,1 tỉ đô la trong năm tháng đầu năm nay. |
Trong khi đó, việc huy động của các quỹ đầu tư vào Trung Quốc đã giảm mạnh: chỉ 2,1 tỉ đô la và 27,2 tỉ đô la trong cùng giai đoạn tương ứng.
Trong khi đó, dù có sự thu hẹp nguồn vốn tại Trung Quốc, nhưng các quỹ mạo hiểm vẫn cố gắng tìm các lĩnh vực ít chịu tác động của việc thay đổi chính sách tại đại lục, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe, thuốc điều chế bằng công nghệ mRNA hay xe tự hành.
Các quỹ muốn đa dạng hóa rủi ro
“50% các nhà đầu tư trò chuyện với chúng tôi đã nói rằng họ muốn đa dạng hóa thị trường bên ngoài Trung Quốc. Họ đã có một số thành công tương đối ở đó nhưng vẫn lo âu về một số trở ngại. Do đó, họ muốn đầu tư nhiều hơn vào Đông Nam Á và Ấn Độ”, Amit Anand, đồng sáng lập Jungle Ventures có trụ sở tại Singapore, nói với Nikkei Asia.
Jungle Ventures gần đây đã huy động được nguồn vốn mới 600 triệu đô la cho các startup ASEAN và Ấn Độ. Anand cho biết quỹ này có kế hoạch đầu tư “tập trung” vào 15 – 18 công ty với sự phân chia đồng đều giữa hai khu vực.
Đầu tháng này, East Ventures có trụ sở tại Singapore cho biết họ đã huy động được 550 triệu đô la để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á, nâng tài sản đang được quản lý lên hơn 1 tỉ đô la. Hồi tháng 4, Elevation Capital của Ấn Độ cho biết họ đã huy động được nguồn quỹ lớn nhất từ trước đến nay với 670 triệu đô la.
Có trụ sở tại Singapore, Wavemaker Partners đã huy động được 136 triệu đô la vào tháng 3, lớn hơn 22% so với lần trước đó. Đối tác điều hành Paul Santos cho biết ông nhận thấy sự thay đổi khi tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng từ Mỹ. “Những người chưa đầu tư đủ mức ở Trung Quốc nói rằng sẽ ở lại. Những người đã đầu tư nhiều thì nói rằng họ có thể cần phải cân bằng lại danh mục đầu tư”.
Các quỹ huy động tiền từ các nhà đầu tư, quỹ hưu trí và quỹ tài trợ cho các trường đại học cho đến các tài phiệt giàu có. Đông Nam Á và Ấn Độ đã nổi lên như những thị trường hấp dẫn do tốc độ phát triển nhanh của các startup trong khu vực thời gian gần đầy, đỉnh điểm là các vụ IPO đình đám trong năm ngoái của hãng giao đồ ăn Zomato ở Ấn Độ và Grab của Singapore.
Định giá và giá trị phải song hành
Dòng vốn đổ về ào ạt như luồng gió căng buồn cho các startup ở ASEAN và Ấn Độ ra khơi. Nhưng điều này đang đi ngược lại với việc bán tháo cổ phiếu các công ty công nghệ đang niêm yết trên toàn cầu, làm mọi người thêm lo ngại về định giá của các startup. Giá cổ phiếu của Grab và hãng công nghệ Sea ở Singapore, hãng thanh toán điện tử Paytm ở Ấn Độ đều giảm hơn 50% trong năm nay.
Forge, một sàn giao dịch ở Mỹ cho cổ phiếu của các công ty tư nhân, cho biết trong quí đầu tiên cổ phiếu được giao dịch ở mức cao hơn 24% so với giá tại vòng gọi vốn cuối cùng của họ. Con số này giảm mạnh so với mức 58% trong quí 4 năm ngoái.
Tuy vậy, sự mở rộng của các VC tập trung vào Đông Nam Á và Ấn Độ vẫn còn nhỏ hơn so với sự thu hẹp quy mô của các quỹ đầu tư lớn nhất. SoftBank, hãng điều hành quỹ Vision Fund trị giá 98,6 tỉ đô la và quỹ Vision Fund 2 có số vốn 56 tỉ đô la, sẽ cắt giảm từ 50% các khoản đầu tư sau khi báo lỗ quí rồi cao kỷ lục. Các nhà quản lý quỹ cho biết việc bán tháo trên thị trường chứng khoán có thể ảnh hưởng đến mức định giá.
Anand của Jungle Ventures cho rằng: “Định giá trong lĩnh vực công nghệ đã thực sự bỏ xa việc tạo ra giá trị trên thị trường. Đã đến lúc định giá và tạo ra giá trị song hành với nhau”.
Tìm đối sách phát triển tại Trung Quốc
Các nhà quan sát đã ghi nhận sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh đã cấm loại hình dạy thêm vì lợi nhuận vào năm ngoái, làm tê liệt mô hình kinh doanh của các công ty giáo dục trực tuyến, nhiều trong số này được các quỹ nước ngoài bơm vốn. Điều đó dẫn đến các thay đổi lớn trong các bản kế hoạch: SoftBank đã giảm khoản đầu tư 700 triệu đô la vào ứng dụng giúp học sinh làm bài tập Zuoyebang xuống còn 100 triệu đô la vào tháng 3.
Trung Quốc cũng đưa ra các quy định cứng rắn hơn đối với các nền tảng công nghệ lớn, bao gồm các biện pháp thúc đẩy cạnh tranh và các quy định về xử lý dữ liệu người dùng. Động thái này khiến cổ phiếu của các công ty đại chúng lớn như Alibaba Group Holding và Tencent Holdings đều giảm mạnh.
Bắc Kinh gần đây đã gửi các tín hiệu rằng các đợt trấn áp đã kết thúc. Tháng trước, Bộ Chính trị đã cam kết sẽ “thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế công nghệ số”. Những cùng lúc, các biện pháp chống Covid cực đoan ở Thượng Hải và Bắc Kinh đã làm lung lay nền tảng kinh tế Trung Quốc, khiến các nhà đầu tư thêm lo ngại.
“Một số nhà đầu tư đang bắt đầu cảm thấy rủi ro từ hệ thống nhà nước của Trung Quốc”, theo lời CEO một công ty quản lý tài sản Nhật Bản có đầu tư vào quỹ mạo hiểm. “Kết quả là, khi họ cố gắng tiếp cận với thế giới châu Á bên ngoài Trung Quốc, liền có sự chuyển dịch vốn từ Trung Quốc sang các nơi khác. Trước đây, phân bổ vốn cho Trung Quốc luôn nhỉnh hơn phần còn lại ở châu Á. Ở môi trường hiện nay, các nhà đầu tư đang cân nhắc sự phân bổ đa dạng hơn”.
Vị giám đốc điều hành nói thêm rằng các quỹ tập trung vào Ấn Độ và Đông Nam Á nhanh chóng bị nguồn vốn tràn ngập bởi quy mô thị trường đầu tư mạo hiểm ở hai nơi này cộng lại vẫn nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc.
Các quỹ tập trung vào Trung Quốc đã nỗ lực để gọi vốn mới trong năm nay và họ nhắm vào các lĩnh vực dường như ít bị ảnh hưởng bởi các đợt chấn chỉnh từ Bắc Kinh. Lyfe Capital, quỹ chuyên đầu tư vào các công ty liên quan đến chăm sóc sức khỏe, đã công bố vào tháng 4 về việc ra mắt quỹ mới trị giá 935 triệu đô la. Đây là quỹ thứ tư của Lfye Capital và đợt mới nhật là Lyfe Capital đã dẫn dắt vòng gọi vốn cho startup Starna Therapeutics phát triển thuốc dựa trên công nghệ mRNA.
Nio Capital, do tỷ phú xe điện William Li điều hành, vào tháng 3 cho biết họ đã huy động được 400 triệu đô la cho quỹ thứ hai, gấp đôi quy mô của quỹ đầu tiên. Nio Capital là người châm vốn cho các starup xe tự lái Momenta và Pony.ai.
Ricky Hồ