Vietstock - Quỹ hưu trí 300 tỷ USD tăng tỷ trọng trái phiếu sau hai thập kỷ
Khi ông Christopher Ailman trở thành giám đốc đầu tư của quỹ hưu trí giáo viên California (Calstrs) vào năm 2000, cứ 4 USD mà hệ thống này giám sát thì có 1 USD được đầu tư vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu thế chấp. Song trong hai thập kỷ qua, ông đã liên tục giảm tỷ trọng trái phiếu xuống mức thấp chỉ còn 10% vào năm ngoái.
Giờ đây, người điều hành quỹ hưu trí công lớn thứ hai ở Mỹ này cho biết đã đến lúc phải đảo ngược lộ trình.
“Trái phiếu đã quay trở lại”, Ailman, người quản lý 318 tỷ USD tại Calstrs, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Theo ông, ngoài việc lợi suất cao hơn, tiềm năng sinh lợi cũng cải thiện đáng kể khi các chính phủ trên thế giới đồng loạt triển khai chiến dịch nới lỏng tiền tệ.
Calstrs chỉ là một trong hàng loạt nhà quản lý tiền trị giá hàng tỷ USD đang quay trở lại thị trường trái phiếu sau nhiều năm tăng cường đặt cược vào tài sản khác. Theo một khảo sát gần đây của Natixis, gần 70% nhà đầu tư tổ chức lạc quan về thị trường trái phiếu trong năm 2024, nhiều hơn bất kỳ loại tài sản nào khác, bao gồm cả cổ phiếu, vốn cổ phần tư nhân và tín dụng tư nhân.
Tất nhiên, “trái phiếu đã quay trở lại” cũng từng là câu thần chú của Phố Wall vào thời điểm này năm ngoái. Song khi đó, họ đã thất bại với chỉ số Bloomberg Global Aggregate giảm gần 4% tính đến giữa tháng 10/2023 khi các nền kinh tế lớn kéo dài chu kỳ tăng lãi suất.
Tuy nhiên, kỳ vọng về các việc ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách đáng kể vào năm 2024 đã thúc đẩy sự phục hồi của trái phiếu từ cuối năm ngoái và nhiều nhà quản lý tài sản cho rằng nó chỉ mới bắt đầu.
Lạm phát đang có xu hướng giảm ở hầu hết thị trường lớn, bao gồm cả Mỹ, nơi các nhà giao dịch dự đoán lãi suất sẽ giảm khoảng 6 điểm phần trăm trong năm nay. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng đã bắt đầu đưa ra các kế hoạch nhằm bắt đầu giảm tốc độ thu hẹp bảng cân đối kế toán, một động lực tiềm năng khác cho trái phiếu.
Theo Priya Misra, nhà quản lý danh mục đầu tư tại JPMorgan Asset Management, nếu các quan chức không thể thực hiện được một cú “hạ cánh mềm” và nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, lãi suất có thể còn giảm mạnh hơn.
Ông Misra nói: “Ngày càng có nhiều lý do để Fed cắt giảm lãi suất vào năm 2024, đó là lý do tại sao niềm tin vào trái phiếu của tôi cao hơn trong năm nay. Trái phiếu đều có giá dù là trong một cuộc hạ cánh mềm hay cứng”.
Theo Loren Moran, người điều hành quỹ Vanguard Wellington trị giá 105 tỷ USD, so với trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có lợi suất hơn 4% và tín dụng cấp đầu tư của Mỹ trả khoảng 5.2%, thì trái phiếu chính phủ vẫn hấp dẫn hơn.
Bà Moran đã chuyển sang trái phiếu chính phủ Mỹ dài hạn kể từ cuối năm ngoái, một sự đảo ngược so với những năm gần đây khi bà nhắm mục tiêu vào trái phiếu chính phủ Mỹ có kỳ hạn ngắn hơn.
Về phần mình, Calstrs đang lên kế hoạch tăng tỷ trọng trái phiếu lên 13% vào giữa năm nay và tăng lên 14% vào giữa năm 2025. Đồng thời, quỹ sẽ giảm tỷ lệ sở hữu cổ phiếu xuống 38% trong những năm tới, từ mức hiện tại là 42%.
Theo ông Ursula Marchioni của BlackRock Inc., người hàng năm tư vấn cho khoảng 1,000 danh mục đầu tư đa tài sản của các quỹ hưu trí và các nhà quản lý tài sản lớn, xu hướng tái phân bổ vào trái phiếu mới chỉ đang ở giai đoạn đầu.
Kim Dung (Theo Bloomberg)