Vietstock - Nhật Bản mạnh tay chi 62 tỷ USD để can thiệp tỷ giá
Mới đây, Nhật Bản lên tiếng xác nhận đã can thiệp tỷ giá lần đầu tiên kể từ năm 2022, sau khi đồng Yên rơi xuống đáy 30 năm.
Theo tuyên bố từ Bộ Tài chính, Nhật Bản đã chi kỷ lục gần 9.8 ngàn tỷ Yên (62 tỷ USD) từ ngày 26/04-29/05 để can thiệp nâng giá đồng Yên. Đợt can thiệp này được thực hiện thông qua việc bán từ nguồn dự trữ ngoại tệ của Nhật Bản, vốn đạt gần 1.3 ngàn tỷ USD vào cuối tháng 4.
Bước can thiệp của Chính phủ Nhật Bản cũng diễn ra khớp với đà phục hồi mạnh mẽ của đồng Yên trong vài tuần gần đây. Vào ngày 29/04, đồng Yên giảm xuống mức thấp nhất trong 34 năm, ở mức 160 Yên đổi 1 USD. Ngay sau đó, đồng Yên đã bật lên mức 156 đổi 1 USD trong phiên giao dịch, làm dấy lên suy đoán rằng Chính phủ đã can thiệp. Đồng Yên tiếp tục tăng hơn 2% trong vài ngày sau đó.
Tại thời điểm đó, các nhà phân tích tại Bank of America Global Research ước tính quy mô của đợt can thiệp đầu tiên vào khoảng 5-6 ngàn tỷ Yên (33-39 tỷ USD), dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).
Động thái mạnh tay thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính phủ Nhật Bản trong việc đẩy lùi các nhà đầu cơ đặt cược chống lại đồng Yên. Đầu tháng này, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki nhấn mạnh rằng cơ quan này sẽ can thiệp nếu biến động tiền tệ quá mạnh bắt đầu ảnh hưởng đến các hộ gia đình và công ty.
Lần cuối cùng Nhật Bản can thiệp để ổn định tiền tệ là vào tháng 10/2022, khi đồng Yên giảm xuống mức 125 Yên đổi 1 USD. Trong giai đoạn đó, các nhà chức trách đã chi tổng cộng 9.2 ngàn tỷ Yên để tiến hành 3 lần can thiệp.
Vũ Hạo (Theo cNBC)