Vietstock - Mỹ trừng phạt hãng sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc
Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên Semiconductor Manufacturing International (SMIC) – hãng sản xuất chip bán dẫn lớn nhất Trung Quốc – giữa lúc căng thẳng Mỹ-Trung leo thang về sở hữu trí tuệ và an ninh quốc gia.
Việc xuất khẩu hàng hóa cho nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc sẽ gây ra “rủi ro không chấp nhận được” từ việc Trung Quốc chuyển hướng sang sử dụng cho mục đích quân sự, Financial Times dẫn lá thư của Bộ Thương mại Mỹ gửi tới SMIC. Các công ty sẽ cần xin giấy phép trước khi xuất khẩu hàng công nghệ cho SMIC.
SMIC vẫn chưa nhận được thông báo chính thức về lệnh trừng phạt này, SMIC cho biết trong một tuyên bố. Công ty đặt ở Thượng Hải này nói thêm họ không có mối quan hệ với lực lượng vũ trang Trung Quốc và không sản xuất bất kỳ sản phẩm nào cho mục đích quân sự.
Động thái này nối tiếp lệnh cấm đối với Huawei Technologies của Mỹ trong năm 2019, trong đó ngăn cấm gã khổng lồ này mua hàng công nghệ của Mỹ, bao gồm chip điện tử. Các khách hàng của SMIC bao gồm nhà sản xuất chip Qualcomm và Broadcom của Mỹ, theo dữ liệu từ Bloomberg.
Cổ phiếu SMIC rớt 23% trong một ngày trong tháng 9/2020 sau thông tin Mỹ cân nhắc thêm SMIC vào danh sách đen về thương mại.
Ai là khách hàng lớn nhất của SMIC?
Huawei Technology là khách hàng lớn nhất của SMIC. Đây là nhà sản xuất thiết bị cơ sở hạ tầng viễn thông 5G lớn nhất thế giới và cũng đang là tâm điểm của cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung.
Huawei – có trụ sở tại trung tâm công nghệ Thâm Quyến – đóng góp 18.7% doanh thu của SMIC tính tới ngày 14/08, theo Bloomberg.
Ai là khách hàng lớn nhất của SMIC tại Mỹ?
Qualcomm sẽ là khách hàng bị tác động mạnh nhất tại Mỹ. Chip của ông lớn công nghệ này được sử dụng trong những chiếc điện thoại của Apple (NASDAQ:AAPL), Motorola và Samsung Electronics. Doanh số bán cho Qualcomm chiếm 8.6% doanh thu của SMIC, dữ liệu cho thấy.
Ai là nhà cung ứng lớn nhất của SMIC?
ASML Holding là nhà cung ứng lớn nhất cho SMIC. ASML là nhà sản xuất máy quang khắc lớn nhất thế giới, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất mạch tích hợp,
Công ty đặt trụ sở tại Hà Lan này chiếm 11% chi tiêu vốn của SMIC (tính tới ngày 02/04), theo dữ liệu từ Bloomberg. SMIC chỉ chiếm 0.12% doanh thu của ASML trong cùng kỳ.
Những nhà cung ứng của SMIC đến từ đâu?
Các công ty tại Mỹ là nhà cung ứng linh kiện nhiều nhất cho SMIC, trong đó các công ty niêm yết tại Mỹ chiếm 10 trong số 30 nhà cung ứng hàng đầu của SMIC.
Nhà cung ứng lớn nhất tại Mỹ là Lam Research (ở Fremont, California), một nhà sản xuất máy khắc plasma được sử dụng trong sản xuất chip silicon. Lam Research chiếm 8.5% chi tiêu vốn của SMIC (tính tới ngày 04/05), đồng thời thu về 1.1% doanh thu từ hãng sản xuất chip silicon lớn nhất của Trung Quốc.
Các công ty niêm yết tại sàn giao dịch Trung Quốc là nhóm nhà cung ứng lớn thứ hai, chiếm 6 trong số top 30 nhà cung ứng hàng đầu của SMIC. Đài Loan đứng thứ 3 với 4 nhà cung ứng, kế tiếp là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức và Israel ở vị trí thứ 4 với 2 nhà cung ứng.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)