Vietstock - Làn sóng bán tháo trái phiếu trên toàn cầu, lợi suất Mỹ hướng tới mốc 5%
Làn sóng bán tháo đang quét qua thị trường trái phiếu toàn cầu, đẩy lợi suất tiến gần các ngưỡng quan trọng. Điều này diễn ra trong bối cảnh lo ngại về lạm phát dai dẳng, tình hình chính trị bất ổn và gánh nặng nợ công ngày càng phình to.
Tại Mỹ, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm - thước đo quan trọng của thị trường tài chính toàn cầu - đã vọt lên 4.73% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, tiến gần đến mức đỉnh 5% được thiết lập vào tháng 10/2023.
Diễn biến lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10, 20 và 30 năm
|
Làn sóng bán tháo không chỉ giới hạn ở Mỹ. Tại Anh, lợi suất trái phiếu 10 năm đã chạm mức 4.82%, cao nhất kể từ năm 2008, gợi nhớ về đợt bán tháo đã khiến Thủ tướng Liz Truss phải từ chức sau một nhiệm kỳ ngắn ngủi cách đây hơn 2 năm.
Ngay cả Nhật Bản - quốc gia vốn được xem là "pháo đài cuối cùng" của chính sách tiền tệ nới lỏng, lợi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm cũng đã vượt 1% - mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.
Tình trạng bán tháo trái phiếu diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì đà tăng trưởng vững chắc và lạm phát duy trì ở mức cao dai dẳng.
Chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump càng thổi bùng làn sóng bán tháo khi các cam kết về thuế quan và cắt giảm thuế của ông làm dấy lên những lo ngại về thương mại toàn cầu và khả năng trả nợ của Mỹ.
"Thị trường Mỹ đang có tác động quá mức khi các nhà đầu tư vật lộn với lạm phát dai dẳng, tăng trưởng mạnh mẽ và sự bất định cực độ từ chương trình nghị sự của tân Tổng thống", James Athey, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Marlborough Investment Management nhận định.
Lo ngại về gánh nặng nợ công của Chính phủ Mỹ không phải là vấn đề mới. Kể từ sau đại dịch, vấn đề này thường xuyên nổi lên rồi lắng xuống khi các yếu tố khác thu hút sự chú ý của thị trường. Đợt biến động gần đây có thể cũng theo xu hướng tương tự. Minh chứng là vào ngày 08/01, giá trái phiếu Chính phủ Mỹ đã có dấu hiệu phục hồi nhẹ sau khi phiên đấu giá trái phiếu kỳ hạn 30 năm cho thấy nhu cầu vẫn lớn.
Tuy nhiên, thị trường vẫn đối mặt với hai thách thức lớn. Một mặt, lạm phát vẫn đang cao hơn mục tiêu của Fed. Mặt khác, các số liệu kinh tế tích cực gần đây đã làm giảm kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trước giữa năm 2025. Khả năng này càng được củng cố thêm khi biên bản họp tháng 12 cho thấy các quan chức Fed muốn thận trọng hơn với việc giảm lãi suất.
Các nhà quản lý tiền tệ cũng bắt đầu lo ngại về xu hướng gia tăng nợ công toàn cầu, đặc biệt sau một năm có nhiều cuộc bầu cử làm thay đổi cục diện chính trị. Tại Anh, những áp lực này đã đẩy chi phí vay nợ 30 năm lên mức cao nhất kể từ năm 1998, gây ra những hoài nghi về khả năng duy trì chính sách tài khóa bền vững của chính phủ nước này.
Tại Mỹ, kể từ khi Fed bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất vào tháng 9, lợi suất trái phiếu 10 năm đã tăng hơn một điểm phần trăm và hiện đang ở mức cao nhất kể từ tháng 4.
Điều này khiến nhiều tổ chức lớn như Amundi SA, Citi Wealth và ING phải đưa ra cảnh báo về khả năng lợi suất sẽ duy trì ở mức cao. Các nhà giao dịch quyền chọn thậm chí đang nhắm tới ngưỡng 5% cho trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm, trong khi trái phiếu 20 năm đã chạm mốc này vào ngày 08/01 và kỳ hạn 30 năm đang tiến sát ngưỡng này.
"Lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức 5% chắc chắn là điều có thể xảy ra", Lilian Chovin, Trưởng bộ phận phân bổ tài sản tại Coutts nhận định.
Áp lực lên thị trường trái phiếu càng tăng khi Chính phủ Mỹ vừa công bố kế hoạch phát hành thêm 119 tỷ USD nợ mới trong tuần này. Tại phiên đấu giá trái phiếu 30 năm diễn ra vào ngày 08/01, lợi suất đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2007, vượt ngưỡng 4.9%.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)