Vietstock - Khối ngoại tháo chạy khỏi thị trường trái phiếu Trung Quốc
Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 18 tỷ USD trái phiếu Trung Quốc trong tháng 3 vừa qua, trong đó làn sóng bán tháo được đẩy nhanh ngay khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài bán ra lượng trái phiếu trị giá 131 tỷ Nhân dân tệ (17.6 tỷ USD) trong tháng 3, theo ước tính của Financial Times. Động thái này nâng tổng lượng thoái vốn qua kênh trái phiếu trong hai tháng gần đây lên 193 tỷ Nhân dân tệ (30 tỷ USD).
Khối ngoại đổ xô rút khỏi thị trường trái phiếu Trung Quốc trong bối cảnh triển vọng kinh tế Trung Quốc trở nên xấu đi và lợi suất trái phiếu định danh bằng USD tăng mạnh.
“Đây là lượng rút vốn lớn nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa thị trường trái phiếu trong nước”, Becky Liu, Giám đốc bộ phận chiến lược vĩ mô tại Standard Chartered, nhận định.
Vị chuyên gia này nói thêm nếu tính cả lượng cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, lượng vốn mà khối ngoại rút khỏi thị trường Trung Quốc trong hai tháng qua lên đến 234 tỷ Nhân dân tệ (36.4 tỷ USD). Standard Chartered dự báo xu hướng này còn tiếp diễn sang quý 2.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển sang thị trường trái phiếu Trung Quốc trong nhiều năm qua. Họ xem đây là thị trường trái phiếu có thể mang lại tỷ suất lợi nhuận tốt nhất trong bối cảnh các nền kinh tế phương Tây theo đuổi chính sách nới lỏng định lượng và kéo lãi suất xuống mức kỷ lục. Xu hướng này hiện đã bị đảo ngược, khi ngân hàng trung ương phương Tây bắt đầu nâng lãi suất, còn Trung Quốc nỗ lực tìm cách giảm bớt tác động kinh tế từ các lệnh phong tỏa.
Kỳ vọng về các đợt nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ hạn 10 năm lên mức 2.9% trong tuần này. Trong khi đó, khả năng nới lỏng tiền tệ từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) khiến lợi suất trái phiếu 10 năm của nước này giảm về mức 2.8% trong các phiên giao dịch gần đây. Sự lệch pha trong cách điều hành chính sách tiền tệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang tác động đến đồng nội tệ của Trung Quốc. Đồng Nhân dân tệ rơi xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 10/2021.
Chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Trung Quốc
Theo Jason Pang, nhà quản lý lý cấp cao mảng danh mục đầu tư tại quỹ JPMorgan Asset ở Hồng Kông, đà bán tháo gần đây đến một phần từ hoạt động chốt lời của giới đầu tư toàn cầu, sau một năm trái phiếu Trung Quốc tăng trưởng vượt trội.
Nhiều chuyên gia cho rằng trái phiếu Trung Quốc dù kém hấp dẫn đi, nhưng vẫn đáng để nhà đầu tư quan tâm nếu so sánh với lợi suất trái phiếu Mỹ sau khi điều chỉnh lạm phát. “Triển vọng dài hạn đối với thị trường trái phiếu Trung Quốc không thay đổi”, Jean-Charles Sambor, Trưởng bộ phận trái phiếu thị trường mới nổi tại BNP Paribas Asset Management, cho hay. “Tôi cho rằng lợi ích từ việc đa dạng hóa vẫn còn cực lớn”.
Theo bà Liu tại Standard Chartered, có thể làn sóng thoái vốn đã đạt đỉnh, vốn ngoại có thể quay trở lại Trung Quốc trong thời gian tới. Tuy nhiên, chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Mỹ và Trung Quốc sẽ làm giảm số lượng lựa chọn của các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải vật lộn với suy giảm tăng trưởng.
Bất chấp làn sóng phong tỏa kiểm soát dịch bệnh gây đứt gãy kinh tế tại đại lục trong hai năm qua, PBoC đến thời điểm này vẫn tỏ ra cẩn trọng trong việc kích thích kinh tế. Họ vẫn chưa đưa ra các động thái nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay – một yếu tố có thể đẩy lợi suất trái phiếu Trung Quốc xuống thấp hơn nữa.
Aninda Mitra, Trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô và đầu tư châu Á tại BNY Mellon Investment Management, cho rằng NHTW Trung Quốc có thể lo ra lo ngại về sự gia tăng chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Trung Quốc, vì điều này có thể thúc đẩy dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc để tìm kiếm lợi suất cao hơn.
Vũ Hạo (Theo Financial Times)