Vietstock - Khó khăn bủa vây người Trung Quốc: Đầu tư cổ phiếu, bất động sản đều lỗ, rủi ro thất nghiệp gia tăng
Người dân Trung Quốc đang trải qua một năm đầy khó khăn, với tài sản bị bào mòn theo thời gian. Từ thị trường chứng khoán, bất động sản cho tới tiền lương, nhìn vào đâu họ cũng cảm thấy đau khổ.
Thomas Zhou (40 tuổi), một người làm trong ngành tài chính ở Thượng Hải, nhìn lại năm 2023 với nỗi nhức nhối khôn nguôi khi tình hình tài chính của gia đình anh đã xấu đi trông thấy.
Danh mục đầu tư cổ phiếu và bất động sản của anh giảm từ 20% đến 30%, trong khi tiền lương của anh cũng giảm 30%. “Thật đau lòng”, ông Zhou chia sẻ. “Điều duy nhất thúc đẩy tôi tiếp tục là giữ lại công việc để hỗ trợ gia đình”.
Zhou không hề cô đơn khi phần lớn người dân Trung Quốc đều đang gặp khó khăn. Cú trượt dài của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán đã bào mòn tài sản của các hộ gia đình. Trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn chật vật thời hậu dịch COVID-19, nhiều người còn sợ bị mất việc.
Giờ thì các hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu phải suy xét lại các ưu tiên về tiền bạc. Một số người rút khỏi hoạt động đầu tư hoặc bán bớt tài sản để trữ tiền.
Bất động sản là nguyên nhân chính
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là sự sụp đổ của thị trường bất động sản Trung Quốc, bởi lẽ 70% tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc gắn liền với bất động sản. Cứ mỗi lần giá nhà giảm 5%, các hộ gia đình chứng kiến khối tài sản của mình “bốc hơi” 19 ngàn tỷ Nhân dân tệ (2.7 ngàn tỷ USD), theo ước tính của Bloomberg Economics.
“Đây có thể là khởi đầu của giai đoạn suy giảm tài sản trong nhiều năm tới”, Eric Zhu, Chuyên gia kinh tế tại Bloomberg Economics, cho hay. “Trừ khi thị trường giá lên trở lại, tài sản tài chính tăng nhẹ cũng khó lòng bù đắp cho những tổn thất trong khối tài sản của các hộ gia đình”.
Dữ liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy giá nhà chỉ giảm nhẹ. Trong khi đó, các môi giới bất động sản và các dữ liệu khác lại cho thấy giá nhà đã giảm ít nhất 15% tại các thành phố lớn nhất Trung Quốc.
Những ngày giông bão
Các khoản đầu tư tài chính cũng không khá hơn. Thị trường cổ phiếu Trung Quốc có màn trình diễn đáng thất vọng. Chênh lệch hiệu suất giữa Trung Quốc so với các thị trường mới nổi khác đang ở mức cao nhất kể từ năm 1998.
Các quỹ tương hỗ Trung Quốc lỗ nặng trong quý 3/2023. Lợi suất từ các sản phẩm quản lý tài sản tại các ngân hàng vẫn ở mức thấp, trong khi lãi suất tiền gửi đã giảm 3 lần trong năm qua.
Ngành quỹ tín thác – một kênh đầu tư yêu thích của các cá nhân giàu có ở Trung Quốc – cũng đang lộ rõ các vết nứt niềm tin. Vụ bê bối gần đây ở Zhongzhi có thể gây tổn thất hàng chục tỷ USD cho những người gửi tiền.
Echo Huang, người làm trong ngành truyền thông, từng đau lòng khi nhìn thấy khoản đầu tư bất động sản của cô ở Ninh Ba (Chiết Giang) giảm 1 triệu Nhân dân tệ so với đỉnh năm 2019. Giờ đây, cô lại cảm thấy may mắn khi đã bán khoản đầu tư này trong tháng 5/2023, vì giá đã giảm thêm sau đó.
Sau khi bán bất động sản, Huang đã gửi phần lớn tiền cho cha mẹ. Với phần tiền còn lại, cô gửi tiền gửi không kỳ hạn và các quỹ thị trường tiền tệ cho phép rút tiền tức thì. Cô không muốn bỏ thêm tiền vào chứng khoán vì các cổ phiếu trong danh mục hiện tại đều đã mất sạch đà tăng kể từ năm 2018.
“Công ty của tôi đang chật vật tồn tại, vì vậy ai mà biết được tôi sẽ bị giảm lương hay bị sa thải lúc nào”, Huang (39 tuổi) cho biết. “Mục tiêu của tôi là ổn định về tài sản và tôi muốn lúc nào cũng có đủ thanh khoản trong tay”.
Tập trung bảo vệ tài sản
Theo kết quả khảo sát do Merchants Bank Co. và Bain & Co. thực hiện, các cá nhân giàu có cũng bật chế độ phòng thủ hơn. Số lượng người đề cập mục tiêu “bảo vệ tài sản” tăng vọt trong năm 2023, trong khi lượng người chọn mục tiêu “gia tăng tài sản” giảm mạnh.
Peter Bao – nhân viên tại công ty công nghệ lớn ở Bắc Kinh – cũng áp dụng chiến lược đầu tư thận trọng.
Giá trị cổ phiếu trong danh mục của anh, phần lớn đều là cổ phiếu Trung Quốc được niêm yết ở Mỹ, có lúc giảm 50% (tương đương 5 triệu Nhân dân tệ) so với mức đỉnh xác lập vào cuối năm 2020.
Trong 2 năm qua, anh đã chuyển một phần tài sản sang các quỹ thị trường tiền tệ và các sản phẩm có thu nhập cố định – những kênh đầu tư không cần phải phân tích quá nhiều. Anh hy vọng có thể trụ vững trước những bất ổn trong ngắn hạn.
“Chẳng có lúc nào mà tôi không lo ngại và hoài nghi, nhưng cũng chẳng còn lựa chọn nào tốt hơn”, Bao chia sẻ. “Tôi cần tập trung làm việc để bảo vệ thu nhập. Vì vậy, tôi không có nhiều thời gian để đánh giá các kênh đầu tư khác”.
Không còn lựa chọn
Trong khi đó, Dani Wang (35 tuổi) không tìm thấy cơ hội để tăng tài sản. Cô chỉ “nằm thẳng”, hy vọng nền kinh tế nội địa và thị trường vốn khởi sắc vào năm 2026.
Cô đã xóa ứng dụng giao dịch, cũng không có ý định điều chỉnh khoản đầu tư 1 triệu Nhân dân tệ ở cổ phiếu và quỹ đầu tư cổ phiếu, và cũng không buồn kiểm tra giá cổ phiếu. Wang cũng ngó lơ khoản đầu tư 50,000 Nhân dân tệ vào Dogecoin. Hiện khoản đầu tư này đã giảm 50% giá trị.
Lily Liu cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Cô làm trong ngành công nghệ và đang quản lý vài triệu Nhân dân tệ tiền tiết kiệm của gia đình.
Tình hình tài chính của gia đình Liu đang khá ổn, nhờ tiền lương của chồng cô tăng mạnh trong vài năm gần đây.
“Tôi cảm thấy khả năng chấp nhận rủi ro của bản thân giảm dần theo đà tăng của tài sản”, Liu cho biết. Cô đang rao bán một trong hai căn nhà đang sở hữu, nhưng cũng không biết bỏ tiền vào đâu.
“Tôi không muốn dành nhiều thời gian cho các khoản đầu tư. Nhiều khả năng chúng cũng không sinh lời trong bối cảnh vĩ mô hiện tại”, cô cho biết.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)