Black Friday đã tới! InvestingPro giảm tới 60% OFF! Đừng bỏ lỡ!NHẬN ƯU ĐÃI

Khi đại dịch COVID-19 cản trở giấc mơ của Trung Quốc

Ngày đăng 13:38 30/07/2020
Khi đại dịch COVID-19 cản trở giấc mơ của Trung Quốc

Vietstock - Khi đại dịch COVID-19 cản trở giấc mơ của Trung Quốc

Nếu Trung Quốc tiếp tục mở cửa và cải cách, nước này sẽ dần tiệm cận tiêu chuẩn sống của Mỹ và đạt được mục tiêu trở thành xã hội khá giả toàn diện vào năm 2049.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bài viết trên trang web của hãng CNA nhận định tình trạng dân số đang già đi nhanh chóng, hệ thống tài chính trong nước kém hiệu quả và môi trường quốc tế suy yếu sẽ làm cho vấn đề cải cách ở Trung Quốc trở nên cấp bách hơn, đặc biệt là sau khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.

Nếu Trung Quốc tiếp tục mở cửa và cải cách, nước này sẽ dần tiệm cận tiêu chuẩn sống của Mỹ và đạt được mục tiêu trở thành xã hội khá giả toàn diện vào năm 2049.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã dẫn đến những bất trắc rất lớn về tác động kéo dài dịch bệnh, khiến một số nước quay lưng lại với toàn cầu hóa và điều này sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng ở những nơi khác.

Trên thực tế, vấn đề cải cách ở Trung Quốc đang trở nên cấp bách hơn sau khi đại dịch bùng phát. Có ba thách thức lớn mà Bắc Kinh phải đối mặt trong thời gian tới, đó là sự già hóa về dân số cùng với sự phân tách giữa thành thị và nông thôn; sự thiếu hiệu quả và những rủi ro trong hệ thống tài chính; sự cần thiết phải cải cách và hiện đại hóa cấu trúc kinh tế quốc tế.

Sự già hóa dân số cùng sự phân tách giữa thành thị và nông thôn

Sự già hóa dân số nhanh chóng chắc chắn là thách thức lớn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt ở trong nước. Dân số Trung Quốc có độ tuổi trên 65 sẽ tăng từ ngưỡng khoảng 200 triệu người hiện nay lên 400 triệu người vào năm 2049, trong khi mức dân số chung sẽ suy giảm nhẹ.

Trong nhóm này, dân số có độ tuổi từ 85 trở lên sẽ tăng nhanh nhất, từ chưa đến 50 triệu hiện nay lên mức hơn 150 triệu vào năm 2049.

Việc chăm sóc người già luôn là thách thức trong bất kỳ tình huống nào, nhưng thách thức này còn phức tạp hơn bởi sự phân tách giữa thành thị và nông thôn.

Hầu hết người già sống ở vùng nông thôn, mặc dù con cháu của họ ở độ tuổi lao động di chuyển lên các thành phố với tư cách lao động nhập cư, và thường để con cái ở độ tuổi đi học ở lại quê nhà.

Hệ thống y tế ở nông thôn yếu kém hơn hệ thống y tế ở các khu đô thị, vì vậy việc chăm sóc người già gặp nhiều khó khăn hơn.

Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc Bắc Kinh cần xóa bỏ hoàn toàn hệ thống đăng ký hạn chế thường trú đối với lao động di cư và thống nhất lương hưu, hệ thống bảo hiểm y tế và giáo dục giữa thành thị và nông thôn.

Giải quyết tốt vấn đề già hóa trước hết là vấn đề xã hội, nhưng nó cũng có những tác động về mặt kinh tế. Khi lực lượng lao động của Trung Quốc thu hẹp, nhóm người độ tuổi từ 55 đến 64 sẽ gia tăng mạnh mẽ.

Việc giữ cho nhóm này và nhóm độ tuổi từ 65 đến 85 khỏe mạnh và nhanh nhẹn là hy vọng tốt nhất để Trung Quốc có thể cứu vãn sự suy giảm mạnh lực lượng lao động.

Trong khi đó, cải thiện hệ thống giáo dục nông thôn cũng có ý nghĩa then chốt vì khoảng một nửa số lao động trong tương lai của Trung Quốc được đào tạo ở khu vực nông thôn, và sự thiếu giáo dục của họ sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của nước này trong những năm tới.

Những tác động liên quan đến đại dịch COVID-19 là gì? Ngay lúc này, có rất nhiều điều không chắc chắn, song ngay cả trong kịch bản tốt đẹp nhất thì cũng phải mất rất nhiều thời gian người dân mới quay trở lại những thói quen tiêu dùng trước đây. Họ vẫn lo sợ đi lại và tụ tập đông người.

Mọi việc sẽ quay trở lại trạng thái bình thường nào đó, nhưng có khả năng sẽ vẫn thiếu hụt rất lớn trong tiêu dùng cá nhân. Đây là thời điểm hoàn hảo để Trung Quốc mở rộng đáng kể các nguồn lực công nhằm khắc phục những yếu kém trong mạng lưới an toàn.

Hệ thống tài chính của Trung Quốc

Sự yếu kém thứ hai ở trong nước mà Trung Quốc cần giải quyết nếu nước này muốn phát triển tốt là hệ thống tài chính. Bắc Kinh đã đầu tư các nguồn lực một cách thỏa đáng trong giai đoạn tăng trưởng nhanh của Trung Quốc, nhưng hệ thống do nhà nước chi phối vẫn kém hiệu quả.

Hiện Trung Quốc đã đạt được vị thế là nước có thu nhập trung bình, nước này sẽ cần phụ thuộc ít hơn vào đầu tư và nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo để gia tăng năng suất.

Tuy nhiên, hệ thống tài chính do ngân hàng chi phối ủng hộ việc cho các doanh nghiệp nhà nước vay, trong khi những doanh nghiệp này có năng suất thấp hơn và có ít sự đổi mới sáng tạo hơn so với khu vực tư nhân.

Một bằng chứng rõ ràng cho thấy mô hình tăng trưởng phụ thuộc nặng nề vào đầu tư trước đây đang “xì hơi” là tỷ lệ nợ/GDP đã và đang tăng lên một cách không thể thay đổi được kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Nếu việc cho vay để tài trợ cho tăng trưởng và đầu tư có hiệu quả, thì khi đó tỷ lệ này cần ổn định hoặc tăng chậm lại. Việc tỷ lệ này gia tăng nhanh chóng kể từ năm 2009 là chỉ dấu cho thấy nhiều dự án đầu tư yếu kém vẫn đang được tài trợ.

Khi đại dịch COVID-19 tàn phá nền kinh tế, việc chính phủ vay mượn bất cứ thứ gì có thể để ngăn chặn suy thoái là điều hợp lý. Song khi Trung Quốc phục hồi, điều thậm chí còn quan trọng hơn là cần phải cải cách hệ thống tài chính vì những rủi ro chắc chắn sẽ gia tăng trong giai đoạn kích thích tăng trưởng kinh tế này.

Môi trường kinh tế quốc tế

Khả năng của Trung Quốc trong việc đạt được các mục tiêu xã hội và kinh tế cũng sẽ phụ thuộc vào cơ cấu kinh tế và môi trường quốc tế. Dịch COVID-19 đã làm bộc lộ rõ những yếu kém nghiêm trọng trong cơ cấu này.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không được trang bị để đối phó với những vấn đề thương mại hiện đại như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, những hạn chế đầu tư, dòng dữ liệu xuyên biên giới và vấn đề trợ cấp.

Các nền kinh tế lớn trên thế giới không thể nhất trí về việc mở rộng các nguồn lực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vì Washington không muốn gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc và các thị trường đang nổi khác trong việc ra quyết định, mặc dù Trung Quốc đang có vai trò ngày càng tăng trong nền kinh tế thế giới.

Trong khi đó, các nhà ủng hộ Trung Quốc và phương Tây có các chương trình riêng rẽ và cạnh tranh nhau để tài trợ cho cơ sở hạ tầng ở thế giới đang phát triển; và rõ ràng trong tình hình hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cần được củng cố.

Để nền kinh tế thế giới vận hành một cách suôn sẻ, các thể chế cung cấp hàng hóa công thiết yếu trên toàn cầu cần phải được củng cố. Điều này đòi hỏi phải có sự thỏa hiệp thực tế giữa Trung Quốc và Mỹ, và nhìn chung hơn là giữa các nước đang phát triển và các nước tiên tiến.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, việc nói đến thỏa hiệp giữa Trung Quốc và Mỹ là điều không thực tế khi hai nước đang cáo buộc lẫn nhau trên khắp khu vực Thái Bình Dương.

Dù vậy, Trung Quốc và Mỹ sẽ không trở thành kẻ thù của nhau. Cả hai nước đều có lợi ích trong hợp tác quốc tế về cung cấp hàng hóa công.

Trung Quốc cần tự do hóa hơn nữa về thương mại và đầu tư, đồng thời có cử chỉ thiện chí hơn trong môi trường quốc tế hiện nay.

Mỹ hiện đang đi theo con đường chủ nghĩa bảo hộ và biệt lập. Tuy nhiên, chúng ta hy vọng rằng Mỹ sẽ trở lại con đường chủ nghĩa quốc tế bởi đó là nền tảng tốt đẹp nhất để đạt được hòa bình và thịnh vượng.

Nguyễn Thúy

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.