Vietstock - IMF: AI tác động đến 40% việc làm toàn cầu
Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh có thể tác động đến gần 40% việc làm trên thế giới, theo chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực, nhưng về tổng thể, công nghệ này có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạnh bất bình đẳng xã hội, theo nhận định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Một pa-nô quảng cáo công nghệ AI của Tata Consultancy Services (Ấn Độ), một trong những công ty tư vấn và dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất thế giới, ở Davos, Thụy Sĩ, nơi đang tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới thường niên lần thứ 54. Ảnh: Getty |
Trong một bài viết đăng trên trang web của IMF hôm 14-1, Giám đốc Kristalina Georgieva nhận định khi doanh nghiệp ngày càng áp dụng AI rộng rãi hơn, công nghệ này sẽ bộc lộ tính hai mặt của cùng một vấn đề: vừa giúp ích vừa gây tổn hại cho lực lượng lao động.
Nhắc lại những cảnh báo trước đây của các chuyên gia khác, bà Georgieva cho biết, tác động dự kiến của AI sẽ được cảm nhận sâu sắc hơn ở các nền kinh tế tiên tiến so với các thị trường mới nổi. Điều này một phần vì lực lượng lao động “cổ cồn trắng” đối mặt nhiều rủi ro trực tiếp từ AI hơn so với đội ngũ lao động chân tay.
Ví dụ, ở các nền kinh tế phát triển, AI có thể ảnh hưởng tới 60% việc làm. Theo nữ giám đốc của IMF, một nửa trong số đó có thể được hưởng lợi từ cách AI thúc đẩy năng suất cao hơn.
“Đối với 30% còn lại, các ứng dụng AI có thể thực hiện các nhiệm vụ chính hiện do con người thực hiện, do vậy, có thể làm giảm nhu cầu lao động, dẫn đến lương thấp hơn và giảm tuyển dụng. Trong những trường hợp xấu nhất, một số công việc này có thể biến mất”, bà Georgieva trích dẫn phân tích của IMF.
Theo các nhà nghiên cứu kinh tế của tổ chức này, tại các thị trường mới nổi và các nước có thu nhập thấp, AI dự kiến tác động tích cực đến 40% công việc và gây rủi ro cho 26% công việc. Các thị trường mới nổi đề cập đến những nơi như Ấn Độ và Brazil, có tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, trong khi các nước thu nhập thấp ám chỉ đến các nền kinh tế đang phát triển có thu nhập bình quân đầu người ở mức hạn chế như Burundi và Sierra Leone.
“Nhiều nước trong số này không có cơ sở hạ tầng hoặc lực lượng lao động lành nghề để khai thác lợi ích của AI, vì vậy, theo thời gian, công nghệ này có thể làm gia tăng trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập”, bà Georgieva lưu ý.
Bà cảnh báo, việc sử dụng AI có thể làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội, đặc biệt, nếu những người lao động trẻ, ít kinh nghiệm hơn nắm bắt công nghệ này để tăng sản lượng, trong khi những người lao động lớn tuổi hơn phải chật vật để theo kịp.
AI đã trở thành chủ đề nóng tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ hồi năm ngoái khi ChatGPT của OpenAI gây sốt trên toàn thế giới. Chatbot này, vận hành dựa vào AI tạo sinh, đã khơi dậy cuộc tranh luận về cách nó có thể thay đổi cách mọi người làm việc trên khắp thế giới nhờ khả năng viết tiểu luận, bài phát biểu, thơ ca và hơn thế nữa.
Kể từ đó, các hoạt động nâng cấp khiến các hệ thống và chatbot AI trở nên phổ biến hơn và thúc đẩy đầu tư lớn hơn. Một số công ty công nghệ xem AI là lý do họ xem xét lại quy mô bộ máy nhân sự.
Theo ước tính của ngân hàng Goldman Sachs (NYSE:GS), dù gây ra xáo trộn trong thế giới việc làm, việc áp dụng rộng rãi AI cuối cùng có thể giúp tăng năng suất lao động và thúc đẩy GDP toàn cầu tăng 7% mỗi năm trong khoảng thời gian 10 năm.
Bà Georgieva cũng thừa nhận, việc sử dụng AI rộng rãi sẽ tạo ra các cơ hội để tăng sản lượng và thu nhập trên toàn thế giới. “AI sẽ chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu nhưng hãy đảm bảo rằng công nghệ này mang lại lợi ích cho nhân loại. Trong hầu hết các kịch bản, AI có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng nói chung. Đây là xu hướng đáng lo ngại mà các nhà hoạch định chính sách phải chủ động giải quyết để ngăn chặn công nghệ này gây thêm căng thẳng xã hội”, bà viết.
Bà nhấn mạnh, điều quan trọng là các nước phải thiết lập lưới an toàn xã hội toàn diện và cung cấp các chương trình đào tạo lại cho những người lao động dễ bị tổn thương. “Khi làm như vậy, chúng ta có thể làm cho quá trình chuyển tiếp sang AI trở nên toàn diện hơn, giúp bảo vệ sinh kế và hạn chế bất bình đẳng”, bà nhận định.
Để giúp các nước xây dựng chính sách đúng đắn, IMF đã phát triển Chỉ số sẵn sàng AI (AI Preparedness Index) để đo lường mức độ sẵn sàng áp dụng AI trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, chính sách vốn con người và thị trường lao động, đổi mới và hội nhập kinh tế cũng như quy định quản lý và đạo đức.
Sử dụng chỉ số này, các nhà kinh tế của IMF đã đánh giá mức độ sẵn sàng áp dụng AI của 125 nước. Các phát hiện cho thấy, các nền kinh tế giàu, bao gồm các nền kinh tế thị trường tiên tiến và mới nổi, có xu hướng được trang bị tốt hơn để áp dụng AI so với các nước có thu nhập thấp, dù có sự khác biệt đáng kể giữa các nước. Singapore, Mỹ và Đan Mạch có điểm số cao nhất trong chỉ số này.
Tại WEF lần thứ 54, khai mạc hôm 14-1 ở khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Davos, nơi tràn ngập các quảng cáo về AI, công nghệ này tiếp tục là một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự.
Sam Altman, CEO của OpenAI, công ty phát triển ChatGPT, và Satya Nadella, CEO của Microsoft (NASDAQ:MSFT), nhà đầu tư lớn nhất của OpenAI, sẽ phát biểu tại WEF như một phần của chương trình nghị sự bao gồm cuộc thảo luận về chủ đề “AI tạo sinh: cỗ máy hơi nước của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư?” sẽ diễn ra hôm 16-1.
Chánh Tài (Theo CNN, IMF)