Vietstock - Hủy niêm yết các công ty Trung Quốc là vô ích?
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson (PIIE), việc hủy niêm yết các công ty Trung Quốc khỏi những sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ là “nỗ lực vô ích”, vì điều này sẽ không làm cho các công ty đó không thể tiếp cận thị trường vốn của Mỹ cũng như không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của Trung Quốc.
Quan hệ Mỹ-Trung hiện ở tình trạng tồi tệ nhất trong nhiều thập niên và thị trường chứng khoán dường như là một trong những “mặt trận” mới nhất, nơi căng thẳng giữa hai nước đang diễn ra. Hồi tháng 5, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật có thể cấm nhiều công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ. Và vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi các nhà quản lý tìm cách thắt chặt sự giám sát đối với các công ty đó.
Tuy nhiên, có một số cách mà các công ty Trung Quốc vẫn có thể nhận được tiền từ nhà đầu tư Mỹ, như thông qua thị trường vốn cổ phần tư nhân và thị trường chứng khoán Hồng Kông, báo cáo của PIIE, do Nicholas Lardy và Tianlei Huang viết, cho biết.
“Điểm quan trọng là thị trường dành cho nguồn vốn mang tính toàn cầu. Ngăn không cho các công ty Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ sẽ không khiến họ không thể tiếp cận nguồn vốn của Mỹ”, các tác giả viết.
Hiện, có khoảng 230 công ty Trung Quốc - với tổng vốn hóa thị trường khoảng 1.8 ngàn tỷ USD - được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq và New York, báo cáo lưu ý.
Báo cáo chỉ ra các công ty cổ phần tư nhân Mỹ đã mua những công ty Trung Quốc được niêm yết đó. Một ví dụ cụ thể là Warburg Pincus và General Atlantic, hai công ty gần đây đã dẫn đầu một thỏa thuận đưa công ty công nghệ Trung Quốc 58.com về tình trạng “private”, PIIE nói.
Ngoài ra, ngày càng nhiều công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ tìm cách niêm yết thứ cấp ở Hồng Kông - một trung tâm tài chính và kinh doanh ở châu Á mở cửa cho các nhà đầu tư quốc tế - báo cáo cho biết. Các công ty Trung Quốc đã thực hiện điều này tại Hồng Kông bao gồm nhiều công ty công nghệ lớn như Alibaba, JD.com và NetEase.
“Những nhà đầu tư tổ chức của Mỹ và cư dân Mỹ muốn sở hữu cổ phần trong các công ty này sẽ mua chúng ở Hồng Kông. Tương tự, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào các công ty Trung Quốc thông qua lần niêm yết ở New York sẽ mua chúng ở Hồng Kông”, báo cáo viết.
Không thể tách rời
Những khó khăn trong việc chia cắt hoàn toàn các công ty Trung Quốc khỏi nhà đầu tư Mỹ càng cho thấy hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã trở nên phụ thuộc lẫn nhau như thế nào.
Sự phụ thuộc đó có vẻ sẽ tăng lên - đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính - bất chấp cảnh báo của ông Trump hồi tháng trước rằng sự tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc vẫn là lựa chọn trong chính sách của Mỹ, PIIE nói.
Các tổ chức tài chính của Mỹ đang gia tăng sự hiện diện của họ ở Trung Quốc, nơi nhà chức trách đang dần nới lỏng các quy định về sở hữu nước ngoài. PIIE liệt kê một số ví dụ về những công ty Mỹ đã tận dụng việc Trung Quốc mở cửa lĩnh vực tài chính của họ:
- Vào tháng 3/2020, Goldman Sachs được chấp thuận tăng cổ phần trong công ty chứng khoán liên doanh Goldman Sachs Gao Hua Securities từ 33% lên 51%.
- Cùng thời điểm, Morgan Stanley được phép tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty chứng khoán liên doanh Morgan Stanley Huaxin Securities từ 49% lên 51%.
- Tháng trước, American Express được chấp thuận trở thành công ty thẻ tín dụng nước ngoài đầu tiên triển khai các hoạt động tại Trung Quốc thông qua một liên doanh.
Những phát triển như vậy sẽ khiến việc tách rời tài chính giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng khó xảy ra, các tác giả của PIIE viết.
“Bất chấp việc bị Mỹ tăng thuế quan và hạn chế đầu tư, sự hội nhập của Trung Quốc vào thị trường tài chính toàn cầu vẫn tiếp tục”, họ nói.
“Thật vậy, sự hội nhập đó xuất hiện trên hầu hết số liệu đã tăng tốc trong năm qua, và những tổ chức tài chính có trụ sở tại Mỹ đang tích cực tham gia vào quá trình này, khiến việc tách rời tài chính giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng khó xảy ra”.
Nhã Thanh (Theo CNBC)