Vietstock - HSBC: Nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ
Khối Nghiên cứu Kinh tế Ngân hàng HSBC vừa giới thiệu báo cáo "Nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ" (The blooming digital economy) do chuyên gia kinh tế James Pomeroy thực hiện với chủ đề ‘Đại dịch Covid-19 làm gia tăng xu hướng biến đổi’.
Ai trong chúng ta cũng đều cảm thấy thế giới xung quanh đang ngày càng số hóa. Chúng ta có thể vừa đặt mua một món hàng trên một trang mua sắm trực tuyến, hay như trong 24 giờ qua bạn vừa chia sẻ tin tức, âm nhạc hoặc hình ảnh trên một trang kỹ thuật số...
Đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới phải cân nhắc cách chúng ta đã và đang nhìn nhận và đánh giá về công nghệ kỹ thuật số trong thời gian qua. Kỹ thuật số đã tạo điều kiện cho mọi người có thể làm việc từ xa, mua sắm hàng hóa và nhu yếu phẩm trực tuyến, cũng như giữ liên lạc với các thành viên trong gia đình theo những hình thức mà trước đây không ai nghĩ tới. "Sẽ thật sự điên rồ nếu vào thời điềm năm 2019 anh/chị nói sẽ ‘Zoom’ với một ai đó", báo cáo đưa ra vấn đề.
Cuộc khủng hoảng đẩy nhanh những gì đang xảy ra. Nền kinh tế kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục gia tăng và được thúc đẩy bởi sự thay đổi dần dần về thị hiếu của người tiêu dùng, sự thay đổi nhân khẩu học và sự phát triển của công nghệ mới.
Mọi thứ hiện đang chuyển biến nhanh hơn. Hãy nghĩ về những thay đổi hành vi do đại dịch gây ra. Chắc chắn, nhiều trong số những sự chuyển đổi hành vi này sẽ tồn tại vĩnh viễn.
Tổng hợp lại, những điều này có nghĩa là ngày càng nhiều hành vi tiêu dùng đang dịch chuyển sang kênh kỹ thuật số. HSBC ước tính đến năm 2030, khoảng 50% lượng tiêu thụ hàng hóa sẽ dễ dàng thực hiện qua kênh trực tuyến ở nhiều thị trường phát triển. Vương quốc Anh đã dẫn đầu danh sách ngay cả trước khi đại dịch đạt đến mức đỉnh điểm, theo đó, một phần ba doanh số bán lẻ của họ đã được thực hiện trên kênh trực tuyến này. Mức độ mỗi quốc gia đạt được con số 50% sẽ rất khác nhau và mặc dù điều này ngụ ý về một sự thay đổi lớn trong thói quen của người tiêu dùng, nhưng cần nhớ rằng cách đây một thập kỷ, chúng ta đã từng mua vé máy bay ở tại các phòng vé. Sẽ có rất nhiều điều có thể thay đổi trong giai đoạn 10 năm.
Về mặt sản xuất, HSBC kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tự động hóa trong những năm tới, vừa để tiết kiệm chi phí, vừa giúp tạo ra khoảng cách xã hội dễ dàng hơn. Khi chi phí công nghiệp và robot dịch vụ giảm, cũng có nghĩa là chúng ta có thể thấy số lượng robot công nghiệp sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2030.
Sự vượt trội trên thị trường chứng khoán của các gã khổng lồ công nghệ Mỹ vào năm 2020 có thể phản ánh quan điểm rằng, đại dịch đã làm thay đổi triển vọng của nền kinh tế kỹ thuật số trong dài hạn.
Tất cả những điều này có thể gây ra sự gián đoạn đáng kể đối với lối sống và có những tác động kinh tế to lớn về mặt tích cực, tiêu cực và một số tác động không rõ ràng.
Làm việc từ xa đã trở thành tiêu chuẩn và làm việc linh hoạt có thể theo sau. Đại dịch đã cho phép hàng triệu nhân viên khu vực dịch vụ làm việc từ xa và linh hoạt. HSBC mong đợi xu hướng này sẽ tiếp tục ngay cả khi đại dịch kết thúc.
Với ít thời gian đi làm lãng phí hơn, chúng ta sẽ có nhiều thời gian hơn để chi tiêu với bạn bè và gia đình hoặc để tiêu dùng giải trí, nếu thu nhập cho phép.
Chính phủ, ngân hàng Trung ương, doanh nghiệp và hộ gia đình, tất cả đều quay lưng lại với thanh toán bằng tiền mặt trong thời kỳ đại dịch. Điều này có thể dẫn đến áp dụng phổ biến hơn tài khoản ngân hàng và tiền di động ở nhiều nơi trên thế giới.
Tăng áp lực lên lạm phát. Phần lớn các cuộc tranh luận ngắn hạn về lạm phát tập trung vào sự đánh đổi giữa gián đoạn chuỗi cung ứng và sự sụt giảm chưa từng có về nhu cầu, xa hơn nữa là nền kinh tế kỹ thuật số sẽ giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp và cải thiện minh bạch giá cả, đẩy lạm phát xuống thấp hơn.
Đo lường nền kinh tế có thể khó hơn. Một số giao dịch kỹ thuật số khó theo dõi hơn so với các dữ liệu vật lý trong dữ liệu kinh tế truyền thống, đặc biệt là trong thời gian thực.
Các công việc có thể gặp rủi ro do tự động hóa. Trong khi một số công việc sẽ được tạo ra dưới dạng công nghệ. Các công ty mở rộng và các công ty mới mọc lên, mức tăng lương có thể sẽ thấp hơn đối với lao động có trình độ thấp...
Tất cả những điều này có thể gây ra sự gián đoạn đáng kể đối với lối sống và có những tác động kinh tế to lớn cũng như tạo ra nhiều thách thức hơn cho những người làm chính sách, đáng lưu ý nhất là thách thức về bất bình đẳng ngày càng gia tăng, đặc biệt nếu tiền lương và khối lượng công việc cho lao động có trình độ chuyên môn thấp bị ảnh hưởng nặng nề.
HSBC thấy rằng, thuế có thể cao hơn đối với các công ty công nghệ, do đó có thể dẫn đến nhiều tranh chấp quốc tế hơn. Và các Chính phủ sẽ phải cảnh giác hơn với vấn đề an ninh dữ liệu và tội phạm mạng. Điều này có thể dẫn đến con đường hợp tác quốc tế nhiều hơn - hoặc gia tăng căng thẳng - tùy thuộc vào mọi thứ tiến triển như thế nào.
Cuối cùng, HSBC xem xét công nghệ nào có thể làm cho tất cả điều này trở nên khả thi. Thêm nữa sự phát triển trong AI và robot có thể đồng nghĩa với việc nhiều công việc được tự động hóa hơn, cho phép các doanh nghiệp để tiết kiệm chi phí nhưng lại gây thêm bất an cho cá nhân.
Hàn Đông