Vietstock - Honda và Nissan khởi động đàm phán, hướng tới mục tiêu sáp nhập vào năm 2026
Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu vừa đón nhận một bước ngoặt lịch sử khi Honda Motor và Nissan Motor chính thức khởi động tiến trình sáp nhập, nhằm tạo ra một thế lực mới trên thị trường.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh các nhà sản xuất ô tô truyền thống đang phải điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo chung được tổ chức ở Tokyo vào ngày 23/12, hai hãng xe Nhật Bản đã đặt bút ký thỏa thuận khung về đàm phán sáp nhập. Đồng thời, Honda cũng công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ với giá trị lên đến 1,100 tỷ yên, tương đương 7 tỷ USD.
Theo lộ trình đã được vạch ra, một công ty holding sẽ được thành lập để điều hành thực thể mới, dự kiến sẽ niêm yết vào tháng 8/2026. Trong cơ cấu quản trị mới này, Honda sẽ nắm quyền đề cử phần lớn thành viên hội đồng quản trị.
Đáng chú ý, Mitsubishi Motors - doanh nghiệp mà Nissan đang nắm giữ 24.5% cổ phần - cũng đã tham gia vào thương vụ này thông qua việc ký kết biên bản ghi nhớ. Liên minh ba bên này được kỳ vọng sẽ trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới, đủ tiềm lực để cạnh tranh với Toyota tại thị trường nội địa và đương đầu với các đối thủ Trung Quốc như BYD hay Geely trên trường quốc tế.
Top hãng xe hơi trên thế giới xét theo doanh số năm tài chính 2023
|
Động lực thúc đẩy thương vụ này bắt nguồn từ những thách thức sinh tồn mà cả ba hãng xe đang phải đối mặt. Xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô từ động cơ đốt trong truyền thống sang xe điện và hybrid đang tạo áp lực lớn. Đặc biệt tại Trung Quốc, làn sóng xe điện nội địa đang khiến các thương hiệu ngoại phải chật vật giữ thị phần. Honda và Nissan buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất và cắt giảm nhân sự, trong khi Mitsubishi Motors gần như đã rút khỏi thị trường tỷ dân này.
Tại Bắc Mỹ, tình hình của Nissan cũng không mấy sáng sủa khi bỏ lỡ cơ hội từ làn sóng xe hybrid. Danh mục sản phẩm lỗi thời của hãng không chỉ thiếu vắng những mẫu xe hybrid hấp dẫn mà còn không có mẫu xe điện nào đủ sức cạnh tranh. Trong khi đó, Toyota - với vai trò tiên phong trong công nghệ hybrid - đang gặt hái thành công lớn từ xu hướng này.
Với Nissan, thương vụ này được xem như một phao cứu sinh sau thời gian dài khó khăn với doanh số sụt giảm mạnh tại các thị trường then chốt như Mỹ và Trung Quốc. Hãng xe này vừa phải hạ dự báo lợi nhuận năm xuống 70% và triển khai nhiều biện pháp cắt giảm chi phí. Đây không phải lần đầu Nissan lâm vào tình thế khó khăn. Cách đây hơn hai thập kỷ, hãng từng được Renault (Pháp) giải cứu bằng khoản đầu tư tiền mặt và cử Carlos Ghosn sang tái cơ cấu, trước khi vị CEO này bị bắt và sa thải vào cuối năm 2018, nhường vị trí cho Makoto Uchida.
Bức tranh tài chính của Honda và Nissan
|
Thương vụ này được kỳ vọng sẽ tạo nên đối trọng với Toyota - tập đoàn đang sở hữu cổ phần chi phối tại nhiều thương hiệu xe Nhật như Subaru, Suzuki và Mazda.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)