Vietstock - Hai mũi nhọn tân Thủ tướng Nhật có thể hợp tác với Việt Nam
Chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga có thể tăng hợp tác về chuỗi cung ứng và bảo đảm tự do hàng hải với Việt Nam, theo các chuyên gia.
Hôm 16/9, ông Yoshihide Suga trở thành tân thủ tướng Nhật Bản sau cuộc bỏ phiếu tại quốc hội. Ông Suga đảm nhận vị trí này khi người tiền nhiệm Shinzo Abe từ chức vì lý do sức khoẻ. Suga từng được coi là "cánh tay phải" của Abe, ở vị trí Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản.
Giáo sư Christina Davis, nhà nghiên cứu về Nhật, Đại học Harvard, Mỹ, đánh giá tân Thủ tướng Suga có thể thúc đẩy hai mũi nhọn hợp tác với Việt Nam.
Thứ nhất, Nhật Bản sẽ tăng đầu tư mới vào Việt Nam để đa dạng hoá chuỗi cung ứng, do tác động của Covid-19.
Davis cho biết Nhật Bản gần đây công bố các thông tin cho thấy mong muốn dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường này. Hồi đầu năm, Trung Quốc thực hiện các biện pháp quyết liệt chặn Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy nghiêm trọng. Nhiều nước lớn trên trên thế giới đặt vấn đề cần tìm kiếm các thị trường khác ngoài Trung Quốc để hạn chế rủi ro. Trong khi đó Việt Nam là một đối tác quan trọng lâu năm của Nhật Bản, cùng các nước khác ở Đông Nam Á.
Hôm 7/9, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thị trường Việt Nam đủ lớn cho các kế hoạch đầu tư kinh doanh tham vọng, chiến lược tái cấu trúc, dịch chuyển chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư Nhật Bản. Tuyên bố của lãnh đạo Việt Nam được đưa ra sau khi Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) công bố danh sách đầu tiên được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có 15 công ty chuyển sang Việt Nam.
Chuyên gia Davis lưu ý Nhật Bản cũng có thể tăng hợp tác với Việt Nam trong nối lại đi lại, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Hai nước đều có các chính sách kiềm chế dịch hiệu quả, có thể khuyến khích người dân đi du lịch. Trên thực tế, chuyến bay quốc tế đầu tiên của Việt Nam sau 6 tháng bị ngưng do đại dịch đã đến Nhật Bản vào 19/9. Nhật Bản là một trong 6 điểm đến Việt Nam có kế hoạch mở lại đường bay quốc tế, trên cơ sở bảo đảm các biện pháp chặn Covid-19.
Ông Suga phát biểu trong họp báo sau khi được xác nhận là tân thủ tướng Nhật Bản ngày 16/9 tại Tokyo. Ảnh: Reuters.
|
Thứ hai, Nhật Bản có thể gia tăng quan hệ đối tác với Việt Nam trong ủng hộ các vùng biển mở ở khu vực.
Theo Davis, Nhật Bản đang thể hiện vai trò lãnh đạo trong thúc đẩy các vùng biển mở và kinh tế mở. Tokyo sẽ tiếp tục duy trì cam kết với liên minh Nhật - Mỹ và cam kết với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do.
"Với Việt Nam, Thủ tướng Suga sẽ tiếp tục ủng hộ tầm quan trọng của tự do hàng hải ở Biển Đông, đề cao luật quốc tế", Davis nói, thêm rằng Nhật Bản sẽ thúc đẩy hợp tác với các nước cùng có lợi ích ở Biển Đông để tuần tra, giám sát.
Trong Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Nhật Bản, nước này xác định cần phổ biến và định hình các giá trị cơ bản như tự do hàng hải, thượng tôn pháp luật, thúc đẩy các hoạt động vì hòa bình và ổn định, bao gồm nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển cho các nước duyên hải ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Thủ tướng Nhật Suga ngày 20/9 trong điện đàm đầu tiên với Tổng thống Mỹ Trump đã khẳng định liên minh Nhật-Mỹ là nền tảng của hòa bình và ổn định trong khu vực và hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ.
Phó giáo sư Yoshikazu Kato, Viện Toàn cầu châu Á thuộc Đại học Hong Kong, cũng cho rằng chắc chắn chính quyền của ông Suga sẽ duy duy trì cam kết với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tokyo sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược này với Mỹ, bất chấp tổng thống tiếp theo là Trump hay Biden, nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
"Trong số các đối tác của Nhật, Việt Nam tích cực thể hiện cam kết với các quy tắc và hợp tác dựa trên các giá trị, trước các thách thức địa chính trị nghiêm trọng do Trung Quốc tạo ra", Kato nói.
Theo tiến sĩ Sheila Smith, chuyên gia về Nhật Bản, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), Mỹ, tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ vẫn là ưu tiên của Nhật khi Thủ tướng Suga cầm quyền. Cả chính phủ và người dân Nhật Bản có sự đồng thuận lớn về chính sách này.
Tiến sĩ Stephen Nagy, Đại học Thiên Chúa giáo Quốc tế, Nhật Bản cho rằng Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương là một phần trong chiến lược dài hạn của Tokyo nhằm tạo dấu ấn ở khu vực này. Vì thế, mục tiêu này không đổi khi Suga trở thành thủ tướng. Tuy nhiên, Nagy lưu ý Nhật Bản sẽ gặp phải một số thay đổi về đối tác và sáng kiến do các nguồn lực bị suy giảm do ảnh hưởng của Covid-19.
Với góc nhìn của chuyên gia Nhật, tiến sĩ Mieko Nakabayashi, Trường Khoa học xã hội, Đại học Waseda, cho hay quan điểm của ông Suga về Trung Quốc có thể khác với ông Abe.
"Chúng ta cần theo dõi các hoạt động của chính quyền mới và những quyết sách trên thực tế để hiểu thêm về quan điểm của Suga với Trung Quốc", Nakabayashi nói.
Bày tỏ tin tưởng Thủ tướng Suga "không phải bản sao của Abe", tiến sĩ Smith cho rằng hai người có sự tương đồng trong nhận thức các ưu tiên của Nhật Bản, trong các chính sách hướng tới tăng trưởng kinh tế và định hướng đối ngoại. Bà cho hay ông Suga có hành trình chính trị rất khác với Abe và có những kỹ năng khác biệt.
"Sẽ rất thú vị khi theo dõi những kỹ năng này của ông Suga sẽ được chuyển biến thế nào trong vai trò thủ tướng", Smith nói.
Ông Suga từng là "động lực chính" giúp vận hành chính quyền của ông Abe, nên không không phải là "cái bóng" của Abe, theo Nakabayashi. Tân thủ tướng cũng được coi là một người biết cách cân đối quyền lực trong nội bộ LDP.
Tiến sĩ Nagy coi Suga là "đối tác chính" của Abe cả về chính sách đối nội và đối ngoại. Điểm khác biệt mà Suga có thể thực hiện là cải cách chính sách thuế nhằm chuyển nguồn lực nhiều hơn cho giới trẻ. Trong khi đó, ông Abe có thể đảm nhận vai trò đặc phái viên để xử lý quan hệ với các đối tác lớn, trong đó có Mỹ.
Phó giáo sư Kato nhận định Suga sẽ tăng cường Chiến lược Abenomics theo hướng tập trung vào các chính sách tài khoá nhằm đối phó với tác động tiêu cực của Covid-19. Suga được trông đợi mạnh tay hơn Abe trong xử lý các rắc rối của các cá nhân trong nội các, giúp chính quyền "sạch hơn".
Suga xuất thân từ nông thôn, có nền tảng khác với Abe. Do đó, Suga có thể tách các vấn đề của chính quyền Abe với vấn đề tham nhũng và chủ nghĩa dân tộc cực hữu, chuyên gia Mỹ Davis cho biết.
Khó khăn của Suga lúc này là Nhật Bản đang đối diện với các thách thức của đại dịch, kinh tế thế giới suy giảm. Vì thế tân thủ tướng cần cho thấy hiệu quả chính sách của mình trong vòng 6 tháng tới. Song Nhật Bản có các chính sách ứng phó với Covid-19 tốt, theo tiêu chuẩn quốc tế. Nước này cũng cơ bản kiểm soát được bệnh dịch, có các công ty dược phẩm và điện tử hàng đầu, có thể đáp ứng được nhu cầu của thế giới.
Trong khi Nhật Bản có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, Tokyo cũng lo ngại về vai trò chi phối của Bắc Kinh ở khu vực. Suga được mong đợi sẽ hợp tác với các nước để thúc đẩy kinh tế mở, tự do hàng hải ở các đường biển.
"Nhật Bản có thể trở cầu nối giữa Trung Quốc và Mỹ, để thể hiện vai trò trung gian của mình", Davis nói.
Việt Anh