Vietstock - Hòa Bình sẽ trở lại trong năm 2020?
Bước điều chỉnh trong năm trước và năm nay là điều kiện để Hòa Bình (HOSE: HBC (HM:HBC)) đánh giá lại bản thân sau giai đoạn tăng trưởng quá nóng ở ba năm trước đó. Hiện, Tập đoàn đã bước vào quá trình tái cấu trúc lại vốn, quản trị nợ và chiến lược kinh doanh.
Hy sinh lợi nhuận để giữ thị phần
Ngành xây dựng dân dụng đang bước vào giai đoạn khó khăn hơn bao giờ hết, khi hàng loạt dự án phải tạm dừng triển khai do không được cấp phép. Và tất nhiên trong bối cảnh chung đó, các doanh nghiệp trong ngành không thể tránh khỏi kết quả kinh doanh suy giảm.
Đối với HBC, để giữ thị phần và duy trì doanh số thì phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận gộp. |
Trong 9 tháng đầu năm 2019, Hòa Bình báo lãi ròng giảm hơn 50% so cùng kỳ khi mà biên lãi gộp giảm xuống còn 6.7% từ con số 9.85% cùng kỳ năm trước. Nói về nguyên nhân biên lãi gộp sụt giảm,ông Trần Quang Đại, Giám đốc Tài chính HBC cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung, các dự án ít đi buộc nhiều đổi thủ cạnh tranh đã thực hiện hạ giá chào thầu.
“Đối với HBC, để giữ thị phần và duy trì doanh số thì phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận gộp”, đại diện HBC chia sẻ. Hiện nay nhu cầu sử dụng dịch vụ xây dựng không nhiều, nhưng khi nào các dự án được khởi động lại thì HBC sẽ không cần hy sinh biên lợi nhuận nữa mà sẽ quay lại giai đoạn trước đây.
Ông Đại cũng cho biết, kết quả năm nay sẽ khó đạt mục tiêu đề ra, lợi nhuận sau thuế thực hiện khoảng 50 - 60% kế hoạch năm.
Khoản phải thu tăng có đáng ngại?
Tổng giá trị khoản phải thu trên BCTC của HBC được cấu thành từ hai khoản mục phải thu khách hàng (nợ đủ tiêu chuẩn thu, đã được phê duyệt hồ sơ pháp lý) và phải thu theo tiến độ hợp đồng (nợ sản lượng).
Nợ phải thu theo tiến độ hợp đồng tăng sẽ giải quyết 3 vấn đề mà HBC phải cam kết đối với ngân hàng, khách hàng và nhà cung cấp. |
Khi phân tách khoản phải thu trên BCTC hợp nhất của HBC, nợ phải thu theo tiến độ hợp đồng tăng sẽ giải quyết 3 vấn đề mà Tập đoàn phải cam kết đối với ngân hàng, khách hàng và nhà cung cấp. Việc này có thể làm tăng chi phí tài chính, giảm biên lãi gộp của năm 2019-2020, nhưng từ năm 2021 sẽ trở lại như trước. Đây là sự hy sinh để đảm bảo mục đích phát triển về sau của Tập đoàn. |
Thực tế, tình hình thu nợ của HBC từ đầu năm 2019 tốt hơn năm 2018, nợ đã đủ tiêu chuẩn thu giảm 8% (thu tốt hơn 20-23%) nhưng các khoản nợ sản lượng vẫn tăng do khi ký hợp đồng thì phải ký luôn hợp đồng với bên cung cấp nguyên vật liệu…
Ông Đại phân tích, trong bối cảnh thị trường chung đang khó khăn như năm 2019 và có thể sang cả năm 2020, nếu HBC áp dụng phương án dừng không thi công nữa thì sẽ ảnh hưởng lên 2 loại hợp đồng: hợp đồng đã ký với chủ đầu tư cam kết hoàn thành và có bên ngân hàng bảo lãnh dự án và hợp đồng ký với bên cung cấp nguyên vật liệu xây dựng. Và khi thực hiện điều đó, mô hình kinh doanh của HBC từ năm 2021 trở về sau sẽ lập tức có vấn đề ngay, sẽ không ai phối hợp, giao dự án cho HBC nữa.
Chi tiết hơn, nếu HBC dừng không thi công, không nhập nguyên vật liệu, thì các nhà cung cấp sẽ ngừng cung cấp cho HBC có thể đến các năm 2021, 2022, 2023… và về sau nữa. Khi đã ký hợp đồng mà không triển khai thì ngân hàng cũng sẽ không ký bảo lãnh.
“Do đó, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, nếu HBC chọn phương án an toàn là dừng thi công, tức không phát sinh thêm khoản nợ phải thu theo tiến độ hợp đồng, thì sẽ phát sinh ba rủi ro về phía chủ đầu tư, khách hàng và ngân hàng. Ba rủi ro này thực sự khiến mô hình hoạt động của HBC gặp vấn đề”, ông Đại nói thêm.
Như vậy, khi phân tách khoản phải thu trên BCTC hợp nhất của HBC, nợ phải thu theo tiến độ hợp đồng tăng sẽ giải quyết 3 vấn đề mà Tập đoàn phải cam kết đối với ngân hàng, khách hàng và nhà cung cấp. Việc này có thể làm tăng chi phí tài chính, giảm biên lãi gộp của năm 2019-2020, nhưng từ năm 2021 sẽ trở lại như trước. Đây là sự hy sinh để đảm bảo mục đích phát triển về sau của Tập đoàn.
Giải quyết bài toàn dòng tiền
Dòng tiền kinh doanh của Hòa Bình tiếp tục thành một mối quan tâm lớn đối với nhà đầu tư khi liên tục ghi nhận âm trong thời gian gần đây.
Theo ông Đại, cán cân nguồn vốn hoạt động của HBC dựa trên các khoản vốn vay và uy tín của Tập đoàn là chính. Từ trước đến nay, HBC chưa từng chậm trễ thanh toán một khoản chi trả nào với bất kỳ ngân hàng nào. Các ngân hàng hiện vẫn đang dành hạn mức tín dụng lớn cho HBC, do đó rất khó xảy ra câu chuyện mất thanh khoản.
Tuy nhiên, từ 2020, HBC đã có phương án để cải thiện vấn đề dòng tiền. Theo đó, Hòa Bình có kế hoạch khoản phát hành 50 triệu USD trái phiếu chuyển đổi (khoảng 1,200 tỷ đồng), nhằm thanh toán nợ ngắn hạn, bổ sung vốn lưu động cuối năm và dùng phần tiền còn lại tái đầu tư cho công ty thành viên, phát triển mảng hạ tầng công nghiệp và tái cơ cấu mảng sản xuất vật liệu xây dựng để tạo thành chuỗi giá trị, hoàn thiện hoạt động kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn.
Lộ trình trong 3 năm tới, Hòa Bình còn có thể tiến hành IPO, đại chúng hóa các công ty thành viên trong Tập đoàn. Vị Giám đốc tài chính tiết lộ nhiều quỹ nước ngoài đã ngỏ ý muốn mua cổ phần đầu tư tại các công ty con này.
Để cải thiện dòng tiền, HBC sẽ thực hiện phát hành trái phiếu, tiến tới đại chúng hóa các công ty thành viên. |
HBC sẽ trở lại mạnh mẽ trong năm 2020?
Ông Trần Quang Đại cho biết, năm 2020, số lượng hợp đồng đã ký và chưa thực hiện (backlog) có thể đạt 21,000 tỷ đồng, bao gồm 16,000 tỷ đồng từ mảng dân dụng và 5,000 tỷ đồng đến từ xây dựng công nghiệp và hạ tầng. Đây là mảng Hòa Bình bắt đầu đẩy mạnh vì tiềm năng lớn, thay thế cho xây dựng dân dụng còn gặp khó khăn và tương lai có thể bão hòa.
Tập đoàn đưa ra kế hoạch doanh thu khoảng 22,000 tỷ đồng với lợi nhuận hợp nhất 1,000 tỷ đồng năm 2020. Đại diện HBC cho biết, cơ cấu lợi nhuận gồm 60-65% từ mảng xây dựng dân dụng và 35-40% từ xây dựng công nghiệp, hạ tầng.
Được biết, để tham gia trong mảng xây dựng hạ tầng, công nghiệp, HBC đã tiến hành mua phần vốn 57% của Công ty 479 - đơn vị này được tách ra từ Tổng công ty Cienco4, chuyên về thi công hạ tầng, có bề dày kinh nghiệm ở những công trình hạ tầng quy mô trong cả nước, sở hữu lượng khách hàng lớn về lĩnh vực hạ tầng. Tập đoàn Hòa Bình kỳ vọng với kinh nghiệm của Công ty 479, việc nhận và triển khai các gói thầu thi công hạ tầng không phải vấn đề quá lớn.
“Kế hoạch lợi nhuận 1,000 tỷ không phải là quá khó. Thị trường xây dựng dân dụng năm 2020 còn khó khăn, do đó phần công nghiệp hạ tầng phải làm ra sản lượng nhiều hơn để bù đắp lại’, ông Đại nói thêm.
Chia sẻ thêm về kế hoạch đầu tư dự án ở nước ngoài, đại diện Hòa Bình nói đã mua một khu đất trung tâm Canada và sắp khởi công.
Đẩy mạnh phát triển mảng hạ tầng công nghiệp, HBC kỳ vọng lãi 2020 sẽ đạt 1,000 tỷ đồng. |
Phương Châu