Vietstock - Giới chuyên gia: Đồng Nhân dân tệ hạ giá chỉ là tạm thời
Chỉ số giá trị của đồng NDT so với các đối tác thương mại chính của Trung Quốc tăng gần 3% do đồng yen của Nhật Bản giảm mạnh 9% và đồng won Hàn Quốc giảm 5% so với đồng USD trong cùng kỳ.
Kiểm tiền mệnh giá 100 Nhân dân tệ tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Thị trường tiền tệ đang đang nhận thấy những tín hiệu từ Trung Quốc như một chỉ báo cho thấy họ đang dần hạ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) để lấy lại khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc đồng NDT giảm giá kéo dài không phải là mục đích cũng như mong muốn của Trung Quốc.
Dấu hiệu lớn nhất cho thấy Trung Quốc đang chấp nhận đồng NDT suy yếu đến từ tỷ giá tham chiếu hàng ngày của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương). Tỷ giá này được coi là mốc để đồng NDT được phép giao dịch.
Sau khi sử dụng biện pháp ấn định tỷ giá tham chiếu để ngăn chặn sự sụt giảm của đồng NDT từ tháng 11/2023, ngay cả khi đồng tiền của các đối thủ thương mại như Nhật Bản và Hàn Quốc giảm mạnh, các biện pháp ấn định tỷ giá tham chiếu của PBoC kể từ giữa tháng 4/2024 đã trở nên ít cứng nhắc hơn và thậm chí hơi thiên về làm suy yếu đồng nội tệ.
Các ngân hàng nhà nước Trung Quốc, thường xuyên tham gia thị trường để mua NDT, cũng trở nên kín tiếng hơn.
Xét về tỷ giá hối đoái danh nghĩa, việc đồng NDT giảm giá một chút là hợp lý. Năm nay, đồng NDT đã giảm khoảng 2% so với đồng USD.
Tuy nhiên, chỉ số giá trị của đồng NDT so với các đối tác thương mại chính của Trung Quốc lại tăng gần 3% do đồng yen của Nhật Bản giảm mạnh 9% và đồng won Hàn Quốc giảm 5% so với đồng USD trong cùng kỳ.
Ông Tommy Wu, nhà kinh tế Trung Quốc cấp cao tại Commerzbank, cho biết: "PBoC có thể sẽ tiếp tục cho phép đồng NDT giảm giá nhẹ so với đồng USD theo tốc độ mà ngân hàng này cảm thấy vừa phải. Điều này đặc biệt đúng khi đồng tiền của các đối tác thương mại của Trung Quốc mất giá mạnh so với đồng USD, do đó đẩy tỷ giá của đồng NDT trong rổ tiền tệ lên cao."
Một số ngân hàng đầu tư toàn cầu dự đoán tỷ giá đồng NDT được quản lý chặt chẽ sẽ giảm xuống mức 7,3 NDT đổi 1 USD trong những tháng tới, hạ khoảng 1% so với mức hiện tại là khoảng 7,22 NDT/USD.
Đây là một sự giảm giá nhẹ, phản ánh điều mà hầu hết các nhà phân tích đang suy nghĩ rằng PBoC đang chú ý đến những rủi ro của đồng tiền yếu, trong khi vẫn theo dõi khả năng cạnh tranh thương mại.
(Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Ông Nathan Swami, Giám đốc giao dịch ngoại hối tại Citi, cho biết: "Chúng tôi không dự đoán bất kỳ sự giảm giá đáng kể nào của đồng NDT xảy ra một lần. Thay vào đó là sự sẵn sàng để đồng tiền này suy yếu dần, nhưng với mức độ biến động nhẹ.” Có rất ít bằng chứng cho thấy sức mạnh tương đối của đồng NDT, bất chấp dòng vốn chảy ra ồ ạt từ thị trường và nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc, đang làm tổn hại đến lĩnh vực xuất khẩu của nước này.
Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới của Trung Quốc đang tăng lên. Xuất khẩu các sản phẩm quang điện, xe điện và pin lithium, được mệnh danh là "ba mũi nhọn mới" của xuất khẩu Trung Quốc, đã thay thế xuất khẩu đồ gia dụng, đồ nội thất và quần áo vốn sử dụng nhiều lao động truyền thống. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đạt tổng cộng 1.060 tỷ NDT (146,7 tỷ USD) vào năm 2023, tăng 33% so với một năm trước đó.
Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang chứng kiến chi phí giảm khi giá hạ do mức tiêu dùng và đầu tư nội địa yếu.
Theo ước tính của Goldman Sachs (NYSE:GS), sau khi điều chỉnh theo lạm phát, đồng NDT đang ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong khi đó, lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc đã duy trì ở mức gần bằng 0 trong năm qua.
Ông Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC, cho biết: “Chỉ điều đó thôi cũng đã mang lại mức độ cạnh tranh nhất định cho hàng xuất khẩu Trung Quốc. Vì vậy, ngay cả khi đồng NDT có mạnh lên tới 7 NDT/USD, hàng hóa của Trung Quốc vẫn có lợi thế cạnh tranh trong vòng hai hoặc ba năm.”
Mặc dù đồng NDT yếu hơn có thể giúp ích cho các nhà xuất khẩu, nhưng nó cũng có thể làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, chẳng hạn như dầu mỏ và các mặt hàng quan trọng khác. Điều này có thể làm gia tăng lạm phát và gây khó khăn cho người tiêu dùng Trung Quốc, những người đã bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của thị trường bất động sản và chứng khoán.
Trung Quốc vốn đã phải đối mặt với nhiều lời phàn nàn từ các quốc gia khác về tính cạnh tranh ngày càng tăng của họ. Ngay cả khi đồng NDT giảm giá, tác động đến tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc có thể không đáng kể. Trung Quốc là một nền kinh tế lớn và việc giảm giá tiền tệ chỉ là một trong nhiều yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu./.
Minh Trang