Vietstock - Fed đối mặt câu hỏi có nên giảm lãi suất hay không?
Vào đầu năm, bức tranh vĩ mô có vẻ thuận lợi đối với quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Với lạm phát trên đà giảm tốc nhanh nhưng thị trường lao động của Mỹ vẫn mạnh mẽ, những người này đã hình dung kịch bản giảm lãi suất 3 đợt trong năm 2024.
Tuy nhiên, giá cả tăng trở lại trong những tháng gần đây đã khiến các quan chức của Fed đối mặt với một câu hỏi hóc búa hơn là có nên giảm lãi suất trong năm nay hay không thay vì câu hỏi nên giảm vào thời điểm nào?
Các quan chức Fed, bao gồm Chủ tịch Jerome Powell cần chờ đợi thêm vài tháng nữa để xem liệu dữ liệu lạm phát có tốt lên hay không trước khi đưa ra quyết định về lãi suất. Ảnh: Bloomberg |
Lạm phát tăng mạnh nhất trong 6 tháng
Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, công bố hôm 10-4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 3 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng hàng năm mạnh nhất trong 6 tháng. CPI cốt lõi, không bao gồm chi phí năng lượng và thực phẩm dễ biến động, tăng 3,8% so với cách đây một năm. Các mức tăng này đều cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo của các nhà kinh tế.
Chi phí xăng và nhà ở tốn kém hơn là nguyên nhân chính khiến CPI của Mỹ tăng trong tháng trước. Ngoài ra, giá cả dịch vụ cũng tác động lớn đến CPI với mức tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh nhất kể từ tháng 4-2023.
Với giá năng lượng trên đà tăng, vẫn chưa rõ lĩnh vực này sẽ ghìm CPI của Mỹ trong những tháng tới. Các nhà kinh tế từ lâu kỳ vọng chi phí nhà ở sẽ dịu lại nhưng cho đến nay, điều đó vẫn chưa diễn ra.
Kết hợp với thị trường việc làm mạnh mẽ, với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,8% trong tháng trước, lạm phát của Mỹ vào cuối năm có thể chốt mức gần 3%, hơn là gần mục tiêu 2% của Fed. Nếu nền kinh tế không hạ nhiệt như kỳ vọng của Fed, kịch bản giảm lãi suất vào cuối năm nay sẽ bị hoài nghi.
Với CPI tăng cao hơn dự báo trong tháng thứ 3 liên tiếp, các quan chức Fed có thể buộc phải duy trì trạng thái khó chịu: chờ đợi thêm vài tháng nữa để xem dữ liệu lạm phát tốt hơn hay không hoặc chứng kiến kiểu suy yếu kinh tế rõ ràng mà họ hy vọng tránh được.
“Dữ liệu CPI mới nhất chắc chắn khiến họ (các quan chức Fed) không còn tin tưởng rằng lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu 2%”, Alan Detmeister, nhà kinh tế của ngân hàng UBS nói.
Theo Phillip Neuhart, giám đốc nghiên cứu thị trường và kinh tế của First Citizens, dữ liệu lạm phát mới không loại bỏ hoàn toàn khả năng Fed hành động trong năm nay nhưng chắc chắn làm giảm khả năng Fed giảm lãi suất trong vài tháng tới.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 3 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng hàng năm mạnh nhất trong 6 tháng. Ảnh: Instagram |
Giá cả chỉ bật nảy tạm thời hay mắc kẹt ở mức cao?
Các quan chức Fed, bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell, bắt đầu năm mới với các tín hiệu lạc quan. Lạm phát của Mỹ hạ nhiệt vào cuối năm 2023 nhanh hơn dự báo của hầu hết các nhà kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh tốc độ tuyển dụng và tăng trưởng kinh tế nhanh bất ngờ.
Đà giảm tốc nhanh của chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE, thước đo lạm phát yêu thích của Fed), từ 7% vào tháng 6-2022 xuống 3% trong năm 2023, cho phép các quan chức Fed kỳ vọng lạm phát sẽ hướng về mục tiêu 2% mà không gây ra tổn thương lớn cho thị trường lao động.
Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát mới nhất đặt ra 2 kịch bản. Một là Fed kỳ vọng lạm phát tiếp tục giảm tốc, nhưng theo kiểu “gập ghềnh” với những cú bật nảy mạnh trong quá trình này. Trong kịch bản như vậy, Fed vẫn có thể giảm lãi suất vào nửa cuối năm với tốc độ chậm.
Kịch bản thứ hai là lạm phát, thay vì giảm tốc zích zắc về 2%, bị mắc kẹt ở mức gần 3%. Nếu không có bằng chứng cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại rõ rệt, tình trạng lạm phát đứng im như vậy có thể buộc Fed loại bỏ hoàn toàn khả năng giảm suất trong năm nay.
“Lạm phát cốt cõi của Mỹ đã giảm. Lạm phát đã cải thiện hơn kỳ vọng vào một năm trước nhưng tiến triển ít hơn những gì mọi người mong đợi trong 3 tháng trước”, Jason Furman, nhà kinh tế của Đại học Harvard, nói.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Fed không thể thực hiện bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào trong năm nay và điều gì sẽ xảy ra nếu các nhà đầu tư sai lầm khi đặt quá nhiều niềm tin vào Fed có thể điều khiển nền kinh tế “hạ cánh mềm”, với lạm phát được kiểm soát mà không khiến tăng trưởng sụp đổ và gây thất nghiệp hàng loạt?
“Thị trường chứng khoán Mỹ đã được định giá dựa trên kích bản nền kinh tế hạ cánh nhẹ nhàng. Nếu chúng ta gặp phải làn sóng lạm phát thứ hai hoặc tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, dẫn đến suy thoái kinh tế thì thị trường sẽ bị bán tháo mạnh”, Peter Berezin, giám đốc chiến lược toàn cầu của BCA Research nói.
Nhà đầu tư trái phiếu chuẩn bị cho kịch bản không giảm lãi suất
Theo FactSet, các hợp đồng tương lai về lãi suất liên bang cho thấy, các nhà giao dịch đặt cược lãi suất cuối năm ở mức khoảng 5%. Điều này ngụ ý rằng, Fed chỉ tiến hành 1 hoặc 2 đợt giảm lãi suất 25 cơ điểm cơ bản trong năm nay. Hồi tháng 1, các nhà giao dịch kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 6 hoặc 7 đợt.
Hôm 10-4, nhiều nhà dự báo ở Phố Wall rút lại dự đoán Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6 hoặc các quan chức Fed sẽ thực hiện ba 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay. Các nhà kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs (NYSE:GS) và ngân hàng UBS giờ đây dự đoán, Fed sẽ tiến hành 2 đợt giảm lãi suất lần lượt bắt đầu vào tháng 7 và tháng 9. Các nhà phân tích của ngân hàng Barclays thậm chí dự đoán Fed chỉ thực hiện 1 đợt giảm lãi suất vào tháng 9.
Blake Gwinn, nhà chiến lược lãi suất của RBC Capital Markets, cho rằng, nếu kịch bản Fed bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6 không diễn ra, đợt cắt giảm đầu tiên sẽ dễ dàng bị lùi tới tháng 12.
Trên thị trường trái phiếu, các nhà giao dịch đang đặt cược rằng, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vượt 5% trong kịch bản Fed không giảm lãi suất trong năm nay.
Công ty quản lý tài sảnSchroders (Anh) đang bán khống trái phiếu Mỹ ở các kỳ hạn 2, 5 và 10 năm vì nhận thấy tình hình lạm phát cao dai dẳng sẽ làm tăng nguy cơ Fed duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
Nhà đầu tư bán khống trái phiếu khi đặt cược giá sẽ giảm, đồng nghĩa với lợi suất tăng lên (giá trái phiếu di chuyển nghịch chiều với lợi suất). Schroders đang dự đoán khả năng Fed không cắt giảm lãi suất trong năm nay, một kịch bản sẽ đẩy tăng lợi suất trái phiếu
“Tôi không nghĩ lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 5% hoặc cao hơn là điều không thể xảy ra”, Kellie Wood, Phó giám đốc bộ phận thu nhập cố định của chi nhánh Schroders ở Sydney (Úc) nói.
Trong khi đó, Pacific Investment Management Co. (Mỹ) dự đoán, Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ chậm hơn các ngân hàng trung ương lớn khác và có xác suất nhỏ Fed không giảm lãi suất trong năm nay.
Ben Emons, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao của Newedge Wealth cho biết, công ty ông đang xem xét kịch bản Mỹ không cắt giảm lãi suất trong năm nay. Khi thị trường tập trung vào rủi ro lạm phát mới, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đang chuẩn bị tăng trở lại ở mức 5,3 %, cao nhất kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
“Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn có rủi ro tăng lên. Tôi nhận thấy có 75% xác suất Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9 và 25% xác suất Fed không giảm lãi suất trong năm nay”, Kiyoshi Ishigane, giám đốc quỹ tại Mitsubishi UFJ Asset Management, nói và cho biết, với các dữ liệu kinh tế liên tục mạnh mẽ, lạm phát của Mỹ có thể kéo dài dai dẳng.
Lê Linh (Theo WSJ, Bloomberg)