Như vậy, sau 7 tháng rưỡi ngồi ghế cổ đông lớn tại An tường An, Chứng khoán APG phải trả cái giá bằng khoản lỗ 51% so với giá trị mua vào. CTCP Chứng khoán APG (Mã APG - HOSE) vừa thông báo đã bán ra toàn bộ gần 2,3 triệu cổ phiếu ATG (chiếm 15% vốn) của CTCP An Tường An (Mã ATG - UPCoM).
Giao dịch được thực hiện ngày 28/10/2022. Sau giao dịch, APG không còn là cổ đông lớn tại An Tường An. Tính theo giá kết phiên 28/10 ở mức 3.300 đồng, gia dịch của APG có giá trị 7,5 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, APG đã hoàn tất mua vào số cổ phiếu trên từ ngày 25/3/2022. Ghi nhận trong phiên này, ATG phát sinh giao dịch thỏa thuận khối lượng bằng với lượng giao dịch 2,3 triệu cổ phiếu có giá trị hơn 13 tỷ đồng - tương ứng bình quân 6.700 đồng/cổ phiếu.
Trước thời điểm Chứng khoán APG mua vào, cổ phiếu ATG đẵ tăng tới 67% chỉ sau 1 tháng. Sau khi APG mua vào, cổ phiếu ATG tăng trần thêm 2 phiên nữa và đạt đỉnh 8.500 đồng trước khi bắt đầu chuỗi giảm sàn và lao dốc về hiện tại.
Như vậy, sau 7 tháng rưỡi ngồi ghế cổ đông lớn tại An tường An, Chứng khoán APG phải trả cái giá bằng khoản lỗ 51% so với giá trị mua vào.
Được biết ông Võ Quý Lâm - người vừa được bổ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc - người đại diện pháp luật của An Tường An đang đồng thời giữ vị trị Thành viên HĐQT Chứng khoán APG.
Cá nhân ông Lâm hiện cũng đang sở hữu 1.388.200 cổ phiếu ATG - tương đương 9,12% vốn và là cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp này sau khi APG rời đi. Trước đó ngày 18/3/2022, ông Lâm đã mua vào 690.000 cổ phiếu ATG để nâng sở hữu lên mức hiện tại.
Liên quan đến An Tường An, ngày 8/11 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã thông báo tiếp tục duy trì diện chứng khoán bị hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu ATG do các vấn đề liên quán đến báo cáo tài chính kiểm toán cũng hư ĐHCĐ thường niên.
Về phần Chứng khoán APG, công ty vừa báo lỗ quý 3/2022 thêm 49 tỷ đồng sau khi đã lỗ tới 77 tỷ trong quý trước đó. Đáng chú ý, công ty đang lỗ tự doanh tới hơn 150 tỷ đồng trong đó phần tài sản liên quan đến cổ phiếu DDV của CTCP DAP - VINACHEM (sàn UpCOM) chính là một phần dẫn đến tình trạng này.
Mới nhất, công ty vừa thông báo đăng ký bán toàn bộ 6.781.500 cổ phiếu DDV (tỷ lệ 4,64%) của DAP - VINACHEM theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ ngày 11/11 đến 2/12/2022. Tạm tính với mức giá cổ phiếu DDV kết phiên 10/11 (mức 8.000 đồng), Chứng khoán APG có thể thu về số tiền khoảng hơn 54 tỷ đồng.
Cộng thêm việc APG vừa bán xong 2.283.000 cổ phiếu ATG (tính theo giá phiên 28/10 ở mức 3.300 đồng) - giá trị 7,5 tỷ, ước tính APG sẽ thu về hàng chục tỷ đồng doanh thu tài chính từ thoái vốn và sẽ được ghi nhận trong quý 4 tới. Các khoản lợi này có thể giúp tình hình kinh doanh của công ty chứng khoán này khả quan hơn so với kết quả bết bát các quý gần đây.
Về phần An Tường An, doanh nghiệp ngành kim loại và khai khoáng này đã lỗ 3/4 năm gần nhất vào các năm 2018 - 2019 - 2020 trước khi lãi trở lại hơn 2,8 tỷ đồng trong năm 2021.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, công ty đã lỗ cả 3 quý và tiếp tục trong trạng thái "trắng doanh thu".
Ghi nhận tại báo cáo tài chính quý 3 vừa qua, An Tường An báo lỗ hơn 33 triệu đồng song lỗ 9 tháng ghi nhận ở mức 16,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2021 lãi hơn 6,7 tỷ. Lỗ lũy kế tính đến hết quý 3 tăng lên mức 51 tỷ đồng.
Nguồn báo cáo tài chính quý 3/2022 của ATG
Ghi nhận đến ngày 30/9/2022, vốn chủ sở hữu của công ty giảm về còn gần 107 tỷ đồng; nợ phải trả gần 12 tỷ và tổng tài sản ở mức 119 tỷ đồng - giảm 16 tỷ so với đầu năm trong đó các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 50% tỷ trọng. Đáng chú ý, ATG phải trích lập dự phòng tới hơn 50 tỷ đồng cho khoản mục phải thu ngắn hạn khó đòi.
Công ty cũng đang nợ quá (hơn 3 năm) đối với khoản tiền 1,2 tỷ đồng từ ông Nguyễn Văn Trọng. Theo hợp đồng, đây là khoản vay với lãi suất 0% và được đảm bảo bằng 1 triệu cổ phiếu ATG.
]]>