Vietstock - Dòng vốn tìm tới nơi trú ẩn, lợi suất trái phiếu toàn cầu rớt thảm
Nhà đầu tư lại lũ lượt tìm tới sự an toàn của trái phiếu Chính phủ, đồng thời bán tháo cổ phiếu trong ngày thứ Tư (07/08), qua đó làm trầm trọng thêm làn sóng tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro cao trong tháng 8/2019, khi trader trên khắp thế giới hoảng loạn về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Cũng vì thế, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm - vốn là mức tham chiếu cho lãi suất vay thế chấp và vay mua xe hơi - giảm xuống mức 1.595%, thấp nhất kể từ mùa thu năm 2016. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm rơi xuống 2.12%, gần mức thấp nhất mọi thời đại.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 40 điểm cơ bản so với thời điểm 1 tháng trước đó và chỉ trong tháng 8/2019, lợi suất này giảm hơn 35 điểm cơ bản. Khép lại tháng 7/2019, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động trên ngưỡng 2%. Lợi suất trái phiếu giảm khi nhu cầu trái phiếu gia tăng.
Lợi suất trái phiếu Đức và Anh cũng chạm mức thấp kỷ lục trên diện rộng. Cụ thể, lợi suất trái phiếu Chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm chạm mức thấp nhất mọi thời đại -0.6%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm chạm mức -0.137%, còn kỳ hạn 2 năm là -0.849%.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Anh kỳ hạn 10 năm và 30 năm lần lượt chạm mức 0.432% và 1.081%, cũng thấp nhất mọi thời đại.
Đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng bị đảo ngược một phần, chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 3 tháng và 10 năm gần mức -40 điểm cơ bản. Khoảng cách lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 năm - vốn là chỉ báo sớm về suy thoái - chạm mức 7.4 điểm cơ bản, thấp nhất kể từ ngày 06/06/2007.
Các cuộc đàm phán chính thức giữa Mỹ và Trung Quốc đã đổ vỡ trong vài tuần gần đây sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo Mỹ sẽ áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc từ ngày 01/09. Đến lượt mình, Trung Quốc dọa sẽ đáp trả và cho phép đồng Nhân dân tệ rớt ngưỡng 7 đổi 1 USD - qua đó làm nảy sinh nỗi lo ngại rằng hai quốc gia có thể rơi vào cuộc chiến tiền tệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu nội địa.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thiết lập tỷ giá tham chiếu cho đồng Nhân dân tệ ở mức 6.9996 đổi 1 USD vào ngày thứ Tư (07/08), yếu hơn một chút so với những gì thị trường dự đoán. Bắc Kinh cho phép Nhân dân tệ tăng/giảm tối đa 2% so với tham chiếu. Tỷ giá CNY/USD rất quan trọng vì Nhân dân tệ càng giảm thì hàng hóa Trung Quốc sẽ càng rẻ khi xuất khẩu.
Điều này diễn ra sau khi Mỹ tuyên bố rằng Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ - một bước đi chưa từng xảy ra kể từ thời chính quyền Tổng thống Bill Clinton. Và căng thẳng Mỹ-Trung cũng vì thế mà leo thang.
Lợi suất giảm mạnh vào ngày thứ Tư sau khi các ngân hàng trung ương ở Ấn Độ, New Zealand và Thái Lan gây bất ngờ bằng các đợt hạ lãi suất, gia nhập vào làn sóng chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng trên toàn cầu.
Ngân hàng Trung ương New Zealand hạ lãi suất 0.5 điểm phần trăm xuống 1%, giảm mạnh hơn dự báo. Tương tự, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cũng hạ lãi suất bớt 0.35 điểm phần trăm xuống 5.4%, lần giảm lãi suất thứ 4 của năm 2019.
Vũ Hạo (Theo CNBC)