Vietstock - Dịch Covid-19 và sự cố kênh đào Suez phơi bày hàng loạt rủi ro
Thương mại toàn cầu đang bị đe dọa bởi hàng loạt rủi ro địa chính trị. Cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19 và vụ tắc nghẽn tại kênh đào Suez đã phơi bày điều đó.
"Chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 2021", nhà báo John Bolton viết trên Bloomberg.
Kênh đào bị một tàu container Ever Given khổng lồ chắn ngang trong gần một tuần. Hàng trăm tàu thuyền kẹt cứng hai bên bờ kênh. Chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào trạng thái căng thẳng. Các chủ tàu, chủ hàng đứng ngồi không yên.
Nguyên nhân của sự cố lần này là gió lớn và bão bụi. "Nhưng không ai có thể coi thường lời nhắc nhở mà 'vụ tắc nghẽn' đem đến. Đó là những cảnh báo về rủi ro địa chính trị đối với thương mại toàn cầu", ông Bolton nhận định.
Tàu Ever Given khi bị mắc cạn tại kênh đào Suez. Ảnh: Reuters.
|
Quá phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc
Hơn bao giờ hết, hàng loạt rủi ro đối với chuỗi cung ứng toàn cầu đang được phơi bày sau cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19 và sự cố tại kênh đào Suez. Theo cây bút của Bloomberg, trong nhiều thập kỷ qua, đầu tư nước ngoài và sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng ở Trung Quốc gia tăng mạnh.
Những đòn trừng phạt mạnh tay của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Trung Quốc không đơn thuần là một cuộc chiến thương mại. Chúng còn cho thấy những thách thức đối với thương mại toàn cầu.
Một số công ty đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á, Ấn Độ và những nước khác. Xu hướng đó ngày càng được đẩy mạnh.
Theo ông Bolton, từ hành vi gián điệp tài chính và công nghiệp, trộm cắp tài sản trí tuệ, đối xử không công bằng với các doanh nghiệp nước ngoài đến chính sách Tân Cương, Trung Quốc đang trở thành một nơi ngày càng rủi ro về kinh doanh.
Rõ ràng, rủi ro địa chính trị đang gia tăng mạnh. Để giảm thiểu sự gián đoạn, các chính phủ và doanh nghiệp cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng và phương thức vận chuyển. Nhà báo John Bolton tại Bloomberg |
Và khi xung đột giữa Trung Quốc và các nước phương Tây tiếp tục leo thang, việc phụ thuộc vào nguồn cung ứng ở đất nước tỷ dân ngày càng trở nên nguy hiểm hơn.
Thêm vào đó, Trung Quốc đang tạo ra các "điểm nghẹt thở" (choke point) chính trị riêng. Bắc Kinh xây dựng phi pháp các căn cứ hải quân và không quân trên các đảo và bãi đá ngầm tại Biển Đông. Tại Biển Hoa Đông, Trung Quốc gây sức ép lên Đài Loan và thách thức Nhật Bản về chủ quyền.
Ông Bolton nhận định các hành vi đe dọa sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và những quốc gia Đông Nam Á khác.
"Rõ ràng, rủi ro địa chính trị đang gia tăng mạnh. Để giảm thiểu sự gián đoạn, các chính phủ và doanh nghiệp cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng và phương thức vận chuyển, đồng thời tránh những 'điểm nghẹt thở' về địa lý hoặc chính trị, tự nhiên hoặc nhân tạo", nhà báo của Bloomberg nhấn mạnh.
Đa dạng hóa sản xuất và vận chuyển
Khi thương mại giữa châu Á, nhất là Trung Quốc, và châu Âu phát triển, sự phụ thuộc vào "điểm nghẹt thở" Suez ngày càng đáng kể. Tuy nhiên, kênh đào Suez chỉ là một trong 14 vị trí án ngữ, hay "điểm nghẹt thở" quan trọng đối với thương mại toàn cầu.
Theo danh sách vị trí án ngữ được các nhà nghiên cứu của Chatham House đưa ra hồi năm 2017, tám điểm nằm trên biển bao gồm eo biển Hormuz, eo biển Malacca, kênh đào Panama, kênh đào Suez, eo biển Thổ Nhĩ Kỳ và eo biển Bab al-Mandab. Tất cả đều phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng.
Theo nghiên cứu, kênh đào Panama đã gặp tai nạn và bị tắc nghẽn 5 lần kể từ năm 2010, eo biển Thổ Nhĩ Kỳ gặp sự cố 6 lần trong vòng 8 năm qua. Riêng kênh đào Suez chứng kiến 8 lần tắc nghẽn tính từ năm 2010, trong đó ít nhất 4 lần do gió lớn và bão bụi khiến tàu mất kiểm soát. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự cố của tàu Ever Given.
UAE đã thể hiện tầm nhìn xa bằng cách xây dựng một đường ống dẫn dầu đi qua eo biển Hormuz. Đường dầu khí Đông - Tây, chạy từ tỉnh phía Đông của Saudi Arabia đến Yanbu trên Biển Đỏ, cũng được thiết kế để tránh eo biển Hormuz.
Kênh đào Suez chỉ là một trong 14 "điểm nghẹt thở" quan trọng đối với thương mại toàn cầu. Ảnh: CNES.
|
Theo ông Bolton, Trung Đông ngày nay nên xem xét xây dựng đường ống và các phương thức vận chuyển khác qua Jordan đến bờ biển Địa Trung Hải của Israel. Ông cho rằng Iran có thể đã cân nhắc đến một lộ trình thay thế để vận chuyển dầu.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt xuyên Trung Á hoặc Nga đến châu Âu. Điều đó giúp giảm phụ thuộc vào những con tàu container khổng lồ đi qua các "điểm nghẹt thở" như kênh đào Suez.
Ngoài ra, ông Bolton nhận định các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu nên tập trung đầu tư và sản xuất nhiều hơn ở Tây Bán cầu thay vì Trung Quốc. Nếu lựa chọn được những điểm đến đầu tư phù hợp, rủi ro chính trị của họ sẽ giảm đi đáng kể, chưa tính đến chi phí vận chuyển và các tổn thất trong quá trình vận chuyển.
"Có lẽ trong cái rủi của cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 2021, có một cái may nhỏ. Đó là các chính phủ và doanh nghiệp nhìn thấy rõ những rủi ro toàn cầu mới mà họ đang phải đối mặt", nhà báo John Bolton kết luận.
Thảo Cao