Vietstock - Công ty mẹ Uniqlo theo chân các hãng thời trang rời khỏi Myanmar
Các nhà bán lẻ quần áo toàn cầu như Fast Retailing - công ty mẹ của Uniqlo - và gã khổng lồ Marks & Spencer đã lên kế hoạch chấm dứt hoạt động sản xuất gia công tại Myanmar vì những lo ngại về nhân quyền và lao động cũng như đối mặt với những khó khăn khác trong quá trình vận hành.
Việc quân đội tiếp quản Myanmar từ tháng 2/2021 đã thúc đẩy làn sóng rời đi của các công ty nước ngoài, nhất là những công ty có liên doanh với các đối tác trong nước có liên kết với quân đội.
Trong bối cảnh đó, các thương hiệu quần áo là một ngoại lệ. Họ vẫn tiếp tục gia công sản xuất tại các nhà máy nhỏ ở quốc gia Đông Nam Á này và duy trì công ăn việc làm cho những người có thu nhập thấp. Thế nhưng, chính vì không thể cải thiện được mức lương tối thiểu và trợ cấp thôi việc theo quy định của nước sở tại, một số công ty đã và đang rời khỏi Myanmar.
Gần đây nhất là quyết định rời đi của Fast Retailing. Hãng thời trang này đang loại các đối tác tại Myanmar khỏi danh sách các nhà máy may mặc và gia công. Công ty sở hữu thương hiệu Uniqlo còn thuê ngoài sản xuất áo khoác và áo sơ mi cho GU - một thương hiệu khác của công ty. Tuy nhiên, mối quan hệ sản xuất này sẽ kết thúc với các sản phẩm thu đông 2023, công ty Nhật Bản này cho hay.
Việc chấm dứt này được dự kiến sẽ có tác động nhất định đối với Fast Retailing. Công ty Nhật Bản này có hơn 430 đối tác sản xuất trên toàn thế giới tại các quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam.
Ryohin Keikaku, công ty Nhật Bản sở hữu chuỗi cửa hàng đồ gia dụng mang nhãn hiệu Muji, cũng dự kiến chấm dứt việc nhập hàng từ Myanmar vào tháng 8 tới.
Marks & Spencer của Anh hồi năm ngoái thông báo sẽ rời Myanmar vào tháng 3 năm nay. Nhà bán lẻ này cho rằng công ty không “dung thứ cho bất kỳ hành vi vi phạm nhân quyền nào trong bất cứ bộ phận nào trong chuỗi cung ứng”.
Thương hiệu bán lẻ thời trang châu Âu Primark cũng cho biết sẽ rời khỏi Myanmar. Trước tình hình ngày càng tồi tệ, "chúng tôi cho rằng lựa chọn duy nhất của chúng tôi là bắt đầu hướng tới việc rời khỏi đất nước này một cách có trách nhiệm", công ty này cho biết.
Điều kiện nơi làm việc tại Myanmar vẫn chưa cải thiện. Kể từ năm 2019, mức lương tối thiểu chi trả cho công nhân làm việc tại nhà máy vẫn ở mức 4,800 Kyat/ngày (tương đương 1.68 USD theo tỷ giá thị trường). Theo một báo cáo từ Sáng Kiến Thương Mại Có Đạo Đức của Anh - một liên minh giữa các doanh nghiệp, công đoàn và các tổ chức phi Chính phủ, các thành viên công đoàn không thể thương lượng một cách an toàn với chủ doanh nghiệp.
Tình trạng mất điện ngày càng tăng và những sự cố hậu cần cũng gây ra nhiều rủi ro trong khâu quản lý giao hàng.
Một quan chức của một công ty may mặc Nhật Bản cho biết. “Dân số Myanmar đông giúp việc tuyển dụng lao động dễ dàng hơn. Thế nhưng, cơ sở hạ tầng điện không ổn định chính là một khó khăn”. Nguồn cung nhiên liệu tại Myanmar trở nên thắt chặt hơn, hầu hết được nhập khẩu, cũng đang trở thành một vấn đề cấp bách.
Đối với các công ty toàn cầu, việc rút khỏi Myanmar một cách có trách nhiệm chính là một thách thức. Một tổ chức công đoàn cho biết, hồi cuối tháng 2 năm nay, 2 nhà máy sản xuất quần áo cho Primark đã đột ngột đóng cửa, khiến 2,200 công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp.
Primark cho biết, việc các nhà cung cấp của công ty Ireland này đóng cửa đột ngột như vậy đã vi phạm quy tắc ứng xử của công ty. Đồng thời, Primark lưu ý: “Chúng tôi hiện xác nhận rằng tất cả công nhân sẽ được trả lương đầy đủ".
Đa số các công ty đều cố gắng tìm cách ở lại Myanmar và cải thiện điều kiện lao động. Liên minh Châu Âu (EU) và Phòng Thương mại Châu Âu tại Myanmar (EuroCham Myanmar) đã thành lập một mạng lưới thúc đẩy mức độ việc làm phù hợp và sẽ tạo ra một khuôn khổ để giám sát điều kiện lao động.
Karina Ufert, Giám đốc điều hành của EuroCham Myanmar, cho rằng: “Việc các thương hiệu ra đi chỉ dẫn đến tình trạng quyền lợi của người lao động ngày càng xấu thêm và góp phần làm tăng tỷ lệ thất nghiệp."
Xuất khẩu quần áo tại Myanmar gia tăng trong bối cảnh đồng Kyat yếu hơn. Trong năm 2022, cả EU, Nhật Bản và Mỹ đều ghi nhận mức nhập khẩu cao nhất kể từ năm 2011.
Các nhà bán lẻ thời trang như Inditex của Tây Ban Nha với thương hiệu chính là Zara, H&M của Thụy Điển vẫn tiếp tục tìm nguồn hàng từ Myanmar.
Người phát ngôn của H&M cho biết: “Trong tình hình hiện tại, chúng tôi rất lưu tâm đến một thực tế đó là nhiều người ở Myanmar phải dựa vào các công ty nước ngoài để kiếm sống. Công ty chúng tôi không đưa ra bất kỳ quyết định tức thời nào liên quan đến việc đặt hàng tại Myanmar trong thời gian tới".
Khai Tâm (Theo Nikkei Asia)