Vietstock - Chứng khoán Trung Quốc trước viễn cảnh chạm đáy 5 năm
Chỉ số CSI 300 đã có thời điểm giảm tới 1,2% trong phiên giao dịch ngày 9/9, đánh dấu mức giảm hơn 13% so với mức cao nhất trong năm nay được ghi nhận vào tháng Năm.
Màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán Hang Seng tại Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
|
Chứng khoán Trung Quốc đang trên đà giảm và được dự đoán sẽ chạm mức thấp nhất 5 năm vào tháng Hai năm sau, khi tâm lý bi quan bao trùm thị trường trong bối cảnh lợi nhuận doanh nghiệp kém khả quan và đà phục hồi kinh tế yếu.
Chỉ số CSI 300 đã có thời điểm giảm tới 1,2% trong phiên giao dịch ngày 9/9, đánh dấu mức giảm hơn 13% so với mức cao nhất trong năm nay được ghi nhận vào tháng Năm.
Nếu giảm hơn nữa, chỉ số này sẽ xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ đầu năm 2019. Diễn biến này cho thấy những nỗ lực chính sách nhiều năm qua để hồi sinh nền kinh tế và hỗ trợ giá cổ phiếu dường như không có nhiều tác dụng.
CSI 300 là chỉ số chứng khoán tính theo giá trị vốn hóa thị trường của 300 cổ phiếu loại A (những cổ phiếu được giao dịch bằng nhân dân tệ) được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến.
Trước đó, chỉ số CSI 300 đã tăng 16% từ tháng Hai đến giữa tháng Năm, khi các quỹ nhà nước mua hàng tỷ USD cổ phiếu của các quỹ hoán đổi danh mục, và các cơ quan quản lý đã hạn chế các giao dịch bán khống và giao dịch định lượng (phương pháp giao dịch sử dụng các thuật toán và phần mềm máy tính).
Giảm gần 7% từ đầu năm đến nay, CSI 300 nằm trong số những chỉ số có hiệu suất kém nhất thế giới và đang hướng tới chuỗi giảm điểm kỷ lục bốn năm liên tiếp.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang mắc kẹt trong một chu kỳ mà cổ phiếu sẽ giảm xuống các mức thấp mới sau một đợt phục hồi ngắn hạn nhờ tâm lý lạc quan.
Các chính sách kích thích nhỏ giọt của chính phủ đã không thể vực dậy niềm tin của thị trường, khi áp lực giảm phát, hoạt động tiêu dùng yếu và những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản đã làm giảm hy vọng về sự phục hồi kinh tế.
Ngay cả những tổ chức lâu nay vẫn có nhận định tích cực về Trung Quốc như UBS Global Wealth Management, Nomura Holdings Inc. và JPMorgan Chase & Co (NYSE:JPM). cũng đã hạ mức đánh giá chứng khoán của nước này trong những tuần gần đây, do những lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu, các biện pháp kích thích thiếu hiệu quả của chính phủ và tình hình căng thẳng địa chính trị trước cuộc bầu cử của Mỹ.
Đà sụt giảm của thị trường chứng khoán diễn ra khi nhiều ngân hàng lớn trên thế giới ngày càng đồng thuận rằng kinh tế Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay.
Trong “đòn giáng” mới nhất vào tâm lý của thị trường, giá tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng ít hơn dự đoán trong tháng trước, cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang gặp khó khăn trong việc kích thích hoạt động chi tiêu của các hộ gia đình./.
Khánh Ly