Vietstock - Chán cảnh phong tỏa, giới ngân hàng và quản lý quỹ tìm cách rời Thượng Hải
Các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ở Thượng Hải đang chuẩn bị quay trở lại Hong Kong (Trung Quốc) và các trung tâm nước ngoài khác.
Ảnh minh họa: Reuters
|
Nguyên nhân là đợt phong tỏa phòng chống COVID-19 khắc nghiệt ở Thượng Hải đã làm ảnh hưởng đến triển vọng kinh doanh và xáo trộn cuộc sống hàng ngày của họ.
Theo hãng tin Reuters, hàng nghìn người trong giới ngân hàng, thương nhân và nhà đầu tư tại Thượng Hải - trung tâm tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - buộc phải ở trong nhà, thậm chí một số người còn phải chật vật tìm mua thức ăn và các nhu yếu phẩm khác cho gia đình.
Nhiều người cho biết đợt phong tỏa kéo dài 4 tuần qua tại thành phố 26 triệu dân này đã bắt đầu ảnh hưởng đến các giao dịch tài chính tiềm năng, trong đó một số giao dịch bị tạm dừng do những khó khăn về hậu cần.
Ông Melvyn Xu, một nhà đầu tư cổ phần tư nhân chuyển đến Thượng Hải từ Hong Kong vào cuối năm 2020, cho biết: “Những gì xảy ra ở Thượng Hải gây sốc cho hầu hết mọi người. Ít ai có thể tưởng tượng được mọi thứ lại vượt ra ngoài tầm tay tới mức độ đó”.
Ông Xu đang chờ đợi giới chức Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế di chuyển giữa đại lục và Hong Kong, đồng thời đang cân nhắc gửi các con trở lại các trường ở Hong Kong, đồng thời sắp xếp các mối quan hệ liên quan tới Thượng Hải xuống mức chỉ là chỗ làm việc.
Làn sóng rời bỏ sẽ làm tổn hại đến tham vọng trở thành trung tâm tài chính khu vực của Thượng Hải và mang lại tin xấu cho các ngân hàng đầu tư, công ty bảo hiểm và các nhà quản lý tài sản nước ngoài. Những người này đã mở rộng ảnh hưởng tại Thượng Hải trong vài năm qua từ lúc Trung Quốc mở cửa lĩnh vực tài chính.
Ngân hàng Goldman Sachs (NYSE:GS) đang tìm cách bổ sung gần 10 vị trí tại Thượng Hải. JPMorgan đang củng cố đơn vị tại Thượng Hải. Trong khi đó, BlackRock đang bổ sung thêm khoảng 20 nhân viên tại đơn vị ở Thượng Hải.
Tăng trưởng của ngành tài chính đã thu hút nhiều người trong giới ngân hàng, thương nhân và quản lý quỹ chuyển từ Hong Kong và các trung tâm khác đến Thượng Hải để gần hơn với khách hàng và có được kiến thức chuyên môn nhờ làm việc trong các lĩnh vực mới và các giao dịch lớn. Những giấc mơ đó bây giờ dường như đang bị đe dọa.
Ông Jason Tan, giám đốc chuyên về tài sản tại tập đoàn REForce cho biết: “Một khi quá trình phong tỏa này kết thúc, người nước ngoài trong tất cả các ngành sẽ tìm cách xây dựng sự nghiệp mới bên ngoài Trung Quốc”.
Các chuyên gia tài chính ở Thượng Hải đã cho biết họ có mối quan ngại sâu sắc về các biện pháp phong tỏa. Ông nói: “Phong tỏa có thể lại xảy ra lần nữa. Lần sau có thể lâu hơn, chặt hơn”.
Về mặt công việc, thách thức lớn nhất đối với giới ngân hàng ở Thượng Hải là họ không thể tiến hành thẩm định tại chỗ đối với các khách hàng đang có kế hoạch niêm yết cổ phiếu hoặc tìm kiếm cơ hội mua bán và sáp nhập. Một chuyên viên đầu tư cấp cao của một ngân hàng châu Âu tạm thời làm việc tại Thượng Hải từ tháng 2 cho biết: “Chúng tôi phải đến nhà máy, xí nghiệp của họ để xác minh mọi thứ. Không thể hoàn thành việc thẩm định kỹ lưỡng trong tình hình này”.
Một nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao có trụ sở tại Thượng Hải cũng nói rằng phong tỏa đã thay đổi sâu sắc, ít nhất là trong ngắn hạn môi trường kinh doanh của thành phố. Người này nói: “Thượng Hải là một trung tâm tài chính và công nghiệp của Trung Quốc, hoạt động như một cỗ máy nhưng hầu như không có sự điều chỉnh nào để duy trì hoạt động của thành phố”.
Từ đầu tháng 4, Thượng Hải bắt đầu áp dụng các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn đợt dịch mới bùng phát và cũng là đợt dịch nghiêm trọng nhất trong 2 năm qua. Ngày càng nhiều người lo ngại việc kéo dài phong tỏa tại thành phố cửa ngõ giao thương quan trọng hàng đầu thế giới sẽ gây thêm áp lực cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn chịu nhiều gián đoạn trong 2 năm dịch bệnh hoành hành.
Thùy Dương