Vietstock - Bitcoin tăng trưởng mạnh do bối cảnh biến loạn
Khủng hoảng tại Ukraine - Nga là lực đẩy cho thị trường tiền số tăng trưởng. Một số chuyên gia cho rằng Bitcoin đang lấy lại vị thế tài sản trú ẩn.
Tình trạng chiến sự thay đổi từng giờ khiến cho bối cảnh thị trường chuyển biến theo. Bitcoin (BTC) từ việc bị bán tháo do những rủi ro tại Ukraine dần lấy lại vị thế là loại tài sản trú ẩn cho các nhà đầu tư. Sự kiện trên được thúc đẩy nhờ vào lệnh cấm đến từ các quốc gia phương Tây nhằm vào Nga.
Mặc cho cuộc đàm phán giữa Ukraine - Nga chưa có kết quả chính thức, thị trường tiền số đã phản ứng tích cực. Bitcoin có lúc chạm mốc 44.600 USD vào tối ngày 1/3, mức cao nhất trong 3 tuần qua khi thị trường tiền số có hiệu suất gây thất vọng, theo dữ liệu từ TradingView.
Các đồng tiền nền tảng khác như Ethereum (ETH), Binance (BNB), Solana (SOL) cũng ghi nhận đà hồi phục. Tính đến rạng sáng 2/3, vốn hóa thị trường chạm mốc 1.880 tỷ USD, theo TradingView.
Rạng sáng ngày 2/3, thị trường tiền số vẫn tiếp tục đà hồi phục. |
Nhiều nhà đầu tư tại Ukraine và Nga quyết định đầu tư vào thị trường tiền số khi một số ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Không chỉ các cá nhân nhỏ lẻ, tổ chức và định chế lớn tại Nga được cho là đang dồn tiền vào Bitcoin.
Lệnh cấm tạo động lực
Đồng rúp của Nga mất giá 30% phần nào do nước này bị chặn khỏi hệ thống thanh toán quốc tế và bối cảnh địa chính trị. Điều này khiến cho người dân Nga đổ xô tìm cách để chuyển tiền của mình sang một loại tài sản khác.
Lượng giao dịch BTC bằng đồng rúp của Nga đã tăng vọt kể từ tháng 5/2021. Ngoài ra, sức mua tiền số bằng đồng hryvnia của Ukraine cũng bứt phá đáng kể, theo Kaiko, công ty dữ liệu về tiền mã hóa.
Tiền số đang trở thành con đường để người dân Ukraine và Nga phòng tránh những lạm phát xảy ra do tình trạng xung đột căng thẳng.
BTC đang có biến động mạnh. Ảnh: Bloomberg. |
“Tôi không cho rằng đây là lý do duy nhất khiến Bitcoin tăng mạnh. Nhưng đây là bằng chứng cho thấy người dân Nga đang chuyển tiền ra nước ngoài”, Mobius, nhà sáng lập quỹ đầu tư Mobius Capital chia sẻ với CNBC.
Theo Ari Redbord, trưởng bộ phận pháp lý tại TRM Labs, công ty nghiên cứu thị trường tiền số cho rằng lượng tiền mà người dân Nga chưa chuyển được qua BTC còn nhiều. “Nga có thể phá vỡ tình trạng tài chính hiện tại nếu họ chuyển toàn bộ tài sản của họ sang tiền số”, ông Redbord nhận định.
Bước ngoặt cho Bitcoin?
Không chỉ nhắm đến các ngân hàng Nga, chính phủ Mỹ dự kiến sẽ đóng băng tài sản được lưu trữ tại Mỹ của các đại gia Nga (oligarchs), theo CNBC.
Lượng giao dịch tăng khủng tại Nga được cho là có sự góp sức của giới siêu giàu. “Bitcoin có thể là tài sản trú ẩn tiềm năng cho các đại gia tại Nga. Tiền số có thể trở thành loại tài sản nắm giữ lâu dài mà không cần lo lắng về tính thanh khoản”, Ipek Ozkardeskaya, chuyên gia phân tích tại ngân hàng Swissquote nhận định.
Độ tương quan giữa BTC và cổ phiếu công nghệ đang giảm dần. Ảnh: Bloomberg. |
Tuy nhiên, việc đầu tư mạnh vào tiền số có thể là con dao hai lưỡi. “Các quốc gia thuộc khối NATO có thể ban hành lệnh cấm đối với tiền số. Một số khu vực bất ổn chính trị khác trên thế giới có thể sẽ mua thêm nhiều BTC để phòng tránh rủi ro”, Katie Talati, trưởng bộ phận nghiên cứu tại công ty quản lý tài sản số Arca bình luận.
Bối cảnh vĩ mô thay đổi hàng giờ tùy theo tình trạng xung đột tại Ukraine khiến cho Bitcoin chỉ trong vài ngày từ loại tài sản có rủi ro cao bỗng quay trở lại là lựa chọn hấp dẫn. “Tình trạng căng thẳng tại Ukraine giúp cho tiền số tách dần khỏi cổ phiếu công nghệ. Mức tăng trưởng trong 2 ngày qua là minh chứng”, Vijay Ayyar chia sẻ với CNBC.
Một số chuyên gia tin rằng Bitcoin vẫn là công cụ hàng đầu để phòng hộ rủi ro. “Trong giai đoạn hiện tại, các nền kinh tế tại châu Âu có nhiều chênh lệch. Kết hợp với sự kiện tại Ukraine là 2 nhân tố lý giải cho dòng tiền đổ vào BTC. Bitcoin có những đặc tính của vàng nếu nhà đầu tư nắm giữ chúng trong dài hạn”, Stephane Ouellette, CEO tại tổ chức tài chính FRNT chia sẻ.
Nhìn chung, thị trường vẫn còn nhiều biến động do tình trạng xung đột tại Ukraine đang căng thẳng. “Rủi ro vẫn có thể xuất hiện, ví dụ như kết quả đàm phán thất bại hoặc Nga tung ra thêm các chiến dịch quân sự lớn. Tương lai vẫn là điều khó đoán trước một cách chính xác”, Yuya Hasegawa, chuyên gia tiền mã hóa tại sàn giao dịch Bitbank nói thêm.
Quốc Tú