🌎 Tham gia cộng đồng hơn 150K nhà đ.tư ở hơn 35 nước & dùng công cụ chọn CP bằng AI để đạt lợi nhuận hàng đầu thị trườngMở Khóa Ngay

Biến chủng Omicron phá vỡ kế hoạch mở cửa khắp châu Á

Ngày đăng 03:08 01/12/2021
Biến chủng Omicron phá vỡ kế hoạch mở cửa khắp châu Á
META
-

Vietstock - Biến chủng Omicron phá vỡ kế hoạch mở cửa khắp châu Á

Một số quốc gia châu Á đang phải tạm dừng kế hoạch nới lỏng hạn chế phòng dịch và mở cửa đón du khách quốc tế trước nỗi lo ngại về biến chủng Omicron.

Nhiều quốc gia trên khắp châu Á mới chỉ bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, cũng như lệnh hạn chế được áp đặt từ đầu đại dịch. Thế nhưng, sự xuất hiện của biến chủng Omicron đang phá vỡ kế hoạch này.

Từ Nhật Bản đến Australia, nhiều nước đang phải điều chỉnh lại kế hoạch mở cửa trước nỗi lo biến chủng mới sẽ thúc đẩy một làn sóng dịch nghiêm trọng, mặc dù có thể mất vài tuần trước khi các nhà khoa học hiểu rõ hơn về mối nguy hiểm tiềm tàng do Omicron gây ra, theo Wall Street Journal.

Các nước siết chặt kiểm soát biên giới

Bắt đầu từ ngày 30/11, Nhật Bản sẽ đóng cửa biên giới đối với người nước ngoài cho đến cuối năm, bao gồm cả với đối tượng là doanh nhân và du học sinh.

Trước đó vài tuần, chính phủ nước này vừa dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với người đến vì mục đích kinh doanh và học tập, sau khi các công ty kêu gọi mở cửa vì lo ngại bị tụt hậu so với nền kinh tế phương Tây sớm nới lỏng hạn chế.

“Đây là một biện pháp phòng ngừa khẩn cấp nhằm tránh tình huống xấu nhất xảy ra”, Thủ tướng Fumio Kishida nói. Ông cho biết các biện pháp chỉ là tạm thời cho đến khi rủi ro từ biến chủng Omicron được xác định rõ ràng hơn.

Nhân viên tại Sân bay Quốc tế Haneda của Tokyo hôm 29/11, thời điểm Nhật Bản vừa công bố cấm tất cả du khách nước ngoài nhập cảnh. Ảnh: AFP.

Australia cũng vừa tuyên bố nước này sẽ hoãn kế hoạch cho phép sinh viên và lao động có tay nghề cao nhập cảnh cho đến ngày 15/12. Kế hoạch đón du khách từ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ bị đình chỉ trong giai đoạn này.

"Đây là quyết định tạm thời và cần thiết dựa trên khuyến cáo y tế, nhằm bảo đảm Australia có thể thu thập thông tin để hiểu hơn về biến chủng Omicron", Thủ tướng Australia Scott Morrison nói sau cuộc họp an ninh khẩn cấp với các quan chức nội các, cho biết đang có những lo ngại về "hiệu quả của vaccine và mức độ lây truyền" ở biến chủng mới.

Australia đã đóng cửa biên giới với người nước ngoài suốt hơn 20 tháng, gây thiếu hụt lao động và tác động nặng đến ngành công nghiệp du lịch.

Cho đến nay, nước này đã ghi nhận 5 ca nhiễm biến chủng Omicron, gồm 4 người ở bang New South Wales đông dân nhất cả nước và một người nhập cảnh ở Vùng lãnh thổ Bắc Australia. Một số trường hợp nhiễm không có triệu chứng, các nhà chức trách cho biết.

Trở ngại cho các nền kinh tế phụ thuộc du lịch

Omicron dường như cũng có khả năng gây ra một trở ngại khác cho các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch tại châu Á.

Hôm 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp Omicron vào danh sách “biến chủng gây lo ngại", báo hiệu cho các cơ quan y tế trên toàn thế giới về rủi ro cao từ chủng mới này.

Ngay lập tức, Singapore, một trong những trung tâm du lịch lớn nhất thế giới, hôm 28/11 cho biết họ sẽ hoãn các tuyến đi lại không kiểm dịch cách ly với một số quốc gia Trung Đông - nơi được xem là điểm nút giao thông quan trọng nối khu vực châu Á với một số quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến chủng mới ở miền Nam châu Phi.

Trong khi đó, từ hôm 28/11, Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, đã mở cửa trở lại biên giới cho khách du lịch vào giữa tháng 10, cũng bắt đầu yêu cầu tất cả du khách nước ngoài phải cách ly một tuần khi nhập cảnh. Thời gian cách ly tăng ba ngày so với yêu cầu trước đó.

Chính phủ Indonesia cho biết động thái này nhằm bảo vệ người dân nước này trước biến chủng Omicron. Trước đó, biến chủng Delta đã gây ra làn sóng dịch nghiêm trọng ở Indonesia vào đầu năm nay, khiến hàng chục nghìn người trên khắp quần đảo thiệt mạng. Tính đến nay, mới chỉ có khoảng 1/3 dân số Indonesia được tiêm chủng đầy đủ.

Thái Lan, quốc gia gần đây đã nới lỏng các hạn chế nhập cảnh để hồi sinh ngành du lịch “xương sống" của đất nước, vào cuối tuần trước cũng cho biết sẽ từ chối nhập cảnh đối với khách đến từ 8 quốc gia Nam Phi bắt đầu từ ngày 1/12.

Thái Lan sẽ từ chối nhập cảnh đối với khách đến từ 8 quốc gia Nam Phi bắt đầu từ ngày 1/12. Ảnh: AP.

“Biến chủng Omicron nhắc nhở chúng ta rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn gắn liền với đại dịch”, Steven Cochrane, nhà kinh tế trưởng của APAC tại Moody's Analytics, cho biết.

Ông Cochrane nhấn mạnh thêm du lịch được cho là một trong những ngành phục hồi chậm nhất trong quá trình phục hồi kinh tế của khu vực. Và câu hỏi liệu các tuyến đường du lịch có nên tiếp tục mở lại trước nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới hay không vẫn còn bỏ ngỏ.

Chiến lược chống dịch của châu Á có thay đổi?

Nhiều quốc gia châu Á đã cố gắng giữ số ca mắc Covid-19 ở mức thấp hơn so với các nước phương Tây trong suốt đại dịch bằng cách kết hợp biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, bao gồm quy tắc kiểm dịch theo quy định của chính phủ, cùng các hạn chế trong cuộc sống hàng ngày.

Tuy nhiên, gần đây, nhiều nước như Singapore và Australia đã cố gắng thiết lập một con đường mới để đối phó Covid-19 như một căn bệnh đặc hữu.

Dẫu vậy, sự xuất hiện của biến chủng mới khiến nhiều người lo ngại kế hoạch này sẽ “trật bánh".

Các nhà lãnh đạo của Singapore và Australia trong những ngày gần đây nhấn mạnh rằng những kế hoạch đó không thay đổi, nhưng họ sẽ tiến hành một cách thận trọng.

Trong bài đăng trên Facebook (NASDAQ:FB) vào hôm thứ 29/11, Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi người dân Australia bình tĩnh và cho biết đất nước đã chuẩn bị tốt với khoảng 87% người trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ.

Ông cho hay chính phủ sẽ tiếp tục làm những gì cần thiết để giữ an toàn cho người dân, nhưng lưu ý rằng đã có hơn mười biến chủng được xác định kể từ khi đại dịch bắt đầu.

“Chúng ta cần học cách sống chung với virus", ông nhấn mạnh.

Các nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm Covid-19 ở Sydney vào hôm 29/11. Ảnh: Shutterstock.

Tại Singapore, vào cuối tuần qua, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết do biến chủng Omicron mà nước này “có thể buộc phải lùi lại một vài bước trước khi có thể tiến thêm về phía trước”. Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo cho hay ông tin tưởng rằng đất nước cuối cùng sẽ thành công trong việc chung sống với virus.

Tại Trung Quốc, quốc gia đã đóng cửa biên giới bất chấp áp lực mở cửa trở lại từ các nhóm kinh doanh, quan chức y tế đã chỉ ra sự xuất hiện của biến chủng mới như một bằng chứng cho thấy tốt hơn là nên đối phó với dịch một cách thận trọng.

CNN nhận định Trung Quốc là nước "đứng nhìn" trong khi các quốc gia khác chật vật thắt chặt kiểm soát biên giới, đơn giản vì biên giới nước này vốn đã đóng kín từ lâu. Trung Quốc có thể bình tĩnh, ít nhất trong lúc này.

“Trung Quốc đang ở trong giai đoạn có cơ hội giành được lợi thế nhờ chiến lược Zero Covid-19 năng động”, Zhang Wenhong, Giám đốc Trung tâm Y tế Quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm, cho biết. "Dựa trên khoa học và sự đoàn kết, chúng tôi có thể đối phó với Delta cũng như Omicron".

Minh An

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.