Vietstock - Đâu chỉ Fed và ông Trump gây rắc rối cho chứng khoán Mỹ
Trong 1 tuần mà chỉ vài từ từ Chủ tịch Fed và Tổng thống Mỹ cũng đủ để khiến thị trường chao đảo, nhà đầu tư dễ kết luận rằng những thông báo của họ là tất cả những gì quan trọng đến chứng khoán Mỹ tại thời điểm này. Tuy nhiên, một yếu tố khác đang bắt đầu thể hiện sức ảnh hưởng: Lợi nhuận doanh nghiệp.
Trong lúc nhà đầu tư “dán mắt” vào từng từ từng chữ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Tổng thống Mỹ, mùa báo cáo lợi nhuận tại Mỹ đang cho thấy các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp vẫn tác động tới thị trường, nhất là khi thị trường đang dao động gần đỉnh. Báo cáo lợi nhuận đáng thất vọng sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường trên thị trường.
Trong số những công ty thuộc S&P 500 đã công bố báo cáo quý 2/2019, cổ phiếu của những công ty không đạt kỳ vọng đều giảm mạnh khoảng 3 điểm phần trăm so với thị trường trong ngày sau đó, dữ liệu từ Goldman Sachs cho thấy. Trong khi đó, cổ phiếu của những công ty có kết quả vượt kỳ vọng lại tăng 1.43 điểm phần trăm. Đây là khoản chênh lệch lớn thứ ba kể từ năm 2012.
Sự phân kỳ về kết quả hoạt động cho thấy ngay cả trong một môi trường mà các yếu tố vĩ mô lên ngôi, việc lựa chọn đúng cổ phiếu vẫn có thể nhận “trái đắng”. Lợi nhuận vẫn chưa mất đi sức ảnh hưởng đến thị trường và việc các công ty hạ dự báo mạnh nhất trong 4 năm cũng là một điều đáng lo ngại.
“Nhà đầu tư đang lo ngại, bối rối và trông chờ lý do để bán ra”, Chris Gaffney, Chủ tịch phụ trách thị trường thế giới tại TIAA Bank, cho biết qua điện thoại. “Nhà đầu tư đã hạ bớt kỳ vọng về lợi nhuận. Khi bạn không thể đáp ứng những kỳ vọng đã được hạ thấp đó, bạn sẽ bị trừng phạt”.
Đây là thông điệp dễ dàng bị bỏ qua nếu bạn chỉ nhìn đến những bề nổi trên thị trường. Nhìn chung, chứng khoán Mỹ gắn liền với những sự thay đổi của chính sách thương mại và tiền tệ. Thật vậy, chỉ số S&P 500 tụt dốc sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell gọi đợt hạ lãi suất trong tuần trước chỉ là “sự điều chỉnh giữa chu kỳ”, đập tan hy vọng về chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Chứng khoán Mỹ lại một phen hoảng hồn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Đám mây lo ngại bao trùm, chứng khoán Mỹ liền ghi nhận tuần giao dịch tệ nhất trong năm 2019.
Giữa lúc đầy rẫy những tín hiệu nhiễu, nhà đầu tư dễ dàng lãng quên tầm quan trọng của lợi nhuận doanh nghiệp. Thế nhưng, phản ứng của thị trường cổ phiếu trước các thông báo từ những nhân vật quan trọng cho thấy thị trường chẳng “bỏ qua” cho bất kỳ công ty nào.
Sau đà giảm của tuần trước, chỉ số S&P 500 vẫn tăng 17% từ đầu năm 2019, mặc dù tăng trưởng về lợi nhuận doanh nghiệp khá ảm đạm và mức định giá tăng nhanh nhất trong 1 thập kỷ. Với hệ số P/E khoảng 16.7 lần so với lợi nhuận dự phóng, chỉ số S&P 500 có định giá cao hơn khoảng 11% so với mức trung bình 10 năm.
Một phần của sự lạc quan này xuất phát từ kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ trở về mức 6% trong quý 4/2019 và đạt 10% trong cả năm 2020, dựa trên dữ liệu từ Bloomberg.
Theo các nhà phân tích của Citigroup và Goldman Sachs, kỳ vọng này có phần hơi lạc quan thái quá. Cả hai ngân hàng đều dự báo tăng trưởng lợi nhuận trong năm sau sẽ không quá 6%.
Nếu ông Trump hiện thực hóa lời đe dọa áp thêm thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tăng trưởng lợi nhuận của các công ty thuộc S&P 500 sẽ giảm 60-70 điểm cơ bản (0.6-0.7 điểm phần trăm) do giá hàng hóa đầu vào tăng lên và niềm tin doanh nghiệp sa sút, theo ước tính của Bank of America.
Các doanh nghiệp đang giảm dự báo lợi nhuận. Theo số liệu do Bloomberg tổng hợp, trong số những doanh nghiệp đã công bố ước tính lợi nhuận quý 2/2019, một nửa đưa ra số thấp hơn ước tính của các nhà phân tích – mức tồi tệ nhất kể từ năm 2015.
Ông Jeff Mortimer, Giám đốc chiến lược đầu tư của BNY Mellon Wealth Management, cho biết thị trường chứng khoán được định giá ở mức cao trong khi lợi nhuận ảm đạm là một rủi ro tiềm tàng không thể bỏ qua.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)