Vietstock - Alibaba đang đàm phán để đầu tư 3 tỷ USD vào Grab
Tập đoàn Alibaba đang đàm phán để đầu tư 3 tỷ USD vào gã khổng lồ đặt xe Grab, dựa trên nguồn tin thân cận.
Ông lớn thương mại điện tử Trung Quốc – nhà đầu tư duy nhất trong vòng đầu tư này – sẽ chi một phần của 3 tỷ USD để mua cổ phiếu Grab từ tay Uber Technologies, dựa trên nguồn tin thân cận. Đây có thể là một trong những thương vụ lớn nhất của Alibaba tại Đông Nam Á kể từ khoản đầu tư vào Lazada trong năm 2016.
Việc liên kết với Grab có thể giúp Alibaba tiếp cận tới dữ liệu của hàng triệu người dùng tại 8 quốc gia, một đôi quân giao hàng ngày càng lớn mạnh cũng như lợi ích từ dịch vụ ví điện tử và tài chính.
Lời đề nghị đầu tư 3 tỷ USD (tương đương 1/5 so với mức định giá 14 tỷ USD của Grab) được đưa ra giữa lúc nhiều chuyên gia hoài nghi về sự hợp lý của mức định giá cao ngất ngưỡng của Grab trong bối cảnh Covid-19.
CEO (HN:CEO) Anthony Tan cho biết Grab đang đối mặt với “cuộc khủng hoảng lớn nhất”, trong khi đồng sáng lập Tan Hooi Ling cảnh báo về một “mùa đông kéo dài” trong tháng 5/2020. Các cổ đông hiện tại cũng tỏ ra bực tức trước cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Grab và Gojek.
Các hãng gọi xe lớn nhất thế giới đã dấn thân vào cuộc chiến “hao công tốn của” kéo dài nhiều năm qua ở nhiều nước khác nhau, trước khi nhất trí không động tới thị trường cốt lõi của đối phương. Thỏa thuận với Grab giúp Uber có được lượng cổ phần trị giá hơn 9 tỷ USD, bao gồm 23.2% cổ phần tại Grab (tính tới cuối năm 2018). Theo các điều khoản của thỏa thuận rút khỏi Đông Nam Á của Uber, Grab sẽ phải đưa Uber khoảng 2 tỷ USD tiền mặt nếu không lên sàn vào giữa năm 2023.
SoftBank của tỷ phú “liều ăn nhiều” – hiện có góp vốn vào tất cả công ty đặt xe lớn nhất thế giới – đang là trung tâm của cuộc đàm phán. Công ty Nhật Bản này đã sử dụng vị thế cổ đông lớn để thúc Uber bán cổ phần tại Grab, Didi Chuxing (Trung Quốc) và Yandex (Nga), dựa trên nguồn tin thân cận. Hồi tháng 4/2020, Uber cho biết sẽ ghi nhận giảm giá trị 2 tỷ USD từ các khoản đầu tư này sau khi đại dịch Covid-19 làm đảo lộn doanh nghiệp gọi xe.
SoftBank cũng thúc Grab “làm lành” với Gojek. Thậm chí khi xuất hiện tin đồn sáp nhập, Grab và Gojek lúc đó vẫn còn lâu mới tiến tới thỏa thuận, dựa trên nguồn tin thân cận. Các cuộc đàm phán bị cản trở bởi mối quan hệ thù địch giữa hai công ty và sự phức tạp của việc hợp tác giữa quá nhiều nhà đầu tư.
JPMorgan Chase đang tư vấn cho Grab và Goldman Sachs tư vấn cho Gojek, dựa trên nguồn tin thân cận. Một kịch bản được bàn tới trong quá khứ là kết hợp mảng vận tải tại Indonesia của hai công ty.
Ngoài lĩnh vực đặt xe, Grab và Gojek cũng cạnh tranh trong tham vọng tạo ra “siêu ứng dụng”, đối đầu trong mảng giao thức ăn và dịch vụ tài chính.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)