Vietstock - Ai gánh chịu chi phí của cuộc khủng hoảng Covid-19?
Báo cáo của Oxfam ghi nhận nhiều tập đoàn lớn vẫn trả tiền cho cổ đông và sa thải người lao động, đẩy chi phí và rủi ro xuống những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Hồi cuối tháng 8, tài sản của ông chủ Amazon Jeff Bezos chạm ngưỡng kỷ lục 202 tỷ USD. Theo báo cáo của Oxfam, người đàn ông giàu nhất thế giới có thể bỏ tiền túi để thưởng cho 876.000 nhân viên của Amazon, mỗi người 105.000 USD, mà vẫn giàu có như thời kỳ đầu đại dịch.
Tỷ phú Jeff Bezos không phải người duy nhất chứng kiến tài sản tăng vọt bất chấp cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19. Sau khi lao dốc hồi đầu năm, thị trường chứng khoán toàn cầu bật tăng phi mã. Giá trị thị trường của 100 cổ phiếu tốt nhất tăng hơn 3.000 tỷ USD kể từ khi dịch bùng phát. Các tập đoàn lớn ăn chia khoản lợi tức khổng lồ với cổ đông.
Trên thực tế, đại dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Câu hỏi đặt ra là ai là những người gánh chịu chi phí khi tài sản của các đại gia tăng kỷ lục.
Cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19 đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp. Ảnh: New York Times.
|
Đẩy chi phí xuống người lao động
"Cuộc khủng hoảng kinh tế mà chúng ta đang gánh chịu đã được thúc đẩy bởi một mô hình kinh tế bất công. Ở đó, các tập đoàn lớn nhất thế giới kiếm hàng tỷ USD và chia sẻ lợi nhuận cho cổ đông và tỷ phú. Còn người gánh chịu chi phí là người lao động có mức lương thấp", Giám đốc điều hành Oxfam International Chema Vera bình luận.
"Tôi có khoảng 6-7 đôi giày thể thao. Mỗi năm tôi mua khoảng 3-4 đôi giày", ông Trần Bằng Việt, nhà sáng lập kiêm CEO (HN:CEO) Công ty Giải pháp Phát triển DongA Solutions, cựu CEO Mai Linh Taxi, chia sẻ.
"Nhưng khi tình hình trở nên khó khăn, thu nhập sụt giảm, tương lai không chắc chắn, chúng ta có thể trì hoãn mua giày mới từ vài tháng đến vài năm, thậm chí đến bao giờ đôi cũ hỏng mới mua đôi mới. Dịch Covid-19 khiến nhu cầu toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng", ông Việt nhấn mạnh.
Nhưng điều đáng nói là không phải các thương hiệu như Nike, Adidas, Coca-cola, mà chính những quốc gia gia công hàng hóa và người lao động tại đây mới là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bởi chi phí về đất đai, trang thiết bị, nguyên vật liệu, nhân công... đè nặng lên doanh nghiệp sản xuất.
Giá chứng khoán vẫn tăng mạnh nhờ hàng loạt gói kích thích kinh tế của các chính phủ. Ảnh: Reuters.
|
Theo báo cáo của Oxfam, 10 thương hiệu may mặc lớn nhất thế giới trả 74% lợi nhuận, tương đương 21 tỷ USD, cho cổ đông bằng cổ tức và mua lại cổ phần năm 2019. Trong khi đó, chỉ riêng năm nay, 2,2 triệu công nhân ở Bangladesh đã bị ảnh hưởng khi các đơn hàng dệt may bị hủy bỏ. Hàng loạt nhà máy đóng cửa đã làm giảm khoảng 3 tỷ USD doanh thu của nước này.
Tại Ấn Độ, hàng trăm công nhân ở đồn điền chè, trong đó có phụ nữ, không được trả lương vì ảnh hưởng của các lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19. Trong khi đó, một số công ty chè lớn nhất cả nước vẫn tăng lợi nhuận hoặc duy trì tỷ suất lợi nhuận nhờ cắt giảm chi phí. Các hoạt động khai thác ở Peru vẫn được triển khai bất chấp nguy cơ lây nhiễm giữa những người lao động.
Riêng tại Việt Nam, theo ông Trần Bằng Việt, các công ty dệt may mà ông tư vấn cho biết họ chỉ có đơn đặt hàng đến tháng 9, trong khi đơn đặt hàng của ngành công nghiệp này thường có trước từ 6 đến 9 tháng. Như vậy, thị trường lao động gần 3 triệu người sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Lợi nhuận của 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới tăng mạnh trong vòng 10 năm trở lại đây. Ảnh: Oxfam.
|
Chỉ trong quý I/2020, khoảng 400 triệu việc làm toàn thời gian trên toàn cầu đã bị loại bỏ. Những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là phụ nữ, người lao động tự do và người lao động có thu nhập thấp.
Báo cáo của Oxfam ghi nhận hơn 100 doanh nghiệp trên khắp thế giới tiếp tục trả tiền cho cổ đông và sa thải người lao động dù nhận gói cứu trợ của chính phủ để bảo vệ việc làm, không đảm bảo an toàn cho người lao động, đẩy chi phí và rủi ro xuống chuỗi cung ứng và kiếm lời từ các chương trình cứu trợ của chính phủ...
Nếu nhà máy và thương hiệu không chịu trách nhiệm, các công nhân không chết vì virus cũng sẽ chết đói. - Nhà hoạt động người Bangladesh Kalopona Akter |
Theo báo cáo này, trong vòng một thập kỷ trở lại đây, lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn không được đầu tư vào năng lực sản xuất của công ty, chẳng hạn như mức lương của nhân viên hoặc chất lượng công việc. Mức lương thấp và điều kiện làm việc tệ hại vẫn là thách thức toàn cầu.
Giờ, khi dịch Covid-19 bùng nổ và kéo dài, các doanh nghiệp tìm cách đẩy rủi ro xuống những đối tượng dễ bị tổn thương trong chuỗi cung ứng, nhất là người lao động.
"Nếu nhà máy và thương hiệu không chịu trách nhiệm, các công nhân không chết vì virus cũng sẽ chết đói. Chúng tôi không yêu cầu (thương hiệu) làm từ thiện, chúng tôi chỉ cần họ trả tiền để công nhân có thể tự mua đồ ăn", nhà hoạt động người Bangladesh Kalopona Akter bình luận.
Doanh nghiệp nhỏ điêu đứng
Trái ngược với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, dịch Covid-19 đang thúc đẩy một xu hướng kinh tế đáng lo ngại hơn. Đó là sự tập trung quyền lực kinh tế vào một số ít tập đoàn lớn.
Ảnh hưởng của các tập đoàn lớn đối với kinh tế, chính trị và xã hội sẽ còn chi phối nhiều hơn nữa trong bối cảnh hậu đại dịch. Điều này không chỉ đặt ra một loạt thách thức về dữ liệu, quyền lao động và thuế, mà còn có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng.
Theo báo cáo của Oxfam, hơn 80% công ty thời trang ở châu Âu và Bắc Mỹ đang gặp khó khăn về tài chính. Một số lượng lớn trượt đến bờ vực phá sản. Lĩnh vực bán lẻ tại châu Âu cũng gặp bất ổn do dịch Covid-19 và đối mặt với làn sóng phá sản hoặc bị mua lại. Đa số việc làm bị mất tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm hơn 70% việc làm ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Tại Brazil, các lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19 đã khiến hơn 500.000 doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa chỉ trong vỏn vẹn 2 tuần. Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính khoảng 436 triệu doanh nghiệp toàn cầu đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Chênh lệch lợi nhuận giữa các tập đoàn hàng đầu trong ngành công nghiệp và những doanh nghiệp nhỏ hơn ngày càng gia tăng. Đồ họa: Nhân Lê.
|
"Dịch bệnh đè nặng lên công việc kinh doanh của chúng tôi. Chỉ riêng việc cho những đứa trẻ ăn gì vào buổi sáng cũng trở nên khó khăn", bà Kadidia Diallo, một phụ nữ làm nghề bán sữa ở Burkina Faso, than thở.
"Chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào việc bán sữa. Khi các chợ bị đóng cửa, chúng tôi không thể bán sữa nữa. Nếu không bán được sữa, chúng tôi không có gì để ăn", bà Diallo tuyệt vọng.
Trên thực tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ bị tổn thương vì họ không có túi tiền đủ lớn để chống đỡ với sự sụt giảm nhu cầu lớn. Thêm vào đó, những doanh nghiệp này thường hoạt động trong các lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như bán lẻ, thực phẩm...
Một cuộc khảo sát đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho thấy gần 50% chỉ có đủ tiền mặt để duy trì hoạt động trong vòng một tháng. Gần 30% dự kiến sa thải hơn một nửa lực lượng lao động.
Hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ trượt đến bờ vực phá sản, kéo theo nhiều lao động mất việc làm. Ảnh: Reuters.
|
Khả năng tiếp cận tín dụng hạn chế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có tác động rõ rệt trong cuộc khủng hoảng. Điều này lý giải việc sau đại dịch, nền kinh tế có nguy cơ bị bỏ lại với một khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ kém sôi động hơn, gây tác động nghiêm trọng lên những người lao động trên toàn cầu.
Trước tình hình này, Oxfam kêu gọi ưu tiên hỗ trợ cho người lao động và các doanh nghiệp nhỏ. Các biện pháp bao gồm thuế lợi nhuận Covid-19 áp trên những khoản lời trong thời kỳ đại dịch.
Về lâu dài, tổ chức yêu cầu những nhà hoạch định chính sách và tập đoàn cân bằng lại, chuyển lợi ích và quyền lực từ các giám đốc điều hành và cổ đông sang người lao động, nhà cung cấp, người tiêu dùng và cộng đồng.
"Chúng ta đang ở một thời điểm quan trọng. Chúng ta phải lựa chọn giữa quay trở lại 'kinh doanh như bình thường' hoặc học hỏi để thiết lập một nền kinh tế công bằng và bền vững hơn", ông Vera tại Oxfam International nhấn mạnh.
Thảo Cao