Vietstock - ADB: Kinh tế châu Á sẽ giảm lần đầu tiên kể từ thập niên 60
ADB dự báo kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 1.8% trong năm 2020
Nhận “đòn đau” từ Covid-19, nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển ở châu Á sẽ giảm lần đầu tiên kể từ đầu thập niên 60, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực châu Á sẽ giảm 0.7% trong năm 2020, thấp hơn dự báo hồi tháng 6/2020 là giảm 0.1%, ADB cho biết trong báo cáo ngày thứ Ba (15/09). Đây sẽ là lần suy giảm đầu tiên của nền kinh tế kể từ năm 1962, Yasuyuki Sawada, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, cho biết trong cuộc họp báo.
“Mối đe dọa kinh tế từ Covid-19 vẫn còn rất lớn, khi những đợt tái bùng phát có thể thôi thúc các chính quyền tái áp đặt biện pháp kiểm soát dịch bệnh”, Sawada nói. Đợt suy yếu trên khắp khu vực đang phát triển tại châu Á hiện có quy mô lớn hơn so với các cuộc khủng hoảng trước đây, trong đó 75% nên fkinh tế trong khu vực đang trên bờ vực suy giảm trong năm nay, ông nói.
Trung Quốc sẽ đi ngược xu hướng hiện tại và được dự báo tăng trưởng 1.8% trong năm nay (không thay đổi so với dự báo tháng 6/2020) khi việc kiểm soát dịch bệnh tương đối thành công dọn đường cho sự trở lại của tăng trưởng, theo ADB. Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo lên mức 7.7% trong năm 2021, tăng từ ước tính 7.4% trước đó.
Bên cạnh đó, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia còn tăng trưởng dương trong năm 2020, dự báo ở mức 1.8%. Tuy vậy, con số này đã giảm so với ước tính 4.1% hồi tháng 6/2020. Bên cạnh đó, ADB cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam xuống 6.3%, từ mức 6.8% hồi tháng 6.
Nguồn: ADB
|
Ở Ấn Độ, nơi các lệnh phong tỏa gây gián đoạn chi tiêu của khối tư nhân, GDP sẽ lao dốc 9% trong năm nay, giảm mạnh so dự báo giảm 4% hồi tháng 6, Ngân hàng này cho biết. Ngoài ra, ADB còn hạ dự báo mạnh với Philippines và Thái Lan, giảm tương ứng 7.3% và 8% trong năm nay.
Tăng trưởng ở khu vực đang phát triển châu Á – một khu vực có loại trừ những quốc gia phát triển như Nhật Bản, Australia và New Zealand – sẽ hồi phục lên mức 6.8% trong năm 2021, một phần là do được so với một năm 2020 yếu ớt, Sawada cho biết. Tuy vậy, con số này vẫn thấp hơn mức dự báo hồi trước đại dịch Covid-19, tức ngụ ý đà hồi phục chỉ “mới diễn ra một phần chứ không hoàn toàn”.
Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh “dường như tác động đến thành tích tăng trưởng” và nếu đại dịch kéo dài, rủi ro tác động tới hoạt động kinh tế năm 2020 và 2021 vẫn còn đó, ông nói.
Ngoài ra, góp thêm trong danh mục rủi ro tác động tới tăng trưởng còn có căng thẳng thương mại và công nghệ Mỹ-Trung và những bất ổn tài chính giữa đại dịch, ông Sawada nhận định.
Theo vị chuyên gia tại ADB, các chính sách tập trung vào bảo vệ đời sống và kế sinh nhai của người dân đóng vai trò quan trọng để duy trì đà hồi phục bền vững trong khu vực châu Á.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)