Vietstock - 5 yếu tố khủng hoảng khiến kinh tế thế giới thiệt hại 25.000 tỷ USD mỗi năm
Theo báo cáo của IPBES, khoảng 50% dân số toàn cầu hiện đang sống ở những khu vực bị suy giảm mạnh nhất về đa dạng sinh học, nguồn nước và an ninh lương thực.
Khí thải bốc lên từ một lò đốt rác thải ở Pháp. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
|
Trong thập niên tới, kinh tế thế giới sẽ thiệt hại 25.000 tỷ USD mỗi năm do môi trường bị hủy hoại. Đây là kết quả nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng chung đối với mức sống toàn cầu của 5 yếu tố gồm đa dạng sinh học, nước, lương thực, sức khỏe và biến đổi khí hậu.
Báo cáo của Nền tảng Khoa học-Chính sách Liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái (IPBES) chỉ ra cả 5 yếu tố trên đều đang trong tình trạng khủng hoảng, và việc tách rời, giải quyết riêng rẽ các thách thức này sẽ khiến bức tranh toàn cầu trở nên tồi tệ hơn.
Cụ thể, theo nghiên cứu, đa dạng sinh học toàn cầu đã suy giảm 2-6% mỗi thập niên trong 30-50 năm qua. Khoảng 50% dân số toàn cầu hiện sống ở những khu vực bị suy giảm mạnh nhất về đa dạng sinh học, nguồn nước và an ninh lương thực. Đây cũng là những khu vực chịu những tác động tồi tệ nhất từ biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh 58.000 tỷ USD, tương đương hơn 50% tổng sản phẩm toàn cầu năm 2023, được tạo ra trong các lĩnh vực phụ thuộc đáng kể hoặc phần lớn vào tự nhiên, báo cáo đánh giá nền kinh tế thế giới sẽ sụt giảm 10.000-25.000 tỷ USD mỗi năm do các tác động tiêu cực của ngành nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và thủy sản đối với đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, nước và sức khỏe.
Báo cáo - do hơn 100 chuyên gia hàng đầu từ 42 quốc gia trong nhiều khu vực tham gia biên soạn trong ba năm - kêu gọi những thay đổi cơ bản sâu sắc trên toàn hệ thống để ứng phó với các cuộc khủng hoảng mất đa dạng sinh học và sụp đổ của các hệ sinh thái.
Báo cáo đưa ra hơn 70 phương án ứng phó có thể kể đến như khôi phục rừng và đất ngập nước, giảm tình trạng tiêu thụ quá nhiều thịt, giảm ô nhiễm thuốc trừ sâu và nhựa, cải thiện biên giới đất liền-biển, hỗ trợ hệ thống bảo tồn và lương thực bản địa, khuyến khích hợp tác xuyên biên giới về quản lý nước…
Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh điều quan trọng của các giải pháp là phải đáp ứng cùng lúc cả 5 yếu tố để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng tác giả của báo cáo, Giáo sư Paula Harrison thuộc Viện nghiên cứu Trung tâm Sinh thái và Thủy văn Vương quốc Anh, cho biết “không thể giải quyết bền vững bất kỳ vấn đề nào trong số chúng mà không xem xét đến những vấn đề khác."
Báo cáo đưa ra ví dụ việc tăng cường sản xuất lương thực bằng mọi giá có thể nuôi sống nhiều người hơn trong ngắn hạn; nhưng quá nhiều hoạt động canh tác không bền vững có thể ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, nguồn cung cấp nước và đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu.
Do đó theo báo cáo, cần những thay đổi cơ bản sâu sắc trên toàn hệ thống để ứng phó với các cuộc khủng hoảng đang cùng xảy ra này và ngăn chặn sự sụp đổ của các hệ sinh thái./.
Khánh Ly