Vietstock - 32 giờ quyết định của các ngân hàng trung ương Fed, BoJ và BoE
Trong tuần này, thế giới tài chính đang hướng mắt về ba cuộc họp quan trọng của các ngân hàng trung ương lớn tại Tokyo, Washington và London. Đây là chuỗi sự kiện kéo dài 32 giờ có thể định hình lại bức tranh kinh tế toàn cầu trong những tháng tới.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đang đứng trước quyết định quan trọng: Liệu có nên thắt chặt sau nhiều năm duy trì chính sách siêu nới lỏng? Thống đốc Kazuo Ueda, với sự im lặng đáng chú ý trước thềm cuộc họp, đang khiến thị trường đoán già đoán non. Đồng yên đã tăng giá 5% so với USD kể từ giữa tháng 7, phản ánh kỳ vọng về một bước ngoặt chính sách.
Việc ông Ueda không hành động sẽ khiến những người tin tưởng vào đồng yên dễ bị tổn thương, đặc biệt nếu các nhà hoạch định chính sách cũng làm thất vọng kỳ vọng về việc cắt giảm đáng kể việc mua trái phiếu.
Charu Chanana, Trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối tại Saxo Capital Markets, nhận định: "Kỳ vọng BoJ sẽ tăng lãi suất và điều chỉnh việc mua trái phiếu trong cùng một cuộc họp có vẻ quá tham vọng đối với một ngân hàng vốn theo xu hướng nới lỏng”.
Tại Mỹ, mọi ánh mắt đổ dồn vào Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Thị trường đang đặt cược vào ít nhất 2 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, với kỳ vọng đợt đầu tiên có thể diễn ra vào tháng 9. James Knightley, Chuyên gia kinh tế trưởng quốc tế tại ING, cho rằng: "FOMC sắp tới sẽ đặt nền móng cho việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9, khi Fed chuyển từ chính sách thắt chặt sang một lập trường trung lập hơn”.
Một số nhà quan sát thị trường - từ cựu Chủ tịch Fed New York William Dudley đến Chuyên gia kỳ cựu Mohamed El-Erian - thậm chí đã đưa ra lý do cho việc nới lỏng tích cực hơn so với những gì hiện đang được kỳ vọng.
Trong các bài gần đây trên Bloomberg Opinion, ông Dudley nói rằng Fed nên xem xét giảm lãi suất ngay trong tháng 7, còn ông El-Erian cảnh báo về một "sai lầm chính sách" nếu Fed giữ lãi suất quá cao trong thời gian quá dài.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đang đứng trước một quyết định khó khăn. Mặc dù lạm phát đã giảm xuống mục tiêu 2%, nhưng áp lực giá cả trong lĩnh vực dịch vụ vẫn ở mức cao. Thị trường đang chia rẽ về khả năng BOE sẽ cắt giảm lãi suất từ mức hiện tại 5.25%.
Kể từ cuộc bầu cử tháng 7, ba trong số những người theo chủ trương thắt chặt của Ủy ban Chính sách Tiền tệ đã đưa ra lý do chống lại việc nới lỏng. Chỉ có một trong hai quan chức theo chủ trương nới lỏng đã đưa ra lập luận ngược lại.
Bất kể kết quả như thế nào, quyết định này có khả năng sẽ tác động đến trái phiếu và đồng Bảng Anh. Vào ngày 26/07, thị trường cược khoảng 50% BoEE cắt giảm 0.25 điểm phần trăm trong tuần này.
Orla Garvey, Chuyên gia quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Federated Hermes Limited, nhấn mạnh: "Cuộc họp BoE vào ngày 01/08 rất quan trọng và đi kèm với các dự báo cập nhật”.
Những quyết định này không chỉ ảnh hưởng đến các đồng tiền chủ chốt như Yên Nhật, USD và Bảng Anh, mà còn có tác động sâu rộng đến thị trường trái phiếu và cổ phiếu toàn cầu. Đặc biệt, đồng Bảng Anh đang là đồng tiền có hiệu suất tốt nhất trong nhóm G-10 năm nay, với các dự báo lạc quan về khả năng tăng giá trong thời gian tới.
Wong Kok Hoong, Trưởng bộ phận giao dịch cổ phiếu tổ chức tại Maybank Securities Pte. ở Singapore, tóm tắt tâm trạng của thị trường: "Tuần này sẽ thú vị hơn và cũng có thể mệt mỏi hơn”.
Với những diễn biến quan trọng này, các nhà đầu tư và giao dịch đang phải đối mặt với một tuần đầy thách thức và cơ hội. Họ không chỉ phải theo dõi sát sao các quyết định chính sách, mà còn phải điều chỉnh chiến lược để phản ứng nhanh với bất kỳ bất ngờ nào có thể xảy ra.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)