Ở Việt Nam, nhiều nhóm lợi ích bất động sản đã len lỏi vào trong các ngân hàng. Trong vụ Vạn Thịnh Phát, SCB đã trở thành sân sau cho hệ sinh thái của bà Trương Mỹ Lan trong cả một thập kỷ? Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã bị Viện kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về các tội ‘Tham ô tài sản’, ‘Đưa hối lộ’ và ‘Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng’ với khung hình phạt lên đến tử hình. Theo kết quả điều tra, bà Trương Mỹ Lan đã thao túng, rút ruột ngân hàng SCB gây ra thiệt hại lớn chưa từng thấy.
Trong hơn 10 năm, bà Lan và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đã được SCB bơm gần 1,07 triệu tỷ đồng, với số dư nợ còn lại là 677.000 tỷ đồng, và đều là nợ không thể thu hồi.
Cụ thể, kết quả điều tra xác định từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, SCB đã cho vay, giải ngân cho 1.366 khách hàng, trong đó liên quan trách nhiệm của Trương Mỹ Lan và đồng phạm vay 2.500 khoản với tổng số tiền 1.066.608 tỷ đồng.
108.000 tỷ đồng và 14,7 triệu USD đã được chuyển về cho bà Trương Mỹ Lan theo cùng một phương thức |
Để thuận lợi rút tiền từ SCB như vậy, bà Lan đã bổ nhiệm người thân vào các vị trí chủ chốt tại SCB, qua đó tỷ lệ sở hữu thật sự của Chủ tịch Vạn Thịnh Phát tại nhà băng này lên đến 91,5%.
Bằng cách này, bà Lan đã thao túng toàn bộ SCB để huy động tiền gửi của người dân rồi cho "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát" vay. Mỗi khi cần tiền, bà Lan chỉ cần triệu tập các lãnh đạo SCB lên phương án lập hồ sơ cho vay khống. Sau đó, các lãnh đạo SCB phân công nhau làm việc theo chỉ thị của bà để duyệt các hồ sơ cho vay. Số tiền được giải ngân sau đó sẽ được tài xế của bà Lan đưa từ ngân hàng SCB lên xe chở thẳng về nhà riêng của bà hay về trụ sở của tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đã có 108.000 tỷ đồng và 14,7 triệu USD đã được chuyển về cho bà Lan theo cách này.
Điều đáng nói, theo luật pháp Việt Nam, một tổ chức, cá nhân không được phép sở hữu quá 5% cổ phần của một ngân hàng trong khi bà Lan trên thực tế sở hữu đến hơn 90% cổ phần SCB.
Để có tư cách pháp nhân vay vốn ngân hàng nhiều lần, bà Lan còn chỉ đạo dựng lên hàng ngàn công ty ma và thuê các cá nhân đứng tên. Tài sản dùng để thế chấp ngân hàng được công ty thẩm định giá đã bị bà Lan mua chuộc kê lên gấp nhiều lần giá trị thực, cũng theo kết luận điều tra của công an. Thậm chí, bà Lan còn dùng tài sản thế chấp chưa đủ giá trị pháp lý hay dùng một tài sản thế chấp nhiều lần.
Việc làm của bà Lan đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam mà không bị ai “sờ gáy” bởi Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đã dùng tiền hối lộ các quan chức ngân hàng trung ương từ trên xuống dưới, cáo trạng của Viện kiểm sát cho biết. Bà đã mua chuộc từ các lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước ở thành phố Hồ Chí Minh cho đến lãnh đạo cơ quan thanh tra ngân hàng và toàn bộ các cán bộ trong đoàn thanh tra được cử đến SCB.
Cụ thể, trong đoàn thanh tra liên ngành có 18 người thì tất cả 18 người này đều nhận hối lộ của bà Lan, trong đó bà Đỗ Thị Nhàn, trưởng đoàn thanh tra, bị cáo buộc nhận hối lộ đến 5,2 triệu USD – số tiền lớn nhất một cá nhân nhận hối lộ từng được biết đến ở Việt Nam.
>> Quốc Cường Gia Lai (HM:QCG): Thông tin mới nhất về dự án bất động sản liên quan đến Vạn Thịnh Phát