Vietstock - VNDIRECT: Chứng khoán Việt Nam sẽ hưởng lợi từ chính sách non - prefunding
Theo bộ phận phân tích Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT Research), tăng trưởng lợi nhuận tích cực sẽ hỗ trợ định giá thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời hiệu ứng nền thấp tiếp tục hỗ trợ triển vọng lợi nhuận trong nửa cuối năm 2024. Thị trường cũng sẽ hưởng lợi từ chính sách non - prefunding.
Theo VNDIRECT Research, tăng trưởng lợi nhuận tích cực hỗ trợ định giá thị trường, với P/E trailing đạt 13.9 lần, chiết khấu 4.7% so với mức trung bình 5 năm. Dự phóng P/E cuối năm 2024 của VN-Index là 13 lần dựa theo giả định lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng 18% trong năm nay.
Hiệu ứng nền thấp tiếp tục hỗ trợ triển vọng lợi nhuận trong nửa cuối năm 2024, tương tự như giai đoạn nửa đầu năm 2024. Triển vọng lợi nhuận của thị trường vẫn mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024, nhờ vào sự phục hồi vững chắc của nền kinh tế Việt Nam và mức nền so sánh thấp trong nửa cuối năm 2023.
Ngành ngân hàng và bất động sản là hai lĩnh vực đóng góp lớn, chiếm 66.1% vào tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên HOSE trong năm 2024. Trong khi triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng vẫn tích cực nhờ nhu cầu tín dụng cải thiện, tăng trưởng trong lĩnh vực bất động sản nhà ở đã chậm lại do một số dự án chưa đáp ứng đủ các điều kiện để ghi nhận lợi nhuận trong năm nay, mặc dù doanh số bán hàng đã có dự cải thiện tích cực trong 8 tháng đầu năm 2024.
Các ngành có liên kết chặt chẽ với biến động giá hàng hóa, như vật liệu xây dựng, nông sản và xuất khẩu, được dự báo ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực nhờ sự phục hồi thương mại toàn cầu và mức nền so sánh thấp của năm 2023. Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các ngành hàng không, bán lẻ và năng lượng duy trì khả quan nhờ đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn.
Đồng thời, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được hưởng lợi từ chính sách không cần ký quỹ đủ tiền trước giao dịch (non - prefunding), với ba tác động tiềm năng từ việc triển khai Thông tư 68, bao gồm: Thu hút thêm các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài khi các quy định của Việt Nam tiến gần hơn với tiêu chuẩn quốc tế; Kỳ vọng gia tăng về dòng vốn nước ngoài đổ vào TTCK Việt Nam; Cải thiện tính thanh khoản của thị trường.
Tuy nhiên, rủi ro hệ thống cũng gia tăng khi các công ty chứng khoán phải gánh chịu rủi ro từ việc nhà đầu tư không thanh toán đúng hạn.
Chiến lược tháng 10: Chờ thị trường xác nhận xu hướng khi kiểm định vùng 1,300
Hiện tại, VN-Index đang tiến gần vùng kháng cự mạnh quanh 1,300 điểm và hoạt động chốt lời chắc chắn sẽ gia tăng. Do đó, nhà đầu tư cần kiểm soát cảm xúc và cân bằng danh mục đầu tư, tránh tâm lý FOMO đối với những cổ phiếu đã tăng mạnh. Việc tuân thủ kỷ luật và các nguyên tắc quản lý rủi ro danh mục đầu tư cần được ưu tiên hàng đầu.
Nhà đầu tư nên chờ thị trường xác nhận xu hướng khi kiểm định vùng kháng cự 1,300 điểm trước khi mở vị thế mua mới và gia tăng tỷ trọng đầu tư.
Các rủi ro tiềm ẩn đối với dự báo của VNDIRECT Research bao gồm: Xung đột địa chính trị ở Trung Đông leo thang thành một cuộc chiến khu vực; Xuất hiện thêm các dữ liệu tiêu cực từ nền kinh tế Mỹ, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế; Các thông tin tiêu cực từ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn…
Các rủi ro tích cực bao gồm: Việt Nam được công bố nâng hạng lên thị trường mới nổi; Các chính sách hỗ trợ thanh khoản, nới lỏng tiền tệ từ Ngân hàng Nhà nước; Kết quả kinh doanh mạnh hơn dự kiến trong quý 3 năm 2024.
Huy Khải