Vietstock - Vì sao cần thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam?
Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) gồm 2 công ty con trực thuộc là Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Thay vì hợp nhất hai Sở HNX và HOSE thành một, việc thành lập thêm VNX khiến nhiều nhà đầu tư thắc mắc.
Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg ngày 23/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Sáng 11/12/2021, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) chính thức ra mắt.
Trước nay, nhà đầu tư vẫn quen với Sở Giao dịch HNX và HOSE, bởi vậy khi VNX được thành lập và chính thức đi vào hoạt động nhiều người không khỏi thắc mắc vì sao đã có sẵn hai sở mà còn phải lập thêm VNX.
Theo lý giải từ cơ quan quản lý, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam mang đặc trưng riêng là cơ quan quản lý được thành lập trước, rồi sau đó mới hình thành thị trường.
Cụ thể, năm 2000, TTCK ra đời với việc chính thức đi vào hoạt động của HOSE. Điều kiện niêm yết trên HOSE tương đối cao, vì thế, sau 5 năm, Sở GDCK Hà Nội (HNX) được thành lập thêm với mục đích ban đầu là dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiêu chí, điều kiện thấp hơn.
Từ lúc hình thành đến bây giờ, HOSE vẫn duy trì mục tiêu là tạo ra thị trường giao dịch cho những doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện niêm yết ở cấp độ cao. Còn HNX, bên cạnh thị trường giao dịch cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì tiếp tục được phát triển, mở rộng các mục tiêu riêng. Theo đó, HNX đã xây dựng, tổ chức vận hành thêm thị trường trái phiếu chính phủ và phát triển thêm các sản phẩm, dịch vụ mới như sản phẩm phái sinh vào năm 2017.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý đánh giá sự giao thoa trong một số hoạt động của hai Sở đã làm giảm đi gia tốc phát triển của thị trường chứng khoán. Chẳng hạn, hai Sở hiện có sự giao thoa về sản phẩm khi đều tổ chức vận hành thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Có sự trùng lặp nhưng hai Sở lại cũng chưa có sự đồng bộ về cơ chế, phương thức giao dịch, kỹ thuật giao dịch… trong khi pháp luật chứng khoán đã thống nhất về tiêu chí, điều kiện niêm yết.
Ở góc độ hạ tầng công nghệ thì mỗi Sở đều có những kiến trúc riêng của mình. Hạ tầng công nghệ ở mỗi Sở lại đòi hỏi thành viên thị trường duy trì hệ thống kết nối độc lập. Trong khi đây lại là yếu tố mang tính xương sống, quyết định cho sự phát triển của thị trường về sản phẩm, tiện ích. Vì vậy, cần phải có sự đầu tư, quản lý thống nhất về hệ thống công nghệ thông tin chung cho thị trường, vừa đảm bảo tốt nhất về chi phí vận hành và hướng tới một bước phát triển của TTCK Việt Nam. Hoặc đối với công tác thành viên cũng cần có sự thống nhất về chung một đầu mối để hỗ trợ, phối hợp với họ tốt hơn.
Một lý do khác được đưa ra là với mô hình trước đây, quy mô của TTCK Việt Nam bị phân tán; hay chỉ số cũng chưa thống nhất, thiếu chỉ số chung đại diện đầy đủ cho toàn thị trường, mang tầm vóc đại diện cho cả nền kinh tế… Điều này phần nào ảnh hưởng tới vị thế của TTCK Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như tiến trình nâng hạng thị trường.
Những lý do là cơ sở để cơ quan quản lý đi đến việc thành lập VNX. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ của nhà đầu tư vẫn có nhiều lo ngại.
Phương án sáp nhập hai Sở được đưa ra trước kia tạo cảm giác thị trường sẽ được tái cấu trúc theo hướng tinh gọn hơn với sự sáp nhập của hai Sở hiện tại. Tuy nhiên, việc thành lập VNX đang khiến nhà đầu tư khó hiểu thay cho nhập 2 thành 1 vì cảnh sinh con rồi mới sinh cha. Thêm nữa, nhà đầu tư lo lắng việc có thêm một bộ máy quản lý sẽ chỉ làm bộ máy cồng kềnh hơn chứ không đem lại khác biệt nào mà còn tiêu tốn thêm thuế phí và khả năng cao là người phải gánh chịu chính là họ, những khách hàng chính của thị trường.
Thực chất thì việc thành lập VNX chính là sáp nhập hai Sở làm một bởi VNX là công ty mẹ được tổ chức theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Các công ty con trực thuộc VNX gồm Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE).
Tới nay, VNX đã hoàn tất việc sắp xếp và cấu trúc hai Sở con trở thành các công ty con, đồng thời, kiện toàn, thay đổi chức danh lãnh đạo của các Sở con. Cùng với đó, hai Sở con đã đăng ký lại hoạt động kinh doanh. Từ 06/08/2021, HOSE và HNX chính thức đã trở thành công ty con của VNX. Ngay sau đó, đến tháng 11 vừa qua, VNX đã hoàn thành tiếp nhận quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu. Cùng với việc cấu trúc lại bộ máy, tổ chức, VNX đã hoàn thiện 7 quy chế nghiệp vụ (quy chế niêm yết; quy chế đăng ký giao dịch; quy chế thành viên; quy chế công bố thông tin; quy chế công bố thông tin trên chuyên trang điện tử về doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp; quy chế về giao dịch hợp đồng tương lai) và lên kế hoạch tái cấu trúc thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.
Đồng thời, VNX đã dự thảo các quy định nhằm thống nhất các giải pháp kỹ thuật về cơ chế, phương thức giao dịch cho thị trường hiện nay như: lô, biên độ giao dịch… trên cả hai SGDCK.
Kỳ thực, điều nhà đầu tư mong muốn ở cơ quan quản lý, dù đó là HOSE, HNX hay VNX vẫn là chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Các nghiệp vụ như giao dịch lô lẻ, T+0, bán khống vẫn được nhà đầu tư trông chờ trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó là mục tiêu khi nào nâng hạng thị trường để thu hút khối ngoại trở lại. Khi trở thành cơ quan đầu não quản lý thị trường chứng khoán Việt Nam, việc VNX cần làm là nghiên cứu và có lộ trình cụ thể để làm hài lòng nhà đầu tư, có như vậy mới đưa được thị trường đi lên.
Chí Kiên