BIDV (HM:BID) - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BID) là ngân hàng quốc doanh duy nhất có sự cải thiện về tăng trưởng tín dụng so toàn ngành.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/05, cổ phiếu BID của BIDV cán mốc 46.900 đồng/cp với khối lượng giao dịch đạt 1,8 triệu đơn vị, tổng giá trị giao dịch lên tới gần 85 tỷ đồng. Đây cũng là vùng giá cao nhất của BID trong vòng 07 tháng qua.
Công ty Chứng khoán MBS (HN:MBS) mới đây có dự báo tăng trưởng tín dụng của BID có thể đạt mức 12% cho năm 2023. Trong Quý 1/2023, tín dụng của BID tăng 4,9% so với đầu năm, (cao hơn mức tăng 4,6% trong Quý 1/2022). BIDV là ngân hàng duy nhất trong nhóm ngân hàng quốc doanh có sự cải thiện về tăng trưởng tín dụng so với cùng kỳ, đồng thời cao hơn mức 2,8% tăng trưởng tín dụng trung bình của toàn ngành trong Quý 1/2023.
Theo MBS, dự báo tăng trưởng tín dụng đạt 12% này là căn cứ nhờ các động thái giảm lãi suất điều hành sẽ tạo dư địa cho việc hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp hơn, qua đó cải thiện nhu cầu tín dụng. Tính đến ngày 20/6, NHNN đã hạ lãi suất điều hành lần thứ 4 trong năm, điều chỉnh giảm lãi suất điều hành với lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu giảm 0,5%, trong khi trần lãi suất tiền gửi kì hạn 1-6 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,75%/năm.
MBS cho rằng NIM của BID được kỳ vọng sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm 2023. Trong Quý 1/2023, NIM của BID giảm 26 điểm cơ bản so với quý trước (về mức 2,67%), cao hơn mức giảm 6 điểm cơ bản trung bình của cả ngành. Xu hướng NIM giảm mạnh phù hợp khi chi phi đầu vào của các ngân hàng tăng cao từ Quý 4/2022 đến hết Quý 1/2023.
Động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN trong thời qua nhằm hạ lãi suất đầu ra, kích cầu tín dụng trong nước nửa cuối năm. Lãi suất điều hành giảm cũng giúp giảm chi phí huy động của các ngân hàng. Do biến động lãi suất đầu ra thường có độ trễ nhất định so với lãi suất đầu vào, kì vọng NIM của BID sẽ có sự cải thiện nhẹ trong phần còn lại của năm 2023, cả năm đạt 2,94% (từ mức 2,67% trong Quý 1/2023).
Có thể nói, chất lượng tài sản tốt tạo bộ đệm vững chắc cho BID trong bối cảnh xu hướng nợ xấu gia tăng. Tỷ lệ nợ xấu Quý 1/2023 của ngân hàng đạt 1,55% (tăng 39 điểm cơ bản so với Quý 4/2022). Việc gia tăng nợ xấu diễn ra ở hầu hết các ngân hàng đã được dự báo trước. Tuy vậy tỷ lệ nợ xấu của BID vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3% của toàn ngành. Đồng thời, tỷ lệ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu (LLR) của BID đang đứng thứ 4 toàn ngành (sau VCB (HM:VCB), BAB (HN:BAB) và CTG (HM:CTG)).
Với quan điểm chất lượng tài sản là yếu tố quan trọng đối với các ngân hàng trong năm 2023, ngân hàng đưa ra kế hoạch chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2023 đạt 20.000 – 21.000 tỷ đồng (giảm 13% ). Ngân hàng bắt đầu củng cố chất lượng tài sản từ năm 2021 khi chi phí trích lập dự phòng tăng mạnh, kết hợp với việc duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao từ 171% đến 263% trong giai đoạn Quý 4/2021 đến Quý 1/2023.
MBS dự báo tổng doanh thu của BID tăng 14%, lợi nhuận trước thuế tăng 28% dựa trên tín dụng tăng 12%, NIM đạt 2,94% với nguyên nhân chính đến từ việc lãi suất huy động giảm mạnh; Tỷ lệ dự phòng đạt 184%; Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ghi nhận gần 25.000 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Tăng trưởng lợi nhuận 2024 tiếp tục tăng với tổng doanh thu tăng 10%, lợi nhuận trước thuế tăng 30% dựa trên tín dụng tăng 11%, NIM đạt 3,01% (dựa trên giả định NHNN có khả năng hạ thêm 1 lần lãi suất trong cuối năm 2023 và điều này sẽ phản ánh rõ nhất vào chi phí vốn trong năm 2024).
Do vậy, MBS khuyến nghị nắm giữ BID với giá mục tiêu là 49.150 đồng/cp, bởi BID có vị thế là một ngân hàng quốc doanh, chất lượng tài sản được củng cố và quy mô tổng tài sản đứng đầu ngành. Tuy vậy, lưu ý có những rủi ro về nợ xấu gia tăng, cũng như đợt tăng giá vừa rồi đã khiến định giá ở mức hợp lý. MBS định giá BID dựa trên việc sử dụng kết hợp 2 định giá là P/B và phương pháp thu nhập thặng dư. Theo đó BID được định giá ở mức cao hơn 16% so với bình quân ngành nhờ quy mô tổng tài sản lớn và chất lượng tài sản tốt hơn bình quân và tăng trưởng kép EPS 3 năm qua đứng đầu ngành.