Vietstock - TVS Research: VN-Index có thể đi ngang vùng 1,250-1,295 điểm trong tháng 6
Theo bộ phận nghiên cứu CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVS Research), VN-Index trong tháng 6 có thể đi ngang trong vùng 1,250-1,295 điểm, khi các yếu tố tích cực và tiêu cực tác động đến thị trường cân bằng với nhau.
Tháng 5 hồi phục sau nhịp điều chỉnh
Nhìn lại diễn biến trong tháng 5, TVS Research cho biết VN-Index tiếp tục hồi phục sau nhịp điều chỉnh và kết tháng ở mức 1,261 điểm, tăng 4.3% so với tháng 4. Giá trị giao dịch bình quân tăng 1.1%, lên 21,896 tỷ đồng/phiên.
Theo TVS Research, VN-Index hồi phục nhờ các yếu tố vĩ mô tiêu cực khiến thị trường giảm điểm trong tháng 4 đã tạm thời được khắc phục, bao gồm đà tăng tỷ giá USD/VND được kiểm soát sau khi NHNN can thiệp thông qua việc bán USD cho các NHTM, đồng thời swap USD-VND được thu hẹp giúp giảm áp lực lên tỷ giá; thanh khoản thị trường được cải thiện với dòng tiền tăng mạnh từ nhà đầu tư cá nhân.
Nhóm VNSML và VNMID tăng mạnh hơn bình quân VN-Index, lần lượt là 9.6% và 8.6% so với tháng 4. Đóng góp chủ yếu đến từ nhóm du lịch & giải trí (tăng 28.3%) và hàng & dịch vụ công nghiệp (tăng 13.6%), khi dòng tiền dịch chuyển dần sang các cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ. Ngược lại, nhóm VN30 tăng yếu hơn mặt bằng chung VN-Index, khi các nhóm ngành có vốn hóa lớn như ngân hàng hay bất động tăng nhẹ hoặc không tăng.
Cuối tháng 5, P/E toàn thị trường tiệm cận mức 16x, tương ứng tăng 5.5% so với cuối tháng 4, sau khi VN-Index hồi phục mạnh. Với việc thị trường đang trong vùng trống thông tin, TVS Research cho rằng mức P/E hiện tại đã phản ánh một phần tăng trưởng của các doanh nghiệp trên sàn HOSE.
Tính đến cuối tháng 5, các ETF bán ròng ở mức 86 triệu USD, tăng 29% so với tháng 4. Mặc dù đà tăng tỷ giá USD/VND đã được kiềm chế, tuy nhiên dòng vốn ngoại đang có xu hướng chuyển sang các thị trường mới nổi khác như Ấn Độ khi đã tăng 9.4 tỷ USD kể từ đầu năm. TVS Research dự báo xu hướng dịch chuyển của dòng vốn ngoại có thể tiếp diễn ở nửa sau năm 2024.
Trên thị trường phái sinh, giao dịch đi ngang với mức 4.8 triệu hợp đồng. Mặc dù VN-Index hồi phục nhưng khối lượng giao dịch vẫn đi ngang, duy trì ở mức này trong 3 tháng gần nhất.
Còn trên thị trường chứng quyền, giá trị giao dịch tăng 10% so với tháng 4, lên mức 951 tỷ đồng, do thị trường tăng điểm khiến nhà đầu tư tìm đến kênh chứng quyền để gia tăng lợi nhuận.
Khó tăng mạnh trong tháng 6
Dự báo về tháng 6, TVS Research cho rằng VN-Index sẽ đi ngang khi các yếu tố tác động cân bằng nhau. Trong đó, yếu tố tích cực đến từ tỷ giá USD/VND tạm thời được kiểm soát khi NHNN tiếp tục bán USD để kìm đà tăng tỷ giá và swap USD-VND được thu hẹp; còn yếu tố tiêu cực đến từ dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân có thể suy giảm, kéo theo thanh khoản toàn thị trường giảm.
TVS Research cũng đưa ra thống kê về việc thanh khoản thị trường thường giảm trong giai đoạn diễn ra sự kiện thể thao lớn như EURO, World Cup và năm 2024 có thể không phải ngoại lệ.
Trên góc nhìn phân tích kỹ thuật, VN-Index trong tháng 5 đã hồi phục lên vùng kháng cự 1,280 điểm và quay đầu. Theo TVS Research, chỉ số đã kiểm định thành công vùng hỗ trợ 1,250 điểm với thanh khoản tăng, thị trường sẽ tiếp tục kiểm định lại kháng cự mạnh 1,280 điểm trước khi hướng đến vùng đỉnh cũ 1,295 điểm.
"Thị trường khó tăng mạnh do dòng tiền từ nhóm nhà đầu tư cá nhân có thể suy giảm trong tháng 6", TVS Research dự báo.
Trước những dự báo đó, theo TVS Research, nhà đầu tư có thể mở mua mới khi thị trường điều chỉnh về 1,250 điểm và chốt lời khi VN-Index tiến đến vùng 1,295 điểm.
Một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong phần còn lại của tháng 6 cũng được TVS Research liệt kê. Các tin tức có mức độ ảnh hưởng cao như Fed họp về việc điều hành lãi suất của Mỹ ngày 12/06; đáo hạn hợp đồng phái sinh chỉ số VN30 ngày 20/06; công bố số liệu kinh tế Việt Nam tháng 6/2024 vào ngày 29/06.
Bên cạnh đó, các tin tức có mức độ ảnh hưởng vừa phải là Mỹ công bố số liệu CPI tháng 5/2024 vào ngày 12/06 và Trung Quốc công bố số liệu thất nghiệp tháng 5/2024 vào ngày 16/06.
Huy Khải