Vietstock - Transimex tiếp tục thoái vốn Cholimex
CTCP Transimex (HOSE: TMS (HM:TMS)) tiếp tục có động thái thoái vốn khỏi CTCP Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex, UPCoM: CLX) với việc đăng ký bán thêm 500 ngàn cp, dự kiến thực hiện từ 27/08-25/09/2024, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Kết phiên gần nhất 23/08, giá cổ phiếu CLX dừng tại 15,900 đồng/cp. Với mức giá này, lượng cổ phiếu TMS đăng ký bán trị giá gần 8 tỷ đồng.
TMS cho biết việc bán cổ phiếu nhằm hiện thực hóa lợi nhuận, bổ sung nguồn vốn cho danh mục các dự án đầu tư nhiều tiềm năng khác của Công ty.
Quay về thời điểm tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024, TMS đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu thuần hơn 2,895 tỷ đồng và lãi trước thuế gần 419 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 95% so với thực hiện 2023.
TMS dự kiến tập trung phát triển kinh doanh và tái cơ cấu dịch vụ, tổ chức nhân sự tại các công ty khác mà TMS đang là cổ đông chi phối, công ty mẹ tại khu vực miền Bắc như Cảng Mipec, Giao thông Vận tải Ngoại thương, Dịch vụ Vận tải và Thương mại; đàm phán và thoái vốn khoản đầu tư tại Nippon Express (Việt Nam).
Bên cạnh đó, đầu tư giai đoạn 2 trung tâm logistics Thăng Long, đẩy nhanh tiến độ dự án trung tâm logistics Vĩnh Lộc, giai đoạn 2 kho lạnh tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An cũng như chuẩn bị khai thác dịch vụ khi đưa vào sử dụng.
Liên quan đến CLX, Chủ tịch TMS Bùi Tuấn Ngọc phát biểu: “TMS còn có những chi phí chờ dự án 3-4 năm vẫn chưa triển khai được, như Trung tâm Logistics Vĩnh Lộc trên diện tích đất 5ha, hợp tác cùng cổ đông chiến lược CLX. Chủ tịch TMS kỳ vọng trong năm 2024, TMS cùng CLX đẩy nhanh tiến độ dự án này”.
Đây là lần đăng ký bán cổ phiếu CLX thứ 7 trong năm 2024 của TMS. Trong 6 lần trước đó, TMS cũng đều đăng ký bán 500 ngàn cp nhưng không lần nào bán hết.
Trước đó, trong năm 2022, HĐQT TMS quyết định chuyển nhượng 15% vốn, tương đương 13 triệu cp CLX, nhưng chỉ thực hiện được một phần. Cụ thể, từ đầu năm 2022, TMS đăng ký bán 7.6 triệu cp nhưng bán thành công khoảng 1.3 triệu cp. Những lần đăng ký bán sau đó đều với số lượng lớn nhưng bán ra được một phần nhỏ hoặc bất thành.
Sau hơn 2 năm, TMS đã đăng ký bán tổng cộng 11 lần và chỉ giảm tỷ lệ khoảng 5.7%, chủ yếu do biến động thị trường chưa phù hợp.
TMS bắt đầu hạch toán khoản vốn góp hơn 300 tỷ đồng vào CLX từ năm 2016 để đổi lấy 35% cổ phần, qua đó trở thành cổ đông chiến lược của CLX.
Giao dịch cổ phiếu CLX của TMS trong những năm gần đây
Nguồn: VietstockFinance
|
Thực tế, giá cổ phiếu CLX có những biến động không quá khả quan trong những năm gần đây. Từ mức quanh 30,000 đồng/cp đầu năm 2022, hị giá CLX liên tục “đổ đèo” về quanh 11,000 đồng/cp vào tháng 10 cùng năm. Dù có những nỗ lực hồi phục sau đó nhưng CLX hiện vẫn chỉ dao động quanh 16,000 đồng/cp.
Diễn biến giá cổ phiếu CLX trong 2 năm qua | ||
Mối liên hệ giữa TMS với CLX cũng khá mật thiết. Cụ thể, Chủ tịch HĐQT TMS Bùi Tuấn Ngọc đang là Phó Chủ tịch HĐQT CLX; Tổng Giám đốc TMS Lê Duy Hiệp đang là Thành viên HĐQT CLX; Thành viên HĐQT TMS Bùi Minh Tuấn đang là Thành viên HĐQT CLX; Thành viên HĐQT độc lập TMS Huỳnh An Trung đang là Tổng Giám đốc CLX; Giám đốc tài chính TMS Lê Văn Hùng cũng đang làm Thành viên BKS CLX.
Cũng liên quan đến cổ phiếu CLX, kết thúc năm 2023, TMS ghi nhận đang dùng 17.3 triệu cp CLX, cùng với với 16.5 triệu cp của CTCP Vinafreight (HNX: HN:VNF) và 300 ngàn cp của CTCP Cảng Đồng Nai (HOSE: PDN) để đảm bảo cho một lô trái phiếu.
Trái phiếu phát hành vào ngày 13/08/2021, kỳ hạn 5 năm đến ngày 13/08/2026. Trái phiếu có trị giá 300 tỷ đồng tại cuối năm 2023, lãi suất 8.3%/năm.
Huy Khải