Vietstock - TP HCM: Cấp sổ hồng tại các dự án nhà ở còn chậm
Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết, cấp sổ hồng cho người nhận chuyển nhượng tại các dự án phát triển nhà ở còn chậm, do nhiều nguyên nhân, vướng mắc.
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM vừa có công văn gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM về giải quyết kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XV liên quan tới lĩnh vực TN-MT.
Hơn 81.000 căn hộ tại hàng trăm dự án nhà ở thương mại được lên kế hoạch giải quyết vướng mắc, cấp sổ hồng nhưng hơn 1 năm qua kết quả còn hạn chế.
|
Theo đó, cử tri đề nghị thành phố sớm có giải pháp xử lý vướng mắc để giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) đối với các căn hộ chung cư tại một số dự án mà người dân mua nhà và làm thủ tục đã lâu nhưng chưa được giải quyết.
Trả lời cử tri, Sở TN-MT cho biết hiện nay, liên quan đến cấp sổ hồng cho người nhận chuyển nhượng tại dự án phát triển nhà ở còn chậm, thường tập trung tại một số nguyên nhân, vướng mắc.
Thứ nhất, trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng dự án phát triển nhà ở, chủ đầu tư xây dựng chưa đúng với quy hoạch, thiết kế được duyệt hoặc giấy phép xây dựng hoặc bố trí, sử dụng các hạng mục công trình sai công năng sử dụng.
Sở TN-MT đã có văn bản đề nghị Sở Xây dựng theo chức năng, thẩm quyền khẩn trương có ý kiến xử lý trong lĩnh vực xây dựng, làm cơ sở cấp sổ hồng cho người nhận chuyển nhượng tại dự án theo quy định.
Thứ hai, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch của dự án, dẫn đến phải xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung để chủ đầu tư phải nộp bổ sung (nếu có) theo quy định.
Chủ đầu tư có trách nhiệm liên hệ Sở TN-MT để được hướng dẫn, xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) do điều chỉnh quy hoạch tại dự án, làm cơ sở cho dự án hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Thứ ba, giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất của dự án đã bị chủ đầu tư thế chấp tại các tổ chức tín dụng và chưa được giải chấp.
Văn phòng Đăng ký đất đai TP HCM (thuộc Sở TN-MT) có văn bản đề nghị chủ đầu tư khẩn trương thực hiện giải chấp tại tổ chức tín dụng để nộp bản chính giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất trong hồ sơ cấp sổ hồng cho người nhận chuyển nhượng tại dự án.
Thứ tư, chủ đầu tư dự án không nộp hoặc chậm nộp hồ sơ cấp sổ hồng cho người nhận chuyển nhượng tại dự án.
Trường hợp này, trước đây, Sở TN-MT tùy từng trường hợp, vụ việc cụ thể sẽ xem xét, xử lý vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư theo Điều 31 Nghị định số 91/2019 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Tuy nhiên hiện nay, Nghị định số 91/2019 đã hết hiệu lực pháp luật và chưa có Nghị định thay thế. Do đó, sau khi Nghị định mới thay thế, Sở TN-MT sẽ thực hiện theo quy định.
Di dời cở sở gây ô nhiễm Việc di dời các cơ sở đến địa điểm khác, Sở TN-MT cho biết vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 611/2024 phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, UBND TP HCM sẽ xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn. Căn cứ quy hoạch này, sở rà soát tiêu chí "không phù hợp quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải" để có hình thức xử lý những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đối với các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường, xả nước thải xuống kênh rạch, Sở TN-MT sẽ phối hợp chính quyền địa phương, đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động xả thải tại các khu công nghiệp, cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trường hợp phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm. Hiện toàn bộ khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP HCM đều đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục truyền dữ liệu về để giám sát, theo dõi chất lượng nước thải sau các trạm xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra, các cơ sở có nguồn thải lớn (nước thải, khí thải) cũng phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục truyền dữ liệu về Sở TN-MT để giám sát, theo dõi. |
Quốc Bảo