Vietstock - Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phân nhóm để xử lý hơn 1.000 tài sản công bỏ trống
Trong gần 13.000 địa chỉ nhà đất công, có hơn 2.000 địa chỉ do Trung ương quản lý và khoảng 10.000 địa chỉ thuộc diện Thành phố quản lý, tuy nhiên, hiện còn hơn 1.000 địa chỉ đang bỏ trống.
Khu đất nằm giữa khu tứ giác ở trung tâm quận 1 gồm Lê Thánh Tôn-Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Nguyễn Trung Trực-Lê Lợi với tổng diện tích hơn 3.800m2 hiện đang bỏ hoang. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
|
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có gần 13.000 địa chỉ nhà đất là tài sản công, trong đó có khoảng 1.000 địa chỉ bỏ trống nhiều năm nay, gây lãng phí nguồn lực.
Trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 20 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X sáng 10/12, lãnh đạo Thành phố đã đưa ra giải pháp để xử lý các tài sản chưa khai thác hiệu quả này.
Theo báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, vấn đề lãng phí tài nguyên đất đai, dự án chậm triển khai được nhiều đại biểu nêu ra, trong đó có nhà đất công.
Nhiều công trình xây xong bỏ trống nhiều năm, không được sử dụng hoặc khai thác không hiệu quả; nhiều dự án giao thông, giảm ngập nước vẫn chưa hoàn thành; nhiều dự án chưa được đầu tư.
Các đại biểu kiến nghị Thành phố sớm có chỉ đạo rà soát, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng, khai thác đất, nhà, công trình công sản hiện nay; tăng cường thanh kiểm tra và cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt nhằm hạn chế sự lãng phí về nguồn lực, tránh đầu tư dàn trải, kéo dài mà không hiệu quả.
Trao đổi vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Hoàng Hải cho biết Sở được phân quản lý phần lớn tài sản công trên địa bàn.
Trong gần 13.000 địa chỉ nhà đất công, có hơn 2.000 địa chỉ do Trung ương quản lý và khoảng 10.000 địa chỉ thuộc diện Thành phố quản lý. Tuy nhiên, hiện còn hơn 1.000 địa chỉ đang bỏ trống từ nhiều năm nay với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng nằm ở 4 mặt tiền đường Pasteur-Nguyễn Đình Chiểu-Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Võ Văn Tần đã bỏ hoang nhiều năm nay. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
|
Từ cuối năm 2022, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và Sở Tài chính đã triển khai nghiên cứu Đề án quản lý, khai thác và số hóa tài sản công trên địa bàn thành phố.
Đến nay, Đề án sắp hoàn thành, trong đó đưa ra khuyến nghị xử lý đối với nhà đất sử dụng chưa hiệu quả.
Việc số hóa 13.000 địa chỉ nhà đất công trên địa bàn sẽ giúp nhận diện, quản lý tốt hơn. Hệ thống sẽ hiển thị trạng thái của từng địa chỉ, từ màu xanh (đang quản lý, sử dụng tốt) cho tới màu đỏ (quản lý không hiệu quả).
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, trong số nhà đất công chưa sử dụng hiệu quả có những địa chỉ nổi cộm, dư luận bức xúc như: Số 1 Lý Thái Tổ; tài sản liên quan đến các vụ án ở đường Lê Duẩn, đường Hai Bà Trưng, những công trình xây dựng dở dang...
Sắp tới, Đề án quản lý, khai thác và số hóa tài sản công sẽ đưa ra những khuyến nghị, giải pháp để lành mạnh tình hình quản lý tài sản công trên địa bàn.
Cùng với đó, hiện Sở Tài chính đang thực hiện Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý theo Quyết định 213/QĐ-TTg năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc kiểm kê toàn bộ tài sản công sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2025 và hoàn thành vào tháng 3/2025, kết quả dự kiến công bố tháng 7/2025. Việc tổng kiểm kê tài sản công sẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá toàn diện hiệu quả quản lý và sử dụng tài sản công, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng nguồn lực này.
Liên quan vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ban hành kế hoạch rà soát lại các vụ việc, dự án tồn đọng, dở dang trên địa bàn và có phân thành các nhóm để giải quyết. Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Trung ương sẽ báo cáo Trung ương giải quyết, còn lại Thành phố sẽ chủ động giải quyết.
Với 1.000 tài sản công sử dụng không hiệu quả, ông Phan Văn Mãi cho biết Thành phố tiến hành phân thành các nhóm để xử lý. Theo đó, một số tài sản công sẽ được đấu giá để thu ngân sách cho đầu tư phát triển thành phố; một số dự án có thể được cho thuê tạm thời trong khi chờ đầu tư mới theo quy định; một số dự án sẽ phải để dành và có kế hoạch để sử dụng cho tương lai.
“Sắp tới khi thực hiện sắp xếp các sở ngành, Thành phố cũng tính các phương án để sử dụng hiệu quả trụ sở, tài sản công ở các vị trí không sử dụng, qua đó có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ./.
Tiến Lực