Vietstock - Thách thức khi chứng khoán Việt Nam được nâng hạng: Tác động tâm lý từ dòng vốn ngoại và áp lực lên tỷ giá
Tại Hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán” tổ chức chiều 02/07/2024, ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có phần tham luận về Cơ hội và thách thức khi nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ Cận biên lên Mới nổi.
Ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: Phan Anh
|
Hiện nay, TTCK Việt Nam đang được FTSE Russell đưa vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - Thị trường Mới nổi.
Cơ hội khi TTCK Việt Nam nâng hạng
Theo ông Dũng, nâng hạng thị trường sẽ nâng cao tín nhiệm quốc gia và Hội nhập quốc tế. TTCK tự do, hiệu quả luôn được coi là một trong những tiêu chí cốt yếu để đánh giá mức độ phát triển nền kinh tế thị trường của một quốc gia, vùng lãnh thổ. Do đó, nâng hạng TTCK sẽ là tín hiệu quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, cho thấy Việt Nam đang trên đà phát triển thành một nền kinh tế thị trường theo đúng bản chất.
Từ đó, góc nhìn của các nhà đầu tư quốc tế về môi trường đầu tư – kinh doanh tại Việt Nam cũng sẽ có chuyển biến tích cực hơn. Đồng thời, việc này sẽ là cú hích gián tiếp dành cho mục tiêu từng bước nâng bậc tín nhiệm quốc gia theo “Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ.
Việc nâng hạng TTCK sẽ là tín hiệu rõ ràng, cho thấy Việt Nam đã tiến bước dài hơn trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khẳng định vị thế và nâng cao hình ảnh không chỉ của riêng TTCK Việt Nam mà còn của cả nền kinh tế đối với cộng đồng quốc tế.
Đối với thị trường chứng khoán, theo báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (tháng 12/2020), việc được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho TTCK Việt Nam.
Đầu tiên là thu hút thêm dòng vốn ngoại gián tiếp ròng khoảng 7.2 tỷ USD vào Việt Nam trong 1 năm. Dòng vốn này chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư và NĐTNN lớn trên thế giới.
Mặt khác, khả năng định giá cổ phiếu ở TTCK Việt Nam sẽ được cải thiện do nhiều NĐTNN chuyên nghiệp tham gia đánh giá, thể hiện đúng nhu cầu thực tế và đánh giá đúng tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp.
Thị trường được nâng hạng sẽ gia tăng số lượng nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư có quy mô lớn trên thị trường (hiện nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đang chiếm hơn 90% trên thị trường), tăng tính chuyên nghiệp và bền vững trong hoạt động đầu tư, giảm thiểu các biến động mạnh của thị trường do bị tác động tâm lý của số lượng lớn nhà đầu tư cá nhân.
Việc nâng hạng sẽ cải thiện tích cực thanh khoản của TTCK và chất lượng thị trường theo hướng tiếp cận tốt hơn các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong hoạt động của DN, quản trị công ty.
TTCK không chỉ gia tăng số lượng nhà đầu tư mà chất lượng của nhà đầu tư cũng sẽ được nâng cao với sự tham gia của các quỹ đầu tư, các tổ chức đầu tư quốc tế lớn với mục tiêu đầu tư dài hạn. Đi kèm theo đó là nội tại các doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước chịu áp lực buộc phải nâng cao chất lượng doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của NĐTNN theo chuẩn mực quốc tế.
Thêm vào đó, sự tham gia của NĐTNN mang lại lợi ích từ việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý, chiến lược đầu tư và công nghệ mới. Điều này có thể giúp doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với môi trường kinh doanh quốc tế.
Trường hợp TTCK Việt Nam được nâng hạng, không chỉ lượng vốn từ các quỹ đầu tư thụ động chảy vào thị trường, mà cả nguồn vốn của các quỹ đầu tư chủ động và nhiều nhà đầu tư lớn (bao gồm cả nhà đầu tư vốn cổ phần – private equity, chuyên đầu tư vào các công ty cổ phần hóa, công ty chưa niêm yết) trên toàn cầu sẽ tham gia vào thị trường vốn của Việt Nam.
TTCK mở rộng và phát triển là điểm đến hấp dẫn trong quá trình huy động vốn của thị trường vốn cổ phần của các công ty khởi nghiệp sáng tạo, công ty cổ phần nhỏ và vừa, các công ty cổ phần lớn chưa niêm yết, hỗ trợ cho các hoạt động chào bán lần đầu ra công chúng (IPO), niêm yết công ty để thoái vốn trên TTCK.
Cuối cùng, nâng hạng TTCK không chỉ thu hút nguồn vốn dành cho TTCK niêm yết, mà còn thu hút cả nguồn vốn dành cho thị trường vốn cổ phần chưa niêm yết.
Các thách thức khi TTCK được nâng hạng
TTCK khi được nâng hạng đạt được nhiều lợi ích nên thách thức lớn nhất là đảm bảo đảm bảo TTCK tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, duy trì xếp hạng, tránh bị hạ cấp xếp hạng.
Thách thức này đến từ việc các TTCK không còn đáp ứng yêu cầu duy trì trạng thái hiện tại (trường hợp của Argentina bị MSCI cân nhắc hạ từ Nhóm 3 xuống Nhóm 4 vào kỳ đánh giá tháng 6/2022 do các NĐTNN đánh giá rằng không thể tiếp cận thị trường chứng khoán trong nước kể từ khi Chính phủ nước này áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt vào tháng 9/2019) hoặc khi TTCK không đáp ứng được sự thay đổi tiêu chí từ các tổ chức xếp hạng (trường hợp của Peru đã bị FTSE hạ cấp từ Nhóm 2 sang Nhóm 3 do không còn có thể đáp ứng các tiêu chí yêu cầu về vốn hóa thị trường tối thiểu và số lượng chứng khoán mới vào tháng 9/2020).
Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào TTCK có thể gây tác động đến mức độ biến động của TTCK do tác động đến tâm lý thị trường (khi dòng vốn vào hoặc rút ra có biến động mạnh, gây ra hiệu ứng tâm lý hoặc dây chuyền đến các nhà đầu tư), cũng như gây áp lực cho thị trường ngoại hối do gia tăng nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ - tiền Đồng của các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Dũng, để một TTCK phát triển bền vững, đó phải là một TTCK thực sự “khỏe mạnh”, minh bạch, đảm bảo công bằng cho tất cả nhà đầu tư tham gia trên thị trường.
Với vai trò là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát TTCK, UBCKNN đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực đưa ra những giải pháp phù hợp đáp ứng được các tiêu chí của các tổ chức đánh giá xếp hạng thị trường hướng tới mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam từ Cận biên lên Mới nổi và đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch của thị trường.
Chí Kiên