Trải qua trên 20 năm đầu tư tại TTCK Việt Nam với không ít lần biến động, nhà đầu tư Nguyễn Trần Hải chỉ ra các điểm khác lạ của nhịp giảm điểm này và đưa ra các hướng xử tài khoản dựa trên kinh nghiệm cá nhân. VN-Index vừa trải qua tuần giảm điểm mạnh nhất trong gần 2 năm trở lại đây. Chỉ sau 4 phiên giao dịch, chỉ số đánh rơi 101,75 điểm (-7,97%) về lại 1.174,85 điểm, nằm quanh đường trung bình giá 200 phiên (MA200) và xóa sạch thành quả tăng điểm trong 3 tháng đầu năm. Nhiều cổ phiếu nhanh chóng giảm 20% từ đỉnh, khiến nhà đầu tư không khỏi hoang mang.
Trước diễn biến thị trường hiện tại, ông Nguyễn Trần Hải, nhà đầu tư có trên 20 năm kinh nghiệm đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đánh giá, nhịp rơi từ 15/4 - 19/4/2024 là nhịp rơi khác biệt kể từ 1/11/2023 với thời gian ngắn và tốc độ rơi mạnh, đồng thời bao phủ tất cả các nhóm ngành. Tốc độ rơi kiểu như vậy trong quá khứ cũng đã nhiều lần xảy ra, ví dụ 21/9 - 26/9/2023, 14/4 - 25/4/2022,...
Nhịp rơi này đẩy các vị thế cầm hàng vào tình cảnh rất khó khăn khi ra quyết định do bán thì sợ hồi mà mua quân bình giá thì sợ rơi tiếp. Ông Hải chia sẻ, trong quá khứ ông cũng từng nhiều lần lâm vào tình trạng như vậy. Sau mỗi lần đó, ông đều rút ra kinh nghiệm từ bản thân về xử lý NAV (Net Asset Value - vốn đầu tư thuần).
Với trên 20 năm kinh nghiệm thực chiến, ông Nguyễn Trần Hải cho rằng quản trị vốn là tối quan trọng |
Trường hợp 1: Nếu khoản đầu tư đang còn lãi từ 2/11 sẽ nhanh chóng giảm bớt tỷ trọng để bảo toàn lãi hoặc hoà vốn. Đúng sai không quan trọng cốt yếu giữ lãi và vốn.
Trường hợp 2: NAV đang lỗ <3%, thực hiện khống chế tối đa lỗ 7% và lựa các nhịp hồi giảm bớt tỷ trọng. Mục đích, nếu thị trường lên vẫn có hàng trong danh mục, còn thị trường xuống thì không lỗ quá 7%.
Trường hợp 3: NAV đang lỗ >10% cần xem kỹ xem mình mắc vi phạm gì dẫn đến khi thị trường tăng từ 1.028 điểm ngày 30/10/2023 đến hiện nay (19/4/2024) là 1174 điểm mà bản thân vẫn lỗ. Các kinh nghiệm này sẽ giúp ích cho giai đoạn về sau.
Đồng thời, nếu tài khoản ở trạng thái này, nhà đầu tư "lão luyện" trên sẽ chưa vội bình quân giá hoặc cắt lỗ mà quan sát kỹ điểm hỗ trợ MA200 (điểm hỗ trợ này chưa đủ mạnh bởi còn nhiều cổ phiếu có chỉ báo kỹ thuật RSI trên 30). Nếu sang tuần, thị trường có nhịp hồi phục thì xác suất cao ông Hải sẽ bán để giảm bớt tỷ trọng xuống và ghi chép kỹ các sai lầm mình mắc phải khi đã ko quản trị danh mục thường xuyên tại các biến động bất thường của thị trường.
“Nhà đầu tư nên bình tĩnh xử lý, tuân thủ các nguyên tắc mình đặt ra và luôn tìm cách khắc phục. Mục đích phải giữ được vốn qua các đoạn thị trường biến động mạnh, đồng thời rút được các kinh nghiệm từ sai lầm để hoàn thiện phương pháp đầu tư” - Nhà đầu tư hơn 20 năm kinh nghiệm - Nguyễn Trần Hải chia sẻ.
Theo ông Hải, giữ được vốn là yếu tố “tối quan trọng”, trong quá trình đầu tư sẽ hay có các thời điểm thị trường biến động mạnh, cần kiên quyết xử lý những khoản mục đầu vi phạm. Tuy nhiên, cũng chính lúc thị trường hoảng loạn (không biết đâu là đáy) nhiều cổ phiếu bị bán đến vùng giá mà ở đó rủi ro thấp dần. Nhà đầu tư giữ được NAV phù hợp với trạng thái thị trường, cơ hội sẽ mở ra.
“Trong mọi tình huống, NAV của bản thân là quan trọng nhất. Mọi việc xoay quanh việc giữ vốn. Con đường đầu tư rất dài và gian khó. Kiên trì bền bỉ và luôn rút ra kinh nghiệm từ thành công hay thất bại sẽ giúp mình tồn tại” - ông Hải nhấn mạnh.
>> VN-Index rơi 102 điểm sau 4 phiên, ký ức Giỗ Tổ Hùng Vương 2 năm trước hiện về