Vietstock - Cố vấn Nhà Trắng ngày càng lạc quan về khả năng tiến tới thỏa thuận Mỹ-Trung
Cố vấn Kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ và Trung Quốc đang “ngày càng gần” tới một thỏa thuận thương mại và các quan chức hàng đầu sẽ tiếp tục đàm phán trong tuần này thông qua hội nghị truyền hình (teleconferencing).
“Tâm lý lạc quan” của ông Larry Kudlow ngày càng gia tăng sau khi hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc ghi nhận tiến triển trong các cuộc đàm phán ở Washington.
Các cuộc đàm phán cấp cao Mỹ-Trung được diễn ra trên cái nền của cuộc đàm phán ở Bắc Kinh trong tuần trước đó.
Các nhà đàm phán Trung Quốc – dưới sự dẫn dắt của Phó Thủ tướng Lưu Hạc – và các nhà đàm phán Mỹ đã bàn luận về văn bản thỏa thuận liên quan tới chuyển giao công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, các rào cản phi thuế quan, dịch vụ, nông nghiệp, cân bằng thương mại và triển khai, Tân Hoa Xã ghi nhận.
“Chúng tôi đã đạt bước tiến về đánh cắp sở hữu trí tuệ. Chúng tôi đã đạt tiến triển lớn về chuyển giao công nghệ bắt buộc”, Kudlow cho hay. Trung Quốc đã thừa nhận những vấn đề của họ – vốn đã là một rào cản rất lớn trước đó – và “những gì trước đây chưa đặt lên bàn đàm phán thì giờ đã được xem xét tới”, ông Kudlow cho biết.
Bất chấp quan điểm lạc quan của ông Kudlow, trong một bài nhận định riêng được phát hành vào ngày 05/04, Tân Hoa Xã cho biết “các vấn đề còn lại đều rất khó mà giải quyết”.
Nhà Trắng cho biết vào đêm ngày thứ Sáu (05/04) rằng “mặc dù đã đạt được tiến triển nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và các bộ trưởng, thứ trưởng và các thành viên của phái đoàn đàm phán sẽ liên tục liên lạc để giải quyết vấn đề hiện tại”.
Trao đổi với các phóng viên trong ngày thứ Sáu (05/04) trước khi đi tới California, ông Trump đã gọi vòng đàm phán mới nhất ở Washington là một “thành công lớn” nhưng cho biết ông không muốn dự đoán là có thỏa thuận hay không. Trước cuộc gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Tổng thống Mỹ cho biết Mỹ và Trung Quốc gần tiến tới một thỏa thuận, trong đó có khả năng thông báo về thỏa thuận trong vòng 4-6 tuần nữa.
Một tháng trước, ông Trump đã đề cập tới ý tưởng tổ chức “hội nghị ký kết thỏa thuận” với ông Tập, trong đó các cố vấn đề xuất hội nghị này có thể diễn ra ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida.
Giờ thì Tổng thống Mỹ lại thay đổi quan điểm, phải có thỏa thuận thì mới tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trump-Tập.
Cuộc chiến thương mại kéo dài 9 tháng qua đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng, làm chao đảo thị trường và gây áp lực lên nền kinh tế thế giới. Tuần này, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cảnh báo, cả hai bên cần tránh “tự bắn vào chân mình” thông qua một cuộc xung đột thương mại kéo dài.
“Trung Quốc đang gây áp lực lên Trung Quốc tại giai đoạn đàm phán cuối cùng, đòi hỏi sự nhượng bộ nhiều hơn về mở cửa thị trường và củng cố việc giám sát tuân thủ thỏa thuận”, Li Yishuang, Chuyên gia kinh tế tại China Securities Finance ở Thượng Hải, cho hay. “Thế nhưng, các vấn đề này đều ở cấp độ thực thi. Một thoả thuận về nguyên tắc vẫn có khả năng đạt được trước cuối tháng 4/2019”.
Ông Trump cho biết các vấn đề khó nhằn còn lại là bảo hộ sở hữu trí tuệ, hàng rào thuế quan và cơ chế triển khai thỏa thuận. Ông cho biết ông sẽ bàn về thuế quan với ông Lưu tại cuộc gặp gỡ, nhưng không đề cập chi tiết.
Trong ngày thứ Năm (04/04), Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer cho biết vẫn còn các vấn đề lớn cần phải giải quyết. Peter Navarro, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng, cho biết “đoạn đường cuối cùng của chặng đua marathon thực chất là dài nhất và khó nhất”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)