Vietstock - Lý do gần 180 dự án chậm tiến độ sử dụng đất ở TPHCM
Theo UBND TPHCM, nguyên nhân chậm tiến độ là do công tác lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm còn chậm so với quy định pháp luật; quá trình chuyển đổi chức năng sử dụng đất một số loại đất còn chậm, có tình trạng khác biệt giữa chức năng sử dụng đất thực tế và quy hoạch sử dụng đất, tình trạng đưa các dự án chưa rõ tính khả thi vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm…
UBND TPHCM vừa báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024; công tác rà soát, xử lý các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất.
Theo đó, TPHCM có 176 dự án đất đai thuộc diện phải điều chỉnh, hủy bỏ do không thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi của người đang sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Đối với những dự án này, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã tổ chức triển khai, hướng dẫn cho UBND các quận, huyện làm việc với chủ đầu tư dự án để rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện; việc lập và phê duyệt dự án đầu tư, tiến độ thực hiện thu hồi đất, tình hình bồi thường giải phóng mặt bằng…
Theo UBND TPHCM, qua rà soát tại 19 quận, huyện đã tổng hợp được 112 dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất. Trong đó, số dự án đã thanh tra, kiểm tra là 97 dự án. Tuy nhiên, qua xem xét nội dung 2 bản kết luận thanh tra, kiểm tra thì các nội dung kết luận không thể hiện rõ hành vi vi phạm không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất của các chủ đầu tư dự án, vì vậy chưa có căn cứ để xử lý.
TPHCM có 176 dự án đất đai thuộc diện phải điều chỉnh, hủy bỏ do không thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất hàng năm. |
Do đó, UBND TPHCM chưa thực hiện việc xử lý đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất mà giao cho các Sở, ban ngành, UBND các địa phương tiếp tục theo dõi để xử lý theo quy định.
Theo UBND TPHCM, trong quá trình phát triển, TPHCM hình thành các khu đô thị lớn. Cùng lúc đó, các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng thường xuyên có sự thay đổi, nên việc tổ chức thực hiện các thủ tục còn nhiều khó khăn, vướng mắc trên thực tế.
Cùng với đó, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài, trong khi giá đất ngày càng biến động và tăng nhanh. Do đó, dự án càng kéo dài thì càng gặp nhiều khó khăn trong thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, một số chủ đầu tư thiếu vốn, thiếu năng lực... cũng là nguyên nhân làm cho việc triển khai dự án kéo dài, chậm tiến độ.
UBND TPHCM cho rằng, Luật Đất đai chỉ quy định về xử lý các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất chậm tiến độ, không quy định về xử lý các dự án nhà đầu tư tự chuyển mục đích sử dụng đất.
Trong khi đó, các dự án được Nhà nước giao đất phần lớn là công trình công cộng, đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất là các dự án đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách nhưng pháp luật đất đai lại không có quy định, chế tài về xử lý dự án chậm triển khai, dẫn đến có dự án đã được phép chuyển mục đích sử dụng đất nhiều năm nhưng chưa triển khai đầu tư gây lãng phí nguồn lực, làm mất cân bằng thị trường bất động sản.
Mặt khác, dự án đầu tư được lập và thực hiện theo nhiều ngành luật khác nhau (Luật Đầu tư, Luật Nhà ở…) và chưa có sự thống nhất về xử lý dự án chậm dẫn đến khó khăn trong khâu áp dụng, thực hiện luật.
Ngoài ra, dù đây là công tác được đôn đốc, thực hiện và rà soát thường xuyên, liên tục, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác phân loại, tham mưu xử lý. Một trong những lý do là công tác lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm còn chậm so với quy định pháp luật. Quá trình chuyển đổi chức năng sử dụng đất một số loại đất còn chậm. Có tình trạng khác biệt giữa chức năng sử dụng đất thực tế và quy hoạch sử dụng đất. Tình trạng đưa các dự án chưa rõ tính khả thi vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm, làm ảnh hưởng tiến độ và chưa đáp ứng kịp thời công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai thực hiện các dự án…
Duy Quang